Chủ Nhật | 23/03/2014 14:52

Hưởng thụ Hà Nội theo kiểu cũ và mới

Theo báo The Wall Street Journal, ở Hà Nội, bạn vừa tìm được quá khứ trong biệt thự Pháp cổ, vừa tận hưởng cuộc sống đô thị theo nhiều cách thú vị.
Nhật báo Wall Street Journal mới đây cho rằng, Hà Nội có hàng ngàn năm lịch sử, nhưng dường như không thời nào khiến Hà Nội trở nên đặc biệt quyến rũ như thời Pháp thuộc (1883-1954). Những yếu tố thuộc về di sản của đại đô thị Pháp như đại lộ cây xanh, tiệm cà phê đặc chất Pháp và các tòa nhà kiểu Âu-Pháp vẫn hiện hữu trong từng góc của Hà Nội, từ kiến trúc, nghệ thuật đến đồ ăn.

Thành phố này không mắc kẹt trong quá khứ khi chứng kiến sự nở rộ của các tòa nhà kính, studio nghệ thuật, phòng tranh và nhiều cửa hàng thời trang độc đáo. Từ góc nhìn của một người thích khám phá đời sống Hà Nội, phóng viên Georgia Freeman của tờ Wall Street Journal đưa ra những gợi ý để sống đẹp ở Hà Nội theo 2 hướng: cổ điển và hiện đại.

Bảo tàng Hà Nội, hoàn thành năm 2010, tọa lạc ở quận Từ Liêm. Ảnh: Wall Street Journal
Bảo tàng Hà Nội, hoàn thành năm 2010, tọa lạc ở quận Từ Liêm. Ảnh: Wall Street Journal

Về một Hà Nội cổ

Ăn: Đùi ếch và gan ngỗng

Phong cách nấu ăn và các loại đồ ăn Âu như cà phê, các món bánh nướng, rau củ như bắp cải và cà-rốt, do các nhà buôn bất hợp pháp mang đến Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Việt Nam hiện đại. Nếu bạn muốn tìm vị Pháp giữa lòng Hà Nội, hãy đến nhà hàng Le Beaulieu thuộc khách sạn Metropole Hà Nội. Nhà hàng Pháp này luôn phục vụ đồ ăn Pháp cổ điển như đùi ếch hoặc thịt bò Rossini kể từ khi mở cửa từ hơn 1 thập kỷ trước.

Người Hà Nội ở mọi lứa tuổi thường đi cafe và thưởng thức cà phê nâu (cà phê đen có sữa đặc). Café Mai, một tên tuổi có từ những năm 1930, được tiếng tốt là phục vụ loại cà phê ngon nhất Hà Nội. Nếu ưa không gian của những người trẻ và nghệ sĩ, quán cafe có tên Hanoi Social Club ở gần Nhà thờ Lớn Hà Nội sẽ là một địa điểm tuyệt vời.

Một góc Hà Nội ở phố Hội Vũ, góc phố của cafe Hanoi Social Club.
Một góc Hà Nội ở phố Hội Vũ, góc phố của cafe Hanoi Social Club.

Chơi: Các tòa nhà đậm nét Pháp

Kiến trúc là một trong những di sản hữu hình tuyệt vời nhất của thời Pháp thuộc tại Hà Nội. Địa điểm lý tưởng nhất cho chuyến khám phá kiến trúc là phố cổ Hà Nội và khu đại sứ quán. Các tòa nhà thời kỳ đầu Pháp thuộc, như tòa Bưu điện ở phố Lê Thạch, có các cửa sổ cao lớn và các tầng áp mái màu xám đen. Sơ đồ xây dựng và ngay cả nguyên liệu một phần được mang từ Pháp sang, đồng thời cấu trúc xây dựng được cho là cách nhiệt trong mùa hè và đối phó tốt với mọi trận mưa lớn. Nhưng sau đó, kiến trúc này nhanh chóng được cải tiến, các tầng áp mái dần được thiết kế thành các mái có chóp nhọn để đối phó với mưa hiệu quả hơn.

Trường phái nghệ thuật mới (Art Nouveau), tân cổ điển và phong cách Machine Age (phong cách xác định bởi kết cấu thuôn và việc tận dụng sử dụng nguyên liệu công nghiệp như nhôm và nhựa), sau đó cũng du nhập từ Pháp vào Hà Nội. Dấu ấn của những trường phái này dễ thấy ở các căn dinh thự mà nay trở thành các đại sứ quán và văn phòng chính phủ nằm dọc các con phố yên tĩnh thuộc quận Ba Đình. Các nhà lớn dọc phố Bà Huyện Thanh Quan và phía Bắc của phố Chu Văn An cũng sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo của phong cách Machine Age với mái nhà phẳng, cửa sổ tròn theo kiểu cửa sổ ở thành tàu biển và rèm cửa dạng hình học.

