Thứ Bảy | 28/06/2014 17:39

Quý và hiếm như những nữ CEO quyền lực

Nữ CEO hưởng lương cao nhất thế giới, trên thực tế lại là … một người đàn ông. Ngành công nghệ đem đến nhiều CEO nữ nổi danh như Marissa Mayer (Yahoo) và Rometty (IBM).
Ảnh 3: Marissa Mayer, nữ CEO của Yahoo đã thu về 24,9 triệu USD chttp://admin.gafin.vn/images/icons/folder.gifho một năm làm lãnh đạo tại hãng.
Marissa Mayer, nữ CEO của Yahoo đã thu về 24,9 triệu USD trong một năm làm lãnh đạo tại hãng.

Nếu nhắc tới Marissa Mayor (nữ CEO của Yahoo, người ẵm gọn mức lương 25 triệu đô một năm, chưa kể 50.000 đô tiền Yahoo chi trả cho vệ sỹ riêng của bà), rất có thể chuyện mất cân bằng trong chi phí lao động giữa giới nam và nữ sẽ không còn là vấn đề đáng bàn.

Thế nhưng, những người phụ nữ như Marissa Mayor rất hiếm hoi. Trong danh sách 200 CEO hưởng lương cao nhất tại Hoa Kỳ, chỉ có vỏn vẹn 11 phụ nữ, tức là chỉ chiếm 5,5%.

Bảng xếp hạng Equilar về 200 CEO được trả lương cao nhất do tờ nhật báo New York Times thực hiện đã làm dấy lên những câu hỏi về tính hợp lý trong lương chi trả cho các chuyên viên cao cấp cũng như tác động của nó tới sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Bên cạnh đó, kết quả của bảng xếp hạng cũng đặt ra vấn đề về cân bằng giới trong môi trường lao động, hay sự thiếu hụt bóng dáng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo.

Equilar là hãng chuyên cập nhật thông tin về các gói trả lương dành cho nhân viên tại các công ty khác nhau. Tháng 4 vừa qua, hãng này đã công bố kết quả nghiên cứu dựa trên báo cáo tài chính của các công ty có giá trị thị trường trên 1 tỷ đôla Mỹ và đạt yêu cầu về lợi nhuận tối thiểu (thay vì đạt tiêu chuẩn vốn hóa thị trường).

Trong đó, mức lương trung bình trả cho 11 nữ CEO là 15,7 triệu USD, thấp hơn mức trung bình lương của các CEO nam giới 1,6 triệu USD và cũng thấp hơn mức trung bình của toàn bộ danh sách.

Dù nghiên cứu của Equilar cho thấy số phụ nữ góp mặt là rất ít để có thể đưa ra một kết luận rõ ràng về mối quan hệ giữa tiền lương và giới tính, một điều chắc chắn là những người phụ nữ đề cập trong danh sách có năng lực chẳng thua kém gì những người đồng nghiệp nam giới, vậy nên việc lương trung bình của họ thấp hơn cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Những nghiên cứu mang tính định lượng kể trên, bên cạnh việc xem xét cụ thể về phạm vi nghiệp vụ của các nữ giám đốc, tiết lộ vì sao con đường trở thành lãnh đạo lại khó khăn đến vậy đối với nhiều phụ nữ, và tại sao những người phụ nữ vượt qua được những thử thách chông gai trên nấc thang danh vọng – chủ yếu lại đến từ khối ngành công nghệ.

Đây là những lời khuyên dành cho phụ nữ giàu tham vọng: làm việc trong lĩnh vực liên quan nhiều đến công nghệ, bắt đầu với một công việc ở tầm cao, cố gắng tham gia càng sâu càng tốt vào chuyên môn của doanh nghiệp (có nghĩa là, đừng cố gắng trở thành thành viên ban cố vấn hay giám đốc nhân sự, đại loại thế), làm việc cho một công ty có phụ nữ trong ban giám đốc, và đặc biệt là – đừng bao giờ bỏ cuộc!

Nữ CEO hưởng lương cao nhất trong danh sách Equilar, trên thực tế, lại là … một người đàn ông. Martine Rothblatt (vốn có tên Martin Rothblatt), là cha đẻ của bốn đứa trẻ và một doanh nghiệp mang tên Sirius Satellite Radio (tiền thân của thương hiệu Sirius XM), trước khi trải qua một ca phẫu thuật chuyển giới vào năm 1994.

Và sau khi một đứa con của ông, hay đúng hơn là, của bà bị chẩn đoán mắc một căn bệnh lạ, bà đã thành lập United Therapeutics vào năm 1996, hỗ trợ phát triển loại thuốc đặc trị điều trị căn bệnh này. Hồi năm ngoái, bà được trả mức lương 38 triệu USD chủ yếu dưới dạng cổ phiếu, đưa bà vào top 10 CEO đắt giá nhất trong danh sách. “Người phụ nữ” này đã từ chối đa phần các cuộc phỏng vấn báo chí.

