Xu hướng du lịch xanh đang dần hình thành và bám rễ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Saigontourist.
Giảm khói cho công nghiệp không khói
“Du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương”, Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế (TIES) định nghĩa về du lịch xanh.
Ngoài việc tập trung vào giảm thiểu tác động tiêu cực, hình thức du lịch này còn hướng đến cải thiện môi trường tự nhiên, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những du khách đã bắt đầu ưu tiên hình thức du lịch hướng đến bền vững. Theo Báo cáo Du lịch bền vững 2023 của Booking.com, 80% du khách khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.
Bởi vì, một nghịch lý vẫn đang tồn tại là ngành công nghiệp không khói mặc dù được xem như trụ cột của nền kinh tế lại là tác nhân tạo ra nhiều khí thải cho trái đất. Theo ước tính của Tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon của riêng ngành du lịch có thể đạt 6,5 tỉ tấn carbon vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Dấu chân này ngày càng tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng người đi du lịch mỗi năm.
Lượng du khách gia tăng kéo theo sự phát sinh một khối lượng lớn chất thải ra môi trường. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2 kg/ngày đêm, còn với mỗi khách du lịch không lưu trú thì lượng rác thải trung bình là khoảng 0,5 kg/ngày. Số lượng rác thải vượt qua năng lực quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các khu du lịch biển.
Hơn nữa, nhiều hoạt động liên quan đến du lịch đòi hỏi một lượng điện đáng kể được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Tất cả những điều này đều dẫn đến suy thoái chất lượng môi trường tại các địa điểm du lịch.
Bán đảo Sơn Trà là một điển hình cho thấy phát triển du lịch mặc dù tạo ra tăng trưởng, nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cảnh quan. Hình ảnh “lá phổi xanh” của Đà Nẵng ngập rác thải sau khi đón làn sóng du lịch trong những năm gần đây đã phản ánh mặt trái của ngành công nghiệp không khói.
“Du khách hay tìm đến các đường mòn, những khu vực ít ai biết trên bán đảo để vui chơi, ăn uống... nhưng từ đó lại xảy ra tình trạng xả rác ra môi trường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan”, ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết.
Theo kết quả thăm dò của TripAdvisor, 50% du khách quốc tế cho biết sẵn sàng chi trả thêm cho các đơn vị du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Thái Lan đã có các chính sách hướng tới phát triển du lịch xanh. Dự án đảo Bali xanh được Indonesia khởi xướng từ tháng 2/2010 với mục tiêu xây dựng Bali thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, phúc lợi, tiện nghi và bền vững với 3 chương trình chính là kinh tế xanh, văn hóa xanh và Bali xanh - sạch. Năm 2016 Indonesia đã xếp hạng 100 điểm đến xanh hàng đầu để khích lệ các điểm đến phát triển du lịch xanh.
Trong khi đó, Thái Lan đi đầu trong việc đưa ra nhiều khái niệm mới liên quan tới du lịch xanh như “Tâm xanh”, kêu gọi khách du lịch nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, hay “Điểm đến xanh”, quảng bá các điểm du lịch được quản lý theo nguyên tắc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, xu hướng du lịch xanh đang dần hình thành và bám rễ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Du lịch xanh cũng là xu hướng nổi bật ở Việt Nam trong thời gian gần đây, khi 97% khách du lịch Việt Nam cho biết muốn đi du lịch bền vững trong vòng một năm tới, theo Booking.com.
Ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, trong chuyến công tác Việt Nam hồi tháng 11/2023, cũng cho rằng du lịch xanh kết hợp tìm hiểu văn hóa sẽ giúp ngành du lịch nội địa của Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
“Khách du lịch đã có xu hướng lựa chọn các tour, khách sạn, khu du lịch và dịch vụ đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Saigontourist, cho biết. Booking.com cũng chỉ ra có khoảng 75% du khách Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để đảm bảo rằng hoạt động du lịch của họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực.
Ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Xu hướng đã có, nhưng đối với nhà phát triển tour, du lịch xanh là mô hình đòi hỏi mức đầu tư lớn và cần thời gian để đa dạng sản phẩm hơn. Chưa kể đến loại hình du lịch này mới cả về khái niệm lẫn kinh nghiệm tổ chức, quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. “Mức độ xanh của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện với môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch”, bà Trà nói.
Thiên Minh Group (TMG) được cấp chứng chỉ là địa chỉ lưu trú xanh uy tín trên thế giới mang tên Travelife Gold cho toàn bộ hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng thành viên tại Việt Nam và Lào. Công ty này đáp ứng bộ tiêu chí hơn 140 điều khoản khắt khe bao gồm quản lý tác động môi trường, quyền lợi người lao động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương…
Một số doanh nghiệp đã thực hiện du lịch xanh nhưng chỉ mới ở mức độ giải quyết các vấn đề phát sinh từ khách du lịch như nhặt rác, hạn chế dùng túi nylon và đồ nhựa, không phá san hô, hủy hoại chim thú... Do đó, để phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh toàn diện, phát huy và bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa bản địa, vì môi trường xanh cần có sự đồng bộ từ nhiều phía.
Theo ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề về quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Đặc biệt, phải tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch.