Giải mã 10 tin đồn sai lầm về Coca-Cola
Không ai biết tin đồn này bắt nguồn từ đâu, nhưng ta có thể tưởng tượng một cách đơn giản, đây là câu mà các bà mẹ thường dùng để ngăn con mình uống nước ngọt có gas. Tuy nhiên, còn có một bằng chứng khác nữa. Ông Clive McCay, thuộc đại học Cornell, đã trình bày trước các nghị sỹ quốc hội Mỹ rằng đường trong Coke sẽ gây sâu răng và nếu ngâm răng vào một cốc Coca-Cola trong khoảng 2 ngày, nó có thể bị hòa tan.
Để bác bỏ luận điệu này, Orville May, nhà hóa học hàng đầu của hãng nước ngọt Coca-Cola, đã giải thích một cách rất cụ thể rằng bất kỳ thức uống có chứa đường và axit photphoric nào, thậm chí cả nước cam tươi, cũng có thể hòa tan răng sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là không thể hòa tan răng trong 2 hay 3 ngày ngắn ngủi. Ông cho biết thêm, chẳng ai có thể giữ thức ăn và nước uống trong miệng hàng tiếng đồng hồ, chứ đừng nói là vài ngày. Bởi vậy tin đồn trên rõ ràng là nhảm nhí.
9. Coca-Cola sáng tạo ra hình ảnh ông già tuyết hiện đại
Vào năm 2000, một email được lan truyền đi với nội dung: Ông già Noel mà chúng ta biết đến thực ra không bắt nguồn từ văn hóa dân gian, cũng chẳng phải do mục sư Moore và họa sỹ Nast tưởng tượng ra, mà là sản phẩm trong các chiến dịch quảng cáo hàng năm của Coca-Cola. Ông già Noel trong bộ trang phục 2 màu trắng đỏ quen thuộc của Coca-Cola là ngụ ý ông sống và làm việc ở Atlanta (nơi có trụ sở chính của Coca-Cola), chứ không phải ở Bắc cực.
Đính kèm trong email này là hình ảnh quảng cáo của Coca tái hiện 1 ông già tuyết béo ú với bộ râu trắng muốt như ta thường thấy. Cứ thế, những email tuyên truyền nội dung sai lệch đã khiến nhiều người "tin lầm". Tuy nhiên, sự thực là trước khi Coca đưa hình ảnh ông già tuyết vào các quảng cáo bắt đầu từ những năm 1920, hình ảnh ông trong trang phục đỏ đã tồn tại rồi.
8. Để đảm bảo tính bí mật, không một nhân viên nào biết công thức hoàn chỉnh của Coca-Cola
Có tin đồn cho rằng chỉ 2 vị giám đốc điều hành của Coca-Cola biết công thức chính xác để sản xuất Coca, mà cụ thể, mỗi người chỉ biết một nửa quy trình. Trong khi đó, rõ ràng nhiều nhân viên nắm được cách sản xuất Coca. Nhưng, dường như chính Coca-Cola cũng không hề muốn đính chính lại tin đồn. Bởi việc người tiêu dùng tin rằng công thức của nước giải khát Coca-Cola là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ làm cho sản phẩm này trở nên đáng giá hơn.
Trên thực tế, công ty này đã gần như đổ thêm dầu vào lửa khi khiến những tin đồn ngày càng trở nên bí hiểm. Chẳng hạn như trong suốt những năm 1916-1931, Ernest Woodruff, chủ tịch tập đoàn Coca-Cola, thường xuyên phát biểu trước các phương tiện truyền thông về công thức "bí mật" làm nên sản phẩm tuyệt đỉnh của họ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã bác bỏ những lời tuyên bố chắc nịch ấy.
7. Coca-Cola thuộc sở hữu của những người theo giáo phái Mormon
Một số câu chuyện bịa đặt kể lại rằng những người theo đạo Mormon tin là có người sống trên mặt Trăng hay Chúa có quan hệ nam nữ với thánh nữ Mary sau đó sinh ra Jesus. Tiếp đó là một mẩu truyện được thêu dệt liên quan đến Coca-Cola, lý giải việc những người theo giáo phái Mormon đã bí mật sở hữu công ty và làm giàu từ nó như thế nào. Điều đáng ngạc nhiên là vẫn có người tin vào những lời đồn đại ấy.
Trên thực tế, Coca-Cola là công ty cổ phần, trong đó 5% cổ phần thuộc về họ hàng của người sáng lập, các giám đốc điều hành đương nhiệm, nguyên giám đốc điều hành, trong khi toàn bộ phần còn lại được sở hữu bởi các nhà đầu tư và một số thể chế khác. Dĩ nhiên, rất có thể một trong số các cổ đông là người theo giáo phái Mormon nhưng tuyệt đối không có chuyện 100% Coca-Cola thuộc sở hữu của họ như tin đồn nêu trên.
