Thứ Bảy | 12/04/2014 13:37

Cách tìm chất Anh quốc trong hội họa và nỗi tự ti của người Anh

Người ta vốn luôn cho rằng hội họa Anh tầm thường và chỉ có giá trị ở cấp độ địa phương. Tư duy này hiện nay vẫn còn duy trì đâu đó.
Có lẽ cũng không có gì quá đáng khi nói rằng người Anh vốn khá phán xét, thậm chí còn tỏ ra ngại ngùng khi nhắc đến nền hội họa trong nước. Như lời của nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Đức gốc Anh, Nikolaus Pevsner, đã viết từ năm 1956: “Chẳng có quốc gia châu Âu nào lại mang thứ phức cảm tự ti về năng lực thẩm mỹ của chính mình như nước Anh.”

Tuy nhiên, mối quan ngại này xem ra không còn đúng. Triển lãm mang tên “BP Walk Through British Art” diễn ra hồi cuối năm 2013, đã trưng bày hơn 500 tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate.

Đây là triển lãm phải chịu một số phản ứng gay gắt từ phía người yêu nghệ thuật do việc Bảo tàng Tate chấp thuận nhận tài trợ từ tập đoàn dầu khí Anh BP cho sự kiện này. Dù vậy, “BP Walk Through British Art” vẫn được xem là khá thành công và dấy lên những tranh luận sôi nổi về các đặc tính và chất lượng của nền hội họa Anh quốc.

Ảnh 1: Những quý ông Phục Hưng. Bức The Archers (Cung thủ) của Joshua Reynolds được vẽ vào năm 1769, phác họa hình ảnh hai nhà quý tộc trẻ tuổi đang tham gia một cuộc đi săn. Tác phẩm này được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bậc thầy Titian.
Bức The Archers (Cung thủ) của Joshua Reynolds được vẽ vào năm 1769, phác họa hình ảnh hai nhà quý tộc trẻ tuổi đang tham gia một cuộc đi săn. Tác phẩm này được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bậc thầy Titian.

Ảnh 2: Vũng bùn vinh quang. Kiệt tác ra đời năm 1914 của David Bomberg, The Mud Bath (Bể tắm bùn), lấy cảm hứng từ những nhà tắm hơi gần nhà của người nghệ sỹ (ở khu đông London), thể hiện những khối hình hình học.
Kiệt tác ra đời năm 1914 của David Bomberg, The Mud Bath (Bể tắm bùn), lấy cảm hứng từ những nhà tắm hơi gần nhà của người nghệ sỹ (ở khu đông London), thể hiện những khối hình hình học.

Việc bố trí các tác phẩm một cách ngẫu hứng và đầy sáng tạo đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi. Phải kể đến hai tác phẩm được treo trong cùng một tầm nhìn, bao gồm: bức họa The Archers (tạm dịch: Cung thủ) của Joshua Reynolds (ra đời vào năm 1769), phác họa hình ảnh của hai chàng quý tộc đang đi săn trong rừng; và một bức khác là The Mud Bath (tạm dịch: Bể tắm bùn, tác phẩm do nghệ sỹ gốc Anglo-Do Thái David Bomberg vẽ năm 1914), thể hiện bằng những hình khối góc cạnh màu xanh và trắng chuyển động trên một mặt phẳng hình chữ nhật đỏ nằm nghiêng, gợi nhắc hình ảnh khu nhà tắm Russian Vapour Baths một thời ở phía Đông London.

Thoạt nhìn, hai bức tranh chẳng có nét gì chung. Tác phẩm của Reynolds là một bức chân dung kép đầy sống động, khiến người xem nhớ đến tinh thần Phục hưng trong tranh của bậc thầy hội họa nước Ý Titian. Ngược lại, The Mud Bath mạnh mẽ bước qua những quy phạm hội họa xưa cũ mà bức vẽ của Reynolds vẫn còn rất nâng niu. Trong tranh, người ta ít cảm thấy chiều sâu, ngoài những khối hình hình họa trừu tượng như đang nhảy múa, với gam màu đơn giản và phi tự nhiên.