Còn bà Mayer là người phụ nữ có thu nhập cao thứ hai trong danh sách (ở mức 24,9 triệu USD), tiếp sau là Carol Meyrowitz, tổng giám đốc chuỗi công ty TJX (hưởng lương 20,7 triệu USD). Cả hai đều được trả lương thông qua cổ phiếu và quyền chọn.

Bên cạnh đó, những người phụ nữ cống hiến sức mình cho ngành công nghiệp hàng tiêu dùng cũng thường được trả công xứng đáng.

Phải kể đến ở đây bà Indra Nooyi đến từ thương hiệu PepsiCo với mức thu nhập một năm đạt 13,2 triệu USD; hay Inrene Rosenfeld giám đốc hãng Mondelez International (vốn trực thuộc Kraft Foods), kiếm được 14 triệu USD. Song hồi năm ngoái, bảng xếp hạng những nữ nhân đầy quyền lực cũng đã ghi nhận thêm hai trường hợp hiếm hoi làm CEO trong khối ngành phi truyền thống đối với phái nữ: khối quân sự.

Cụ thể ở đây là Marillyn A. Hewson – chủ tịch kiêm CEO của Lockheed Martin, công ty chuyên sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ nhu cầu khám phá vũ trụ và an ninh phòng thủ (lương của bà là 15,7 triệu USD, tương ứng với mức trung bình của các CEO nữ); và Phebe Novakovic, người phụ nữ quyền lực của General Dynamics (với mức lương 18,8 triệu USD).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ làm việc ở các cấp bậc cao cũng không được trả nhiều hơn những người đàn ông ở vị trí tương đương.

Tuy nhiên, hai trong số những nghiên cứu khoa học toàn diện và đáng tin cậy nhất đã chứng minh được rằng khoảng cách tiền lương giữa các giám đốc nam và nữ là không đáng kể, xét trên phương diện tuổi tác và năm kinh nghiệm.

Không những thế, khi cân nhắc hai yếu tố nêu trên thì nhiều nữ giám đốc còn được hưởng lương cao hơn cả nam giám đốc (theo công bố của một nghiên cứu). Dù vậy, người ta vẫn khúc mắc với câu hỏi muôn thủa: rằng nữ giới có xứng đáng được hưởng mức lương ngang bằng với nam giới hay không, nếu công việc của họ là như nhau nhưng người phụ nữ lại có số năm kinh nghiệm ít hơn?

Mặc dù vậy, vấn đề tính toán và chi trả lương hoàn toàn không đơn giản. Sau khi Jill Abramson - tổng biên tập nữ đầu tiên của tờ The New York Times bị sa thải hồi tháng trước, The New Yorker đã tiết lộ bí mật rằng bà này đã từ chối mức lương thấp hơn người tiền nhiệm của mình. Song, tờ thời báo lớn nhất nước Mỹ đã phủ định cáo buộc này, và cho biết trên thực tế, bà Jill đã được hưởng mức tổng thu nhập trong một năm cao hơn rất nhiều so với mức của vị tổng biên tập trước đó.

Ảnh 1: Bà Sheryl Sandberg, nữ tướng đến từ Facebook kiếm được 16,1 triệu USD trong năm 2013.
Bà Sheryl Sandberg, nữ tướng đến từ Facebook kiếm được 16,1 triệu USD trong năm 2013.

Một điểm đáng lưu ý khác là các nhân viên nữ thường kiếm nhiều hơn đến 20% trong các công ty có CEO là phụ nữ, theo một bài phân tích của Linda Bell, giáo sư kinh tế học tại trường cao đẳng Barnard. Thêm vào đó, công ty có phụ nữ làm lãnh đạo thì số nhân viên nữ giữ các chức vụ cao cấp cũng cao hơn. “Sự giúp đỡ giữa những người phụ nữ với nhau có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự nghiệp của nữ giới”, bà Bell viết.

Nếu điều này là đúng sự thật thì có lẽ, vấn đề đáng bàn nhất hiện nay là số phụ nữ đảm đương các chức vụ cao cấp đã có dấu hiệu chững lại, theo điều tra của hãng nghiên cứu phi lợi nhuận Catalyst về 500 công ty lớn nhất nước Mỹ năm 2013. Phụ nữ hiện giữ khoảng 16,9% số ghế trong ban điều hành và 14,6% số chức vụ cấp cao tại nhiều doanh nghiệp, và con số này có tăng, song tăng với tốc độ “con rùa”: khoảng 4,9% trong vòng 10 năm. Rõ ràng, đây không phải là một con số thể hiện được sự tiến bộ của nữ giới.

