Việt Nam sẽ mất chi phí thay thế dao động từ 1,5-8,5 tỉ USD do ngập lụt gây ra ở riêng TP.HCM. Nguồn ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Duy Thứ Hai | 17/08/2020 13:00

Đông Nam Á phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

Khủng hoảng khí hậu là toàn cầu, nhưng khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với hậu quả nặng nề nhất.

Rủi ro trực tiếp đến kinh tế

Theo bộ phận nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của công ty tư vấn McKinsey, Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với hậu quả nặng nề hơn của biến đổi khí hậu so với các khu vực khác trên thế giới. Theo McKinsey, biến đổi khí hậu là một thách thức quan trọng mà Đông Nam Á phải đương đầu khi khu vực này đang tìm cách mở rộng nền kinh tế. Khu vực này vẫn là động lực tăng trưởng chính của thế giới.

Châu Á là một khu vực phải đối mặt với những hiểm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão lớn cũng như điều kiện nhiệt độ và độ ẩm tăng cao.

Khí hậu ấm hơn gây ra căng thẳng và khó chịu về nhiệt, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nguồn ảnh: NCCS.
Khí hậu ấm hơn gây ra căng thẳng và khó chịu về nhiệt, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nguồn ảnh: NCCS.

Theo ông Jonathan Woetzel, Giám đốc tại McKinsey Global Institute, người đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu, “Đại dịch COVID-19 đang nêu bật tầm quan trọng của rủi ro và khả năng phục hồi đối với cuộc sống và sinh kế. Khi thế giới tập trung vào phục hồi, điều quan trọng là không đánh mất vai trò của khí hậu”.

Ông cho biết: “Châu Á phải đối mặt với những hiểm họa về khí hậu với những tác động kinh tế xã hội nghiêm trọng tiềm ẩn. Do đó, châu lục này phải rất quan tâm đến việc đóng vai trò tiền tuyến trong việc giải quyết những thách thức”. 

Ngoài tác động đến khu vực Đông Nam Á, nghiên cứu cũng chỉ ra tác động tiềm tàng của thời tiết khắc nghiệt đối với các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan, hay còn gọi là khu vực “Biên giới châu Á”.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsay, ước tính vào năm 2050, khoảng 500-700 triệu người ở “Biên giới châu Á” có thể sống ở những khu vực có xác suất xảy ra một đợt nắng nóng gây chết người hàng năm là khoảng 20%.

Tình trạng ngập lụt ven biển trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng cao là một nguy cơ nghiêm trọng trên toàn thế giới. Khi mực nước biển dâng cao, nó có khả năng ảnh hưởng gây ra xói mòn bờ biển và làm ô nhiễm nguồn nước uống. Uớc tính thế giới phải gánh chịu từ những tài sản bị thiệt hại trong tương lai lên đến hàng ngàn tỉ USD. Ngập lụt không chỉ làm hỏng cơ sở hạ tầng mà còn làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. 

Vào năm 2050, từ 2.800-4.700 tỉ USD tổng sản phẩm quốc nội ở châu Á sẽ gặp rủi ro do mất giờ làm việc hiệu quả ngoài trời do nhiệt độ và độ ẩm cao hơn.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2019 so với mức trung bình cơ bản từ năm 1951 đến năm 1978. Nguồn ảnh: NASA.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 2010-2019 so với mức trung bình cơ bản từ năm 1951-1978. Nguồn ảnh: NASA.

Báo cáo của McKinsey cho thấy, các quốc gia châu Á có GDP bình quân đầu người thấp hơn sẽ gặp nhiều rủi ro nhất và người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi vì, những người nghèo tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt hơn những người giàu có, họ phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời và vốn tự nhiên. Họ cũng thiếu phương tiện tài chính hơn để thích nghi. 

Theo Kelly Levin thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, nhiều nước đang phát triển cũng dễ bị tổn thương, sinh kế của họ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Và nếu tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thì khả năng nuôi sống gia đình và kiếm sống của họ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, báo cáo của McKinsey cũng nêu bật một số hiểm họa khí hậu tiềm ẩn mà các quốc gia ở Đông Nam Á phải đối mặt. Các quốc gia này được gọi là “Châu Á mới nổi” bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Từ năm 2050, trong một năm trung bình ở bất kỳ nơi nào trong khu vực Đông Nam Á sẽ trải qua sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm. Điều này gây rủi ro từ 8-13% GDP cho nền kinh tế ở những nước này. Khả năng lượng mưa cực đoan tăng gấp 3 hoặc 4 lần vào năm 2050 ở Indonesia.

Ngập lụt là hiện tượng phổ biến ở TP.HCM, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD vào năm 2050. 

Bên cạnh đó, Philippines cũng phải đối mặt với nguy cơ thiên tai cao, bao gồm động đất, sóng thần, lũ lụt và đặc biệt là bão. Thủ đô Manila nằm dọc theo bờ biển, có mật độ dân cư đông đúc, điều này khiến việc sơ tán khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều dịch vụ xã hội hơn và khiến việc tái thiết sau thảm họa trở nên khó khăn hơn. Cơ sở hạ tầng yếu kém, bao gồm hệ thống thoát nước và vệ sinh kém hiệu quả là nguyên nhân gây ra lũ lụt trong thành phố, bao gồm trận lụt năm 2009 đã nhấn chìm 80% Manila.

Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu

Tuy nhiên, nghiên cứu của McKinsey cũng cho thấy một lợi thế mà Đông Nam Á và rộng hơn là nhiều khu vực đang phát triển của châu Á, là cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng. Điều này mang lại cho các quốc gia cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn với những biến đổi khí hậu khắc nghiệt và có thể chống chọi với các sự kiện nghiêm trọng. 

Trên thực tế, Philippines đang đi đầu trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Họ đã dành một phần ngân sách để làm cho ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của đất nước trở nên linh hoạt hơn. Điều này giúp Philippines chuẩn bị ứng phó với các thảm họa trong tương lai. Theo Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, chính phủ Philippines đã đưa ra kế hoạch tổng thể quản lý lũ lụt cho Metro Manila vào năm 2012, nhằm mục đích quản lý lũ lụt trong tương lai bằng cách hiện đại hóa và xây dựng các trạm bơm mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng khác dọc theo các tuyến đường thủy.

Báo cáo cho biết: “Giống như mọi nơi trên thế giới, châu Á cũng có thể góp phần giảm lượng khí thải. Khoa học khí hậu cho chúng ta biết rằng sự ấm sẽ tiếp tục cho đến khi đạt mức phát thải ròng bằng 0”.

Do đó, nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể khai thác tinh thần đổi mới, tài năng và sự linh hoạt của khu vực, châu Á có thể dẫn đầu một phản ứng toàn cầu với rủi ro khí hậu bằng cách thích ứng và giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Giữ màu xanh cho kiến trúc