Và khi chúng được treo lên trong cùng một tầm nhìn, người xem như được mời gọi vào một cuộc tư duy nhằm tìm ra điều liên kết hai tác phẩm đầy khác biệt này. Trong bức The Archers, hình ảnh tướng Sydney và đại tá Acland nổi bật trên bức toan, cách ăn vận và thứ vũ khí trên tay họ đều phảng phất nét cổ xưa, họ băng băng qua khu rừng già cũng nhuốm đầy sắc màu huyền thoại. Họ chính là những người kế thừa cho truyền thống nước Anh, những người can đảm đứng lên cho màu xanh và sự yên bình của quê hương xứ sở. Còn trong The Mud Bath, những gam đỏ, xanh, trắng lại khiến người xem tranh không khỏi liên tưởng tới một phiên bản kỳ lạ của lá quốc kỳ Union Jack. Chất tự tin và hùng tráng của quá khứ mở đường cho một hiện đại đầy bất ổn – và bởi vậy, hai bức họa góp phần truyền tải những thông điệp rất “Anh”.

Ảnh 3: Thưởng thức rượu ngon. Joseph Highmore được đặt hàng vẽ bức Mr. Oldham and his Guests (Ông Oldham và những vị khách) trong khoảng năm 1735-1745, tái hiện một cuộc họp mặt bạn bè bên bát rượu nấu nóng hổi.
Joseph Highmore được đặt hàng vẽ bức Mr. Oldham and his Guests (Ông Oldham và những vị khách) trong khoảng năm 1735-1745, tái hiện một cuộc họp mặt bạn bè bên bát rượu nấu nóng hổi.

Tuy vậy, bên cạnh những tác phẩm được cho là mang chất Anh không lẫn đi đâu được - ví dụ như bức Mr. Oldham and his Guests (tạm dịch: Ngài Oldham và những vị khách) của Joseph Highmore (được vẽ trong khoảng năm 1735-1745), phác họa chân dung một nhóm người tuổi trung niên cục mịch, chất phác đang thưởng thức món rượu vang nóng – rất nhiều tác phẩm hội họa khác ra đời trên xứ sở sương mù mà lại phảng phất nét gì đó “ngoại lai”. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: “Liệu có điều gì thực sự làm nên “chất Anh quốc” trong một tác phẩm hội họa của quốc gia này?

Ông Charles Saumarez Smith, nguyên giám đốc Phòng tranh Quốc gia London và hiện là giám đốc điều hành Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, tin rằng thứ “chất liệu Anh quốc” đó có tồn tại. “Hội họa Anh đã trải qua một số bước phát triển khác nhau trong lịch sử. Những bức tranh của chúng ta vốn thiên về miêu tả cảnh quan hay phác họa chân dung và không thể hiện quá nhiều tính tôn giáo.” – ông Smith nhận định.

Tuy nhiên, bà Penelope Curtis, giám đốc Bảo tàng Tate, lại tỏ ra khá thận trọng khi được hỏi về linh hồn bản địa ẩn chứa trong các tác phẩm hội họa của quốc gia. Bà chia sẻ: “Tôi cho rằng sẽ khá là mạo hiểm nếu nói rằng các họa sỹ Anh hứng thú với đề tài phong cảnh hay chân dung hơn các nghệ sỹ đến từ các quốc gia khác. Bởi tôi thì không thấy như vậy. Hầu hết những người nghệ sỹ đều không quá nặng nề chuyện mình là người Anh quốc khi bắt tay vào sáng tác – họ vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên trong phạm vi biên giới quốc gia, vừa hướng tầm nhìn ra thế giới, tới những chân trời mới. Điều đó là thực tế đã có từ lâu rồi.”

Và có lẽ những hoài nghi về bản chất của hội họa Anh bắt nguồn từ chính hoài nghi về chất lượng của nền hội họa.“Cũng chỉ mới gần đây thôi người Anh mới bắt đầu tán thưởng các tác phẩm nghệ thuật trong nước. Người ta vốn luôn cho rằng hội họa Anh tầm thường và chỉ có giá trị ở cấp độ địa phương. Tư duy này vẫn còn duy trì đâu đó.”, Alexandra Haris, nhà nghiên cứu lịch sử hội họa (đồng thời là tác giả cuốn Romantic Moderns: English Writers, Artists and the Imagination from Virginia Woolf to John Piper), giải thích.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm: “Cũng có vài điểm mà các họa sỹ Anh tỏ ra vượt trội. Nó thể hiện trong kĩ năng xử lý những sắc thái màu sắc phức tạpvà trở đi trở lại. John Piper cho rằng tính chất này phần nào bị chi phối bởi yếu tố thời tiết: đôi mắt của các nghệ sỹAnh quốc đã quen với việc nhìn ngắm sự vật dưới thứ ánh sáng mờ và yếu. Cách giải thích này nghe giản dị những lại khá có lý. Ta cũng sẽ hiểu vì sao các họa sỹ Tây Ban Nha vĩ đại lại rất giỏi trong việc khắc họa bóng đen sâu thẳm bên cạnh những luồng sáng mãnh liệt. Trong khi đó, các họa sỹ Anh quốc lại thể hiện tốt hơn trong việc truyền tải hàng ngàn cấp độ của xám và xanh.”

