"Lá phổi xanh" của thế giới bốc cháy và sự phẫn nộ toàn cầu
Rừng mưa nhiệt đới Amazon, vốn thường được ví như là lá phổi của trái đất đang bị tàn phá bởi một số vụ cháy kỷ lục, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu đối với các chính sách môi trường của Brazil.
Làn sóng chỉ trích quốc tế ngày càng gia tăng ngay sau khi National Institute for Space Research (INPE), một trung tâm nghiên cứu của Brazil, báo cáo rằng họ đã phát hiện 72.843 vụ cháy ở khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới cho đến nay. Đó là một mức tăng tới 84% so với năm 2018 và cao nhất kể từ năm 2013.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã nói gì?
Tổng thống Pháp đã gọi vụ cháy rừng Amazon là “khủng hoảng mang tính quốc tế” và gợi ý điều này nên được thảo luận tại G7, hội nghị nhóm các nước phát triển dự kiến sẽ khai mạc tại Biaritz, Pháp vào ngày 24/8.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: "Nhà chúng ta đang cháy". Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra 20% oxy của thế giới
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông cũng đồng tính lời kêu gọi của ông Macron. Và cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần phải hành động vì Amazon.
Đáp lại, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã nổi giận và nói rằng với các cường quốc không nên can thiệp vào vấn đề riêng của nước này, mặc dù thừa nhận đất nước của ông không có đủ khả năng dập tắt các đám cháy.
Trên Twitter, ông Bolsonaro đã chỉ trích Macron và cáo buộc ông ta đã giật gân vấn đề này vì lợi ích chính trị cá nhân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: CNBC |
Điều gì làm cho Amazon trở nên độc đáo?
Rừng nhiệt đới Amazon sản xuất khoảng 20% lượng nước ngọt của thế giới và là nơi sinh sống của hơn 34 triệu người, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Diện tích rừng trải dài trên khoảng 5,5 triệu km vuông, bằng khoảng một nửa diện tích của châu Âu.
"Chúng ta có quá nhiều thứ để mất vì sự bùng cháy của Amazon và chưa hành động chưa đúng mức để ngăn chặn sức hủy diệt của nó!", WWF cho biết thông qua Twitter.
Amazon rất quan trọng trong việc hấp thụ carbon dioxide (CO2) của hành tinh. Chính vì điều này, đã biến khu rừng này thành một yếu tố quan trọng, nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã xem biến đổi khí hậu là “vấn đề của thời đại chúng ta”, khi một báo cáo gần đây của tổ chức này đã gọi cuộc khủng hoảng này là “thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.”
"Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu, chúng ta không thể để xảy ra nhiều thiệt hại hơn đối với một nguồn oxy và đa dạng sinh học chính. Amazon phải được bảo vệ", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết thông qua Twitter, nói thêm rằng ông đã rất quan ngại vì vụ cháy này.
Diễn viên và là nhà hoạt động môi trường, Leonardo DiCaprio, cho biết trong một bài đăng trên Instagram hôm 22/8 rằng, lá phổi của Trái đất đang bốc cháy, anh kêu gọi 34 triệu người theo dõi của mình phải ý thức hơn về môi trường.
Khói bay trong đám cháy ở khu vực rừng mưa nhiệt đới Amazon gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân gây ra những đám cháy?
Mặc dù các vụ cháy ở lưu vực sông Amazon là chuyện xảy ra thường xuyên vào thời điểm này trong năm. Nhưng các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc các đám cháy gia tăng là do hoạt động đốt phát quang rừng. Sau khi khai thác gỗ, các nhà đầu tư sẽ đốt bỏ các cây cỏ còn lại với hi vọng có thể bán cho nông dân và những người chăn nuôi.
Ông Richard Mello, người đứng đầu Chương trình Amazon của WWF, nói với BBC rằng các vụ hỏa hoạn là một hậu quả của sự gia tăng nạn phá rừng.
Trước đó, ông Bolsonaro, người lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, đã nhiều lần nói ông tin rằng Brazil nên mở cửa rừng Amazon cho hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ cho phép các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Bolsonaro từng cho biết ông sẽ tìm cách hạn chế tiền phạt cho hành vi gây thiệt hại cho Amazon và làm suy yếu ảnh hưởng của cơ quan môi trường.
Tổng thống Brazil cũng cảnh báo ông có thể rút quốc gia này khỏi thỏa thuận khí hậu, với lập luận rằng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mâu thuẫn với chủ quyền của Brazil đối với khu vực Amazon.
Mới nhất, ngày 26/8, chính phủ Brazil đã từ chối nhận khoản hỗ trợ 20 triệu USD của các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để tiến hành các nỗ lực dập đám cháy rừng Amazon.
Nguồn CNBC