Ngày thế giới không còn bãi biển
Đại dương phủ 70,8% bề mặt trái đất và tỉ lệ này vẫn đang tăng lên. Trung bình trên toàn cầu, mực nước biển hiện cao hơn 20cm so với trước khi con người bắt đầu làm tràn ngập bầu khí quyển với khí thải nhà kính vào cuối thập niên 1800. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng thêm 50cm trong 80 năm tới. Tại một số nơi, mực nước biển có thể tăng cao gấp 2 lần và còn hơn thế khi được cộng hưởng bởi những cơn bão lớn, như trận bão Sandy đã quét qua New York vào năm 2012.
Những khu vực ngập lụt ven biển dự kiến sẽ tăng 12-20% lên tới 70.000-100.000 km2 trong thế kỷ này. Các khu vực ngập lụt như vậy xấp xỉ diện tích của Áo hoặc Maine nhưng lại là nơi cư trú của đông đảo người dân và tài sản tại những đô thị lớn hướng biển. Trong tổng dân số thế giới 7,5 tỉ người, cứ 7 người thì có 1 người sống cao hơn mặt nước biển chưa tới 10m. Đến năm 2050, con số này sẽ là 1,4 tỉ người.
Những đảo san hô vòng như Kiribati có thể thường xuyên nằm dưới mặt nước biển. Đặc biệt các tài sản trị giá hàng ngàn tỉ USD (trong đó có khu vực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc tại đồng bằng Châu Giang cùng vô số căn cứ quân sự) đã được xây dựng ở những nơi mà có thể thường xuyên chìm dưới mực nước biển.
Gần như ai cũng biết, nước biển dâng lên khi bị nóng lên và dâng cao hơn khi được bồi thêm bởi hiện tượng băng tan từ những dòng sông băng và chỏm băng. Các nhà khoa học vẫn luôn tranh luận các đại dương có thể tăng nhanh và cao như thế nào. Giới chính trị gia và chuyên gia kinh tế thì tranh cãi nên giải quyết hậu quả như thế nào mới là tốt nhất, cụ thể là tình trạng lũ lụt, xói mòn, đất canh tác bị nhiễm mặn.
Tranh luận đến thế nào thì việc thiết thực nhất vẫn là phải nhanh chóng bắt tay hành động, bởi thích ứng với nước biển dâng cao hơn giờ đang là thực tế của cuộc sống.
Do nước biển dâng nên tác động của nó vẫn xảy ra cho dù lượng khí thải carbon giảm xuống. Trong 30 năm, thiệt hại đối với các thành phố ven biển có thể lên tới 1.000 tỉ USD mỗi năm.
Đến năm 2100, nếu nỗ lực giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C như trong thỏa thuận Paris, mực nước biển sẽ tăng thêm 50cm so với hiện tại, gây thiệt hại tài sản toàn cầu tương đương 1,8% GDP thế giới mỗi năm. Nếu không giảm được lượng thải khí thì mực nước biển sẽ dâng cao thêm 30-40 cm nữa và thiệt hại sẽ lên tới 2,5% GDP.
Về mặt lý thuyết, các biện pháp giảm thiểu thiệt hại khá đơn giản: xây dựng “phần cứng” (như các bức tường chắn lũ), cài đặt “phần mềm” (như nâng cao năng lực quản trị và nhận thức cộng đồng) và khi mọi biện pháp đều thất bại thì rút khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng, trên thực tế, mọi việc không đơn giản như vậy.
Trước những rủi ro khí hậu, chính phủ các nước và các doanh nghiệp hầu như không có động lực để tính toán mức độ dễ bị tổn thương của mình. Một số có mức độ dễ bị tổn thương cao thì lo lắng nếu tiết lộ sự mong manh của mình, thì sẽ bị nhà đầu tư xa lánh. Đó là điều họ không muốn thấy nhất. Các chính phủ, đặc biệt là Mỹ, khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi khuyến khích các hộ gia đình ở trong vùng đe dọa trụ lại bằng các hợp đồng bảo hiểm lũ lụt rẻ tiền. Đáng nói hơn là việc bồi thường tiền tái thiết nhà cửa dựa theo tiêu chuẩn cũ, không theo tiêu chuẩn chống lũ mới.
Tuy nhiên, có một số cách có thể bảo vệ trước các trận lụt lớn. Chẳng hạn như quy định khi xây dựng, phải dành các tầng mặt đất của những tòa nhà chống lũ để làm bãi giữ xe và khuyến khích chống ướt tòa nhà và sàn bằng việc lát tường, sàn... bằng đá lát để hạn chế dọn dẹp mỗi khi nước lũ rút đi. Hay đưa nước máy đến những nơi chưa có nước máy để ngăn người dân nơi đó khai thác các tầng ngậm nước, vốn là nguyên nhân khiến đất sụt lở; một số nơi ở Jakarta đang sụt tới 25cm mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với nước biển dâng lên.
Nếu có nhiều dự án tham vọng hơn để bảo vệ các trung tâm đô thị đông dân cư, chúng cần phải được xây dựng để phòng khả năng xấu nhất và được thiết kế sao cho có thể mở rộng, nếu cần thiết. New York, chẳng hạn, đã chi 1 tỉ USD trong ngân sách tái xây dựng 60 tỉ USD cho những thử nghiệm như vậy sau trận bão Sandy.
Giới chức trách cũng cần thôi giả vờ rằng toàn bộ các vùng bờ biển được phòng ngự tốt. Trừ phi là Monaco hoặc Singapore, còn không tất cả đều khó tránh được mối đe dọa từ nước biển dâng cao. Ở những nơi khác, người dân cần phải di chuyển lên vùng cao hơn. Bangladesh, chẳng hạn, đã di dời 250.000 hộ dân.
Tất cả những điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các cấp chính phủ, cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt để ngăn việc đắp đê chuyển hướng dòng nước chảy vào những vùng lân cận không có khả năng phòng vệ. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức cho vay và công ty bảo hiểm cũng đang đánh giá các rủi ro khí hậu. Việc đưa ra quy định bắt buộc doanh nghiệp phải công khai các rủi ro khí hậu đối với công ty mình sẽ làm đẩy nhanh hơn quá trình này. Hơn nữa, những vùng nghèo và dễ bị tổn thương cũng rất cần được hỗ trợ. Chỉ 70 tỉ USD mỗi năm trong số 100 tỉ USD viện trợ khí hậu được cam kết để hỗ trợ giải quyết tác động do trái đất nóng lên là được hiện thực hóa. Chưa tới 1/10 số tiền này rót vào công tác thích ứng. Điều này phải được thay đổi.
Giới chuyên gia bảo hiểm tính toán các chính phủ đầu tư 1USD vào bền vững khí hậu hiện nay sẽ tiết kiệm được 5USD tổn thất ngày mai. Đó là khoản sinh lời hấp dẫn đối với đầu tư công. Các nước giàu có lẽ còn có khả năng đầu tư vào khoản này nhưng nhiều nước đang phát triển lại không. Trong khi đó, nước biển vẫn cứ dâng lên.
Nguồn The Economist