Đây là bài viết của Joseph S. Nye, Jr - cha đẻ của lý thuyết “Quyền lực mềm”, cũng là một cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng, là giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn Tương lai của Quyền lực (The Future of Power).
Hôm nay ngày 22 tháng 11 năm 2013, tròn 50 năm sau ngày tổng thống John F.Kennedy bị ám sát. Với những người đương thời, đó vẫn luôn là một trong những khoảng khắc định mệnh khó có thể bị lãng quên. Hình ảnh của tổng thống trẻ tuổi cùng phu nhân trên chiếc xe mui trần đã kết thúc chóng vánh bằng đám đông sững sờ đứng trước bệnh viện nơi ông qua đời… Tất cả đã diễn ra quá chớp nhoáng, khiến cả nước Mỹ bàng hoàng.
Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy mới đang ở tuổi 46 tuổi khi ông bị bắn ở Dallas, bang Texas bởi Lee Harvey Oswald, một lính thủy đánh bộ Mỹ từng đào ngũ. Cuộc đời của Kennedy, tuy ngắn ngủi nhưng vẫn có sức ám ảnh đến hàng triệu con người bằng sự trẻ trung, mạnh mẽ cũng như tính bi kịch và đau đớn mà cái chết của ông mang đến.
Rất nhiều người Mỹ coi Kennedy như một trong những tổng thống vĩ đại, ngang hàng với George Washington và Abraham Lincoln, nhưng các sử gia lại thận trọng hơn khi đánh giá con người ông. Trái lại, dư luận đôi khi vẫn chĩa mũi dùi vào mối quan hệ của ông với nhiều phụ nữ, trong đó có nữ minh tinh Hollywood Marilyn Monroe, bảng thành tích ngắn ngủi và sự thất bại khi ông không thể biến lời nói thành hành động. Kennedy đã từng nói về nhân quyền, cắt giảm thuế và xóa nghèo, nhưng chính người kế nhiệm của ông Lyndon Johnson, mới là người hiện thực hoá thành những kết quả cụ thể bằng kĩ năng chính trị vượt trội của mình.
Năm 2009, Kennedy được xếp ở vị trí thứ 6 trong số các tổng thống quan trọng nhất, theo ý kiến của 65 học sinh trung học tiêu biểu, trong khi một cuộc điều tra về chính trị Mỹ gần đây của các chuyên gia Anh xếp Kennedy ở vị trí thứ 15. Đó đều là những kết quả đáng ngạc nhiên cho một tổng thống mới chỉ tại nhiệm 3 năm. Và điều đó khiến chúng ta có dịp tự đặt ra câu hỏi: Kennedy thực sự đã đạt được những gì và lịch sử liệu sẽ ra sao nếu ông sống sót?
Trong cuốn sách “Sự lãnh đạo của nhà cầm quyền và sự ra đời của kỉ nguyên Mỹ”, tác giả Joseph S. Nye chia các tổng thống thành hai xu hướng. Một là những người “cải cách”, theo đuổi những mục tiêu có tầm nhìn liên quan đến những thay đổi lớn. Và những người còn lại là những nhà “thực thi”, tập trung vào vấn đề hiện tại, hay nói cách khác là đảm bảo cho “đoàn tàu” không trật bánh và không đến trễ.
“đoàn tàu” không trật bánh và không đến trễ. |
Với phong cách của một nhà hoạt động xã hội và sức truyền đạt đầy cảm hứng, Kennedy có vẻ như là một nhà “cải cách”. Chính cuộc vận động tranh cử năm 1960 của Kennedy cũng được dựa trên một lời hứa sẽ “đưa đất nước chuyển động trở lại” (Get the country moving again).
Hình ảnh đầu tiên về Kennedy là một hình ảnh đầy tính hi sinh (“Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình – mà hãy tự hỏi bản thân có thể cống hiện được gì cho đất nước”). Ông chính là người đã tổ chức những chương trình như “Đoàn Hòa Bình”, hay “Liên minh vì sự Phát triển với châu Mỹ” và cũng chính Kennedy đã đặt nền móng để giúp nước Mỹ có người đầu tiên lên mặt trăng vào cuối thập kỉ 60.
Tuy nhiên, bất chấp việc là một nhà hoạt động và hùng biện thiên tài, Kennedy là một tổng thống thiên về cẩn trọng hơn là một nhà tư tưởng. Như sử gia Fred Greenstein đã nói, “Kennedy có rất ít triển vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng quan trọng”.
Nhưng thay vì chê trách Kennedy đã không thực hiện theo những gì mình hứa hẹn, người Mỹ nên biết ơn rằng trong những tình thế nguy cấp, ông đã xử lý thận trọng và thực tế hơn là đi theo một lý tưởng hoặc đột phá nào đó. Thành tự lớn nhất của Kennedy trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Nhà Trắng là đã dàn xếp được cuộc khủng hoảng vũ khí Cuba 1963 và ngăn chặn một hậu quả khủng khiếp nhất có thể xảy ra kể từ những ngày đen tối của thời kì hạt nhân. Dù trách nhiệm của Kennedy trong cuộc chiến Vịnh Con Lợn là không thể chối cãi, tình hình đã có thể xấu hơn rất nhiều nếu Kennedy không ngồi xuống và đàm phán với những người Xô Viết. Học được từ thất bại của mình, Kennedy đã làm tất cả để có thể đạt được thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử - Hiệp ước Hạn chế Thử nghiệm Hạt nhân.
Nhưng câu hỏi lớn nhất còn bỏ ngỏ về nước Mỹ dưới thời Kennedy và liệu vụ ám sát của ông đã ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào, chính là cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi Kennedy trở thành tổng thống, nước Mỹ mới có vài trăm cố vấn ở miền Nam Việt Nam, chính ông đã tăng con số này lên đến 16.000. Tổng thống Johnson sau đó đã tăng quân số Mỹ lên đến hơn 500.000 người.
Rất nhiều người ủng hộ Kennedy nói rằng ông không thể mắc một sai lầm lớn đến vậy. Nhưng chính ông đã ủng hộ cuộc đảo chính để thay thế tổng thống Ngô Đình Diệm và sau đó Johnson đã làm tình hình tồi tệ hơn rất nhiều. Trong số đó, sử gia Arthur Schlesinger và người viết diễn văn cho Kennedy – Theodore Sorensen, đã chỉ ra rằng Kennedy có ý định rút quân từ Việt Nam sau khi tái tranh cử tổng thống năm 1964. Nhưng những người hoài nghi lại luôn viện dẫn rằng, Kennedy đã luôn phát biểu trước công chúng về việc phải tiếp tục cuộc chiến tranh Việt Nam. Và đến giờ câu hỏi này vẫn còn được để ngỏ.
Kennedy có thể là một tổng thống tốt, nhưng chưa chắc đã vĩ đại. Điều khiến ông trở thành một tổng thống tốt không phải vì khả năng tạo cảm hứng cho công chúng, mà chính vì sự thận trọng trước những thời điểm khó khăn trong quan hệ ngoại giao với các nước. Khoảng một nghìn ngày trên chiếc ghế quan trọng nhất tại Nhà Trắng, Kennedy đã chứng tỏ được nhiều điều, nhưng chừng đó vẫn còn quá khó để đánh giá hết về một bức tranh vẫn còn đang dang dở.
Nguồn Dân Việt