Chủ Nhật | 19/10/2014 12:54

Nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam giảm hơn 33%

Chiến dịch thông tin đã thay đổi thành công suy nghĩ của những người luôn nghĩ sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh.
Sừng tê giác

Những nỗ lực ngăn chặn hoạt động mua bán sừng tê giác đã đạt được những kết quả tích cực với kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam đã giảm hơn 1/3 trong năm qua.

Sau một năm tuyên truyền vận động, chỉ còn 2,6% số người tại Việt Nam tiếp tục mua và sử dụng sừng tê giác, giảm 38%.

Quan trọng hơn, số người nghĩ sừng tê giác là có giá trị chữa bệnh đã giảm 26%. Tuy nhiên, 38% người Việt vẫn nghĩ sừng tê giác có thể trị bệnh như ung thư và thấp khớp.

Cuộc khảo sát do tổ chức Nielsen Humane Society International (HSI) và Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam) phối hợp thực hiện.

Việt Nam là một trong những nước bị bọn tội phạm buôn bán động vật hoang dã xem là trạm trung chuyển hàng đi các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Nhu cầu sừng tê giác, chủ yếu ở Trung Quốc và Đông Nam Á, đang gây áp lực lớn lên số lượng tê giác ở châu Phi. Năm ngoái, một số lượng kỷ lục 1.004 con tê giác bị săn bắn phi pháp ở Nam Phi – nhiều hơn bất kỳ số tê giác ở bất kỳ nước nào. Năm 2014 đã có thêm 821 con tê giác bị giết.

Tình trạng săn bắn trộm tăng mạnh trong những năm gần đây, năm 2007 chỉ có 13 cá thể tê giác bị săn bắn trộm tại Nam Phi. Một lý do chính là do giá sừng tê giác tăng mạnh, có thể lên đến 100.000 USD/kg trên chợ đen, ngang với giá cocain và vàng.

Chiến dịch thông tin tuyên truyền tập trung vào việc loại bỏ ý nghĩ rằng sừng tê giác có giá trị tác dụng chữa bệnh. Chiến dịch tập trung tại Hà Nội, thông qua các tổ chức, trường đại học, trường học và hội phụ nữ.

Các quảng cáo xuất hiện trên xe buýt và các bảng quảng cáo lớn, trong cuốn sách của HIS mang tên “Tôi là Tê giác nhỏ” đã được phân phối tại các trường học.

Cuộc vận động nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nữ doanh nhân Lynn Johnson, người Australia mới đây đã gây quỹ để tiến hành hàng loạt các quảng cáo tại Việt Nam nhắc nhở mọi người rằng việc sử dụng sừng tê giác sẽ gây hại cho loài này.

Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã của HSI, cho biết, các chiến dịch vận động tuyên truyền đóng vai trò chủ chốt trong việc cắt giảm nhu cầu sừng tê giác.

Nguồn Theo DVO/Guardian


Sự kiện