Bà Curtis chia sẻ: “Lí do tại sao bộ sưu tập của Bảo tàng Tate lại phong phú đến vậy, chính là nhờ công sức sáng tạo của những người họa sỹ đến từ khắp nơi trên thế giới – những người đã chọn London là điểm dừng chân của mình. Tôi cho rằng chúng ta nên bớt nghĩ ngợi về ‘cái gì làm nên chất Anh quốc’ mà hãy đơn giản giới thiệu bộ sưu tập này ra với công chúng.”

Điều này nhắc chúng ta nhớ lại câu chuyện về bức tranh The Archers và The Mud Bath đã nêu lên ở đầu bài viết. Cả Reynolds và Bomberg đều vẽ về “nước Anh”, dầu cho cách thể hiện của họ hoàn toàn khác nhau. Khi Reynolds sáng tạo nên Cung thủ, ông đã nghĩ đến Titian – người họa sỹ vĩ đại nhất của trường phái Venetian. Còn với The Mud Bath, Bomberg lấy cảm hứng từ những dòng chảy hội họa hiện đại đang nổi lên đâu đó tại châu Âu lúc bấy giờ. Vậy nên, sẽ là không thể nếu ta cứ cố định ra những tham số cho nền hội họa Anh quốc, bởi, thứ nghệ thuật thực sự có giá trị sẽ vượt xa khỏi mọi biên giới quốc gia.

Một số bức họa tiêu biểu của triển lãm "BP Walk through British Art":

Ảnh 4: Máu xanh. Bức chân dung tướng Thomas Lee được Marcus Gheeraerts (con) vẽ vào năm 1594, khắc họa hình ảnh vị cận thần triều đại nữ hoàng Elizabeth đang để lộ cặp chân trần, với những đường gân xanh nổi rõ.
Bức chân dung tướng Thomas Lee được Marcus Gheeraerts (con) vẽ vào năm 1594, khắc họa hình ảnh vị cận thần triều đại nữ hoàng Elizabeth đang để lộ cặp chân trần, với những đường gân xanh nổi rõ.

Ảnh 5: Kitty đang ngồi. Lucian Freud đã vẽ chân dung người vợ đầu của mình, Kitty Garman, trong bức Girl with a Kitten (Cô gái với mèo con), cùng một số tác phẩm khác của ông trong năm 1947.
Lucian Freud đã vẽ chân dung người vợ đầu của mình, Kitty Garman, trong bức Girl with a Kitten (Cô gái với mèo con), cùng một số tác phẩm khác của ông trong năm 1947.

Ảnh 6: Tắm hơi. Lấy bối cảnh các phòng tắm công cộng Stabian ở Pompeii, bức A Favourite Custom của Laurence Alma-Tadema (1909) được vẽ dựa trên một số bức ảnh được các nhà khảo cổ tìm thấy hồi năm 1824.
Lấy bối cảnh các phòng tắm công cộng Stabian ở Pompeii, bức A Favourite Custom của Laurence Alma-Tadema (1909) được vẽ dựa trên một số bức ảnh được các nhà khảo cổ tìm thấy hồi năm 1824.

 Ảnh 7: Người đàn bà thép. Bức La Hollandaise của Walter Sickert được vẽ vào khoảng năm 1906, với hình ảnh chiếc khung giường sắt kinh điển xuất hiện trong một số bức họa của nghệ sỹ này trong suốt khoảng thời gian từ năm 1905 đến 1909.
Bức La Hollandaise của Walter Sickert được vẽ vào khoảng năm 1906, với hình ảnh chiếc khung giường sắt kinh điển xuất hiện trong một số bức họa của nghệ sỹ này trong suốt khoảng thời gian từ năm 1905-1909.

Nguồn GAFIN/BBC


Sự kiện