Có lẽ những ngôi nhà mang ý nghĩa kiến trúc lớn nhất được một học giả kiêm nhà khảo cổ học Ernest Hébrard xây dựng trong những năm 1920. Ông kết hợp phong cách Pháp cùng các chi tiết kiến trúc đậm chất Á, điển hình là phần mái của trường Đại học Đông Dương (hiện nay là Đại
học Quốc gia Hà Nội) có nhiều chi tiết giống kiến trúc chùa chiền. Các chi tiết phương Đông khác cũng xuất hiện ở mặt tiền của các tòa nhà khác như Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện tại.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.

Ngủ: Không gian cổ điển

Từ năm 1901, khách sạn Metropole bắt đầu khai trương và nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của giới thượng lưu, từ thành viên hoàng gia châu Âu cho đến người nổi tiếng như danh hài Charlie Chaplin. Ở đây, các tiệm bánh mì bán đủ các món bánh Pháp, quầy bar phục vụ một danh sách dài vang Pháp, đặc biệt, khách sạn thường tổ chức các đêm nhạc jazz và chiếu phim.

Cùng mang phong cách đó, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội sở hữu vẻ đẹp cổ điển thanh lịch từ sảnh, khu vực bar (nơi phục vụ một số món cocktail ngon nhất Hà Nội) và cả các chi tiết bài trí đậm nét Việt như quạt trần và gốm sứ truyền thống.

Góc quá khứ hoàn hảo của Hà Nội ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội.
Góc quá khứ hoàn hảo của Hà Nội ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội.

Về một Hà Nội hiện đại

Ăn: Thực đơn của tương lai

Phong cách Pháp không chỉ ảnh hưởng tới các món ăn Việt. Ngược lại, ẩm thực Việt với đủ loại thành phần và kỹ thuật nấu, cũng là nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ đầu bếp Pháp tại Hà Nội. Tại nhà hàng La Badiane, bếp trưởng bậc thầy người Pháp Benjamin Rascalou phục vụ món gan ngỗng với xoài thái lát và món sốt rémoulade có gừng và măng Việt.

Riêng ở nhà hàng La Verticale, bạn sẽ được "ông Tây nước mắm" có tên Didier Corlou phục vụ món vịt thái lát với dưa 5 vị. Trên trang mạng ẩm thực For the love of food (Vì tình yêu thực phẩm), tác giả viết: “La Verticale là một trong những nhà hàng Pháp hàng đầu ở Hà Nội nếu không muốn nói là xuất sắc nhất. Tôi nghĩ đó là nhà hàng Pháp “phải ăn thử” khi đến Hà Nội”.

Một món ăn tại nhà hàng La Verticale.
Một món ăn tại nhà hàng La Verticale.


Chơi: Nghệ thuật đương đại

Hà Nội là một trung tâm văn hóa từ lâu đời; nếu thực sự muốn hiểu về nhịp sống hiện đại ở thành phố này, bạn nên bắt đầu khám phá từ nghệ thuật thay vì kiến trúc.

Trong những năm 1980, các nghệ sĩ Hà Nội bắt đầu khám phá các chủ đề liên quan đến Việt Nam bằng kỹ thuật phương Tây như tranh sơn dầu. "Đó là thế hệ đầu tiên trong hàng trăm năm...cho phép nghệ sĩ làm bất kỳ điều gì họ muốn", Suzanne Lecht, chủ phòng tranh chuyên về nghệ thuật đương đại Art Vietnam Gallery, cho biết. Các phòng tranh độc lập bắt đầu nổi lên từ những năm 1990. Nghệ sĩ Vũ Dân Tân và vợ ông, Natalia Kraevskaia, người sáng lập Salon Natasha từng sống trong một ngôi nhà màu hồng ở quận Hoàn Kiếm. Bà Kraevskaia hiện nay trưng dụng ngôi nhà để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của chồng, bao gồm cả những mặt nạ làm từ hộp đựng xì-gà.

Không gian nghệ thuật kiêm quán cafe Manzi cũng là cái tên khá nổi trong giới nghệ thuật đương đại ở Hà Nội. Địa điểm này chuyên trưng bày và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ trước.

Ngủ: Khung cảnh đô thị

Ngay cả khi Hà Nội trở thành một thủ đô hiện đại, nơi này vẫn nhìn về quá khứ như là ngọn nguồn cảm hứng dồi dào. Ở khách sạn Melia Hà Nội, rất nhiều bức bích họa về đền thờ truyền thống Việt xuất hiện xen lẫn giữa các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Hầu như ở đây, bạn có thể thấy các tòa nhà kiểu Pháp, kiểu Trung Hoa, đứng sát cạnh nhau giữa lòng Hà Nội.

Nguồn The Wall Street Journal


Sự kiện