Có nhiều lý do giải thích cho thực tế này. Một số chị em không thích các công việc quá cạnh tranh và cũng khá “hiền” khi thương lượng về các quyền lợi của mình. Một số không chịu được áp lực di chuyển cũng như thời lượng làm việc kéo dài của những công việc thuộc vị trí quản lý hay lãnh đạo.

Song, rõ ràng là phụ nữ trong khối ngành tài chính hay kinh doanh thường phải rất vất vả để cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống gia đình, vất vả hơn nhiều so với những chị em làm trong ngành luật hay y tế.

Do tính chất bất linh hoạt cũng như thời gian làm việc kéo dài, nhiều nữ chuyên viên với tấm bằng MBA rất ngại phải tạm dừng công việc giữa chừng (vì sinh nở hay chăm sóc con cái). Khi đó, mức thu nhập của họ có thể bị tổn hại nặng nề và rất khó hồi phục. Lẽ dĩ nhiên, đàn ông cũng không thoát khỏi gánh nặng gia đình và chăm sóc các con, nhưng vai trò của cánh mày râu trong các nhiệm vụ tề gia nội trợ không rõ rệt bằng vợ của họ.

Kết quả là, nhiều phụ nữ không thể gắn bó đủ lâu với công ty của mình để có thể trở thành giám đốc, và khả năng để một phụ nữ trở thành chuyên viên cao cấp chỉ thấp bằng phân nửa của đàn ông. Thế nhưng, nếu một phụ nữ kiên trì theo đuổi sự nghiệp của mình tại công ty trên 15 năm, thì khả năng trở thành CEO của cô ta lại cao hơn các cộng sự nam giới.

Và nếu như thương trường vốn luôn khốc liệt cho những người đàn bà tham vọng, thì khối ngành công nghệ lại mở ra nhiều hi vọng hơn cho họ. Thực tế này quả là đáng ngạc nhiên, bởi phụ nữ và công nghệ xem ra chẳng có tí gì phù hợp. Ngay cả Google cũng không ngại ngần cho biết: chỉ có 30% số nhân viên và 17% số kĩ thuật viên của họ là nữ.

Angela Ahrendts, tân giám đốc khối bán lẻ của Apple được thưởng 68,5 triệu USD bằng cổ phiếu.
Nhưng nếu chị em kiên trì với ngành này thì xem ra kết quả thu được cũng bõ công. Trong danh sách Equilar nói trên, khối ngành công nghệ đem đến những cái tên phụ nữ nổi danh và đầy uy quyền, như Mayer (Yahoo), Rometty (IBM) hay Whitman (Hewlett-Packard). Ngoài ra, Equilar cũng tiết lộ nhiều cái tên phái nữ giữ các chức vụ cao cấp khác trong các công ty công nghệ, như Safra Catz (Chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của Oracle), Sheryl Sandberd (Giám đốc vận hành của Facebook) và Angela Ahrendts (Giám đốc bộ phận bán lẻ của Apple).

Có lẽ, ngành công nghệ ưu ái chị em phụ nữ chính là bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của nó. “Bởi bản thân ngành công nghệ này luôn phải làm mới chính mình, nó không được phép đặt ra các chuẩn về việc ai có thể hay nên có được thành công”, bà Susan Wojcicki, giám đốc điều hành Youtube, chia sẻ.

Điều này được thể hiện rõ khi hãng Yahoo quyết định đề bạt bà Mayer làm giám đốc điều hành vào thời điểm người phụ nữ này đang mang bầu 7 tháng, một quyết định hẳn là không thể nào hiểu nối đối với nhiều công ty tài chính.

Các công việc liên quan tới công nghệ thường linh hoạt hơn, nhất là đối với những nhân viên giàu năng lực. Công ty công nghệ không bao giờ muốn đánh mất các nhân tài, bởi vậy họ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hoặc nới lỏng các quy định cho nhân viên trong phạm vi cho phép. Điều này góp phần lí giải cho sự thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa hai giới trong khối ngành công nghệ, cũng như những lợi ích gia tăng cho phụ nữ làm trong ngành này.

Một câu chuyện giúp minh chứng rõ nét cho những điều nêu trên, là việc bà Sukhinder Singh Cassidy, nguyên giám đốc phụ trách vận hành khối Châu Á Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latin của hãng Google, đã yêu cầu công ty chi trả phí tổn để bà có thể mang theo con và người giúp việc của mình đi cùng trong các chuyến công tác xuyên lục địa, với vé máy bay hạng thương gia. Google đồng ý!

“Các công ty công nghệ luôn chú trọng đến tính linh hoạt, họ không đặt nặng vấn đề bạn đã làm việc vất vả thế nào, mà cái chính là bạn làm việc như thế nào”, Cassidy – hiện là giám đốc điều hành công ty Joyus, cho biết.

Nguồn GAFIN, NYTimes/ DVO


Sự kiện