Thứ Ba | 17/12/2013 07:38

Peter O'Toole từ trần: Cả cuộc đời vô duyên với giải Oscar

Lừng lẫy tên tuổi với vai chính trong phim Lawrence xứ Arab (Lawrence of Arabia) và “khét tiếng” vì những cuộc ăn chơi trụy lạc, Peter O'Toole là một trong những nhân vật có sức lôi cuốn mạnh nhất, nhưng cũng nhiều tai tiếng nhất làng diễn xuất Anh.

Sau một thời gian dài bị bệnh, Peter O'Toole đã qua đời hôm 14/12 tại bệnh viện Wellington ở London (Anh), hưởng thọ 81 tuổi. Cái chết của ông khiến nước Anh đau buồn. Hôm 15/12, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng Lawrence xứ Arab là bộ phim yêu thích của ông và nhận định màn diễn của O'Toole gây ấn tượng sâu sắc.

Người khổng lồ của điện ảnh và sân khấu

Seamus Peter O'Toole sinh ngày 2/8/1932, là con trai của Patrick "Spats" O'Toole, một người làm nghề môi giới đặt cược đua ngựa gốc Ireland. Nhiều người đặt câu hỏi O'Toole sinh ra ở Connemara (Ireland) hay ở Leeds, miền Bắc nước Anh, nơi ông trưởng thành. Với cá nhân Peter, cả Ireland và Anh đều rất gần gũi với ông. Ông thậm chí còn kết bạn với Tổng thống Ireland hiện nay là Michael D. Higgins. “Ireland và thế giới đã mất một trong những người khổng lồ của điện ảnh và sân khấu” – Tổng thống Higgins tuyên bố hôm 15/12.

Về ngoại hình, O'Toole là người điển trai, với đôi mắt xanh rực lửa, hút hồn, giấu dưới vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát. Những năm sau này, gương mặt đẹp trai ấy đã trở nên tàn tạ sau một thời gian dài nghiện rượu. Tuy nhiên, không gì có thể làm thay đổi bản tính thẳng thắn của ông. “Nếu bạn không thể làm một việc gì đó một cách vui vẻ và tự nguyện, tốt nhất đừng làm việc đó nữa. Nếu bạn quyết định bỏ rượu thì đừng có than vãn, rên rỉ. Nếu không bỏ được, hãy trở lại con đường nghiện ngập” - O'Toole từng nói.
Sau một thời gian làm báo tại tờ The Yorkshire Evening Post và thực hiện nghĩa vụ quân sự, O'Toole tham gia thi tuyển tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Kịch Hoàng gia và giành được học bổng. Thành công ban đầu với vai diễn trong vở The Long And The Short And The Tall (1959) tại Nhà hát Hoàng gia London đã giúp O'Toole bước vào con đường của một ngôi sao.
Peter O’Toole trong phim Lawrence xứ Arab
O'Toole bắt đầu sự nghiệp diễn xuất khi đang là một trong những tài năng trẻ của sân khấu Anh. Ông nổi danh quốc tế với bộ phim sử thi Lawrence xứ Arab (1962) của đạo diễn David Lean. Trong phim, O'Toole vào vai viên sĩ quan quân đội T.E. Lawrence, được cử tới Trung Đông trong Thế chiến I để giúp người Arab chống lại người Thổ. Anh trở thành mắt xích quan trọng liên kết các bộ lạc Arab với nhau, tạo nên sức mạnh đánh bại quân Thổ.

Trước khi tham gia Lawrence xứ Arb, O'Toole mới chỉ đảm nhiệm một số vai phụ. Vì vậy với hầu hết khán giả điện ảnh, ông gần như là gương mặt vô danh khi họ xem phim. Chính cách lột tả đầy tinh tế cá tính phức tạp của nhân vật Lawrence đã đem về cho O'Toole đề cử Oscar đầu tiên.

Năm 1964, O'Toole được đề cử Oscar thứ 2 với chân dung Vua Henry II trong phim Becket (1964). Năm 1968, ông tiếp tục hóa thân thành Vua Henry trong phim The Lion In Winter, bên cạnh nữ minh tinh Hollywood Katharine, và được đề cử giải Oscar thứ 3. Tổng cộng ông có 8 lần nhận đề cử giải Oscar, nhưng rốt lại chẳng thu được giải nào.

Nổi loạn quậy phá và tự cứu cuộc đời

Năm 1987, O'Toole được phong tước Hiệp sĩ, song ông đã không nhận tước hiệu này. Ở tuổi 70, khi hay tin được trao giải Oscar danh dự, O'Toole từng từ chối rồi nói với Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ rằng ông vẫn đang “trong cuộc chơi và vẫn có thể đoạt giải”. Mặc dù tuyên bố giải nghệ vào năm 2012, O'Toole vẫn đóng thêm 3 phim nữa, dự kiến phát hành vào năm 2014.

Tài năng là thế, nhưng trong nhiều thập kỷ, O'Toole luôn mang hình ảnh của một kẻ nổi loạn và quậy phá.

Danh tiếng toàn cầu đã đưa O’Toole vào hàng những diễn viên được trả cát-xê cao nhất. Kiếm được nhiều tiền, ông thả sức ăn chơi. Ông mua nhà ở Hampstead, Bắc London, và một ngôi nhà khác ở Connemara, sau này trở thành nơi “ở ẩn” của ông. Ông còn mua chiếc ô tô Rolls-Royce màu trắng để có thể lượn khắp đại lộ Sunset ở Hollywood.

O’Toole cũng không ngại ngần vung tiền vào các cuộc chè chén say sưa. Nhưng tính thích quậy phá đã khiến ông từng bị một nhà hàng ở London cấm cửa. Chưa hết, O’Toole còn từng đánh một paparazzi ở Roma, ẩu đả với cảnh sát ở Paris, đụng độ với một một chủ nhà hàng ở Dublin và đấm nhau với nhà phê bình Kenneth Tynan ở London. Một lần đi nghỉ cùng vợ Sian Phillips ở Bắc Wales, ông đã nổi lửa đốt nhà vì mâu thuẫn và có hơi men trong người.

O'Toole về sau đã cứu được đời mình nhờ cai rượu, song đã quá muộn để cứu cuộc hôn nhân với bà Sian Phillips. 2 người ly hôn vào năm 1979, sau 19 năm chung sống. Trong cuốn hồi ký của mình, bà Phillips mô tả, những cuộc cãi vã của họ thường kết thúc sau khi O'Toole lao ra khỏi nhà, đôi khi trong cảnh không giày và phóng xe như điên trên đường.

Gia đình tan vỡ khiến O'Toole có giai đoạn rơi vào trầm cảm và không thể tiếp tục làm việc. Đó là thời kỳ tồi tệ trong sự nghiệp điện ảnh của ông. Năm 1980, ông cố trở lại sân khấu với vở Macbeth. Vở diễn bị giới phê bình “đánh đập” tơi bời, song vẫn khá hút khách, chủ yếu bởi khán giả tò mò muốn biết vì sao nó bị chê dữ như vậy.

Phải tới năm 1989, O'Toole mới trở lại quỹ đạo thành công với Jeffrey Bernard is Unwell, vở hài kịch kể về chứng nghiện rượu cũ của ông và thói ăn chơi khét tiếng.

Năm 2012, khoảng 1 tháng trước khi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, O'Toole tuyên bố từ giã nghiệp diễn, công việc đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc và cả tiền bạc. Ông tâm sự: "Nghiệp diễn đưa tôi đến với nhiều người tốt, trải qua nhiều thành công và cả thất bại. Tuy nhiên, tôi thấy giờ là lúc phải dừng cuộc. Tôi từ giã sự nghiệp với lòng biết ơn sâu sắc”.

Nguồn Thể Thao Văn Hóa


Sự kiện