6. Rót Coca vào miếng thịt lợn chưa qua chế biến sẽ làm những con sâu trong đó lúc nhúc chui ra
Rõ ràng tin đồn này về thịt lợn nhưng Coca-Cola cũng bị lôi vào cuộc. Theo đó, nếu rót Coca lên miếng thịt lợn chưa được nấu chín, như thịt lợn xông khói, sẽ khiến những con sâu nhỏ lúc nhúc chui lên. Thậm chí người ta còn đặt tên cho nó là sán dây/sán xơ mít, và lý giải rằng Coca khiến chúng bị ngộ độc nên buộc phải chui ra. Có một "phiên bản" khác của lời đồn này là nếu vạch ra một đường vòng quanh miếng thịt lợn, rồi đổ Coca lên đó, bạn sẽ quan sát thấy miếng thịt "tự động di chuyển" qua đường vẽ lúc trước.
Một video "ảo" về hiện tượng này khiến tin đồn ngày càng lan xa khiến vô số người thề rằng sẽ không bao giờ ăn thịt lợn nữa. Tuy nhiên sự thực là, thông thường thịt lợn không thể có sâu trừ khi ấu trùng phát triển trên đó (sau khi thịt bị ruồi bậu và đẻ trứng lên).
5. Uống Coca cùng Aspirin có thể dẫn đến phê thuốc hoặc tử vong
Đầu những năm 1930, một bác sĩ đến từ tiểu bang Illinois đã yêu cầu tạp chí của Hiệp hôi Y khoa Mỹ đăng bài để thông báo với công chúng rằng thanh thiếu niên có trò bỏ Aspirin vào Coca, để tạo ra loại thức uống gây say, dần dần dẫn đến nghiện. Tuy nhiên, khẳng định của vị bác sĩ này bị cho là vô căn cứ và lá thư của ông cũng bị lãng quên.
Vì một lý do nào đó, tin đồn này cũng thu hút được sự chú ý và nhanh chóng được một số người chấp nhận. Thậm chí có người còn lên tiếng là đã đích thân trải nghiệm cái tạm gọi là "hiệu ứng Coca - Aspirin". Khi tin tức về vụ việc này lan rộng, một vài phụ huynh đã ngăn chặn con cái "pha chế" Coca với Aspirin bằng cách bảo chúng rằng việc này có thể gây chết người. Đây dĩ nhiên cũng chỉ là "chiêu lừa trẻ con" mà thôi.
4. Uống Coca-Cola dành cho người ăn kiêng (Diet Coca-Cola), sau đó nhai Mentos có thể dẫn đến chết người
Điều sẽ xảy ra khi thả viên kẹo Mentos vào một chai Diet Coca-Cola thì gần như ai cũng biết. Thực tế là có một vài video về phản ứng này đã được đăng tải trên YouTube.
Những người đầu tiên biết đến hiệu ứng Mentos - Diet Coke sẽ đặt câu hỏi: "Vậy sẽ thế nào nếu tôi nhai Mentos ngay sau khi uống Diet Coke?" Cũng có lẽ xuất phát từ ý tưởng này mà một người nào đó đã viết một email, qua đó truyền đi câu chuyện về cậu bé người Brazil đã chết ngay sau khi ăn Mentos và uống Diet Coke. Đây là điều hoang đường bởi việc nhai viên kẹo sẽ phá hủy bề mặt của nó, do đó không thể tạo ra tác dụng phụ đột ngột thế được. Hơn nữa, thậm chí nhai kẹo sau khi uống 3, 4 lít Coke, axit trong dạ dày cũng trung hòa các thành phần, vì thế không thể để lại hậu quả nghiêm trọng như những gì được đồn đại, cùng lắm chỉ gây ra cơn đau bụng nhẹ.
3. Logo với dòng chữ Coca-Cola tái hiện một người đang hít Cocaine
Có tin đồn cho rằng logo dòng chữ Coca-Cola nếu đặt thẳng đứng sẽ rất giống hình ảnh một người đàn ông đội mũ đang hít cocaine. Điều này có liên quan tới một tin đồn khác về Coke rằng công ty này cho một lượng nhỏ cocaine vào sản phẩm của mình nhằm gây nghiện.
Thực ra việc Coke chứa một lượng nhỏ cocaine là sự thật cho tới tận năm 1929, tuy nhiên lượng này quá ít nên tuyệt đối không thể gây ra ảnh hưởng gì đáng kể cho người tiêu dùng. Vậy tại sao sau đó lại có hình người đàn ông đội mũ hít cocaine ẩn sau logo Coca-Cola? Rõ ràng điều đó là không thể, trừ phi Frank Mason Robinson, người thiết kế logo này, có thể dự đoán trước tương lai. Bởi vào thời điểm đó, cocaine là sản phẩm có thể dễ dàng mua bán mà không cần đơn từ bác sĩ và chẳng ai hít cocaine cả vì nó ở dạng lỏng.
2. Coca-Cola sẵn sàng nộp phạt vì đưa thông tin sai lệch về lượng calorie có trong sản phẩm
Vào những năm 1990, một email với nội dung dưới đây đã lan truyền rộng rãi: "Có một tin đồn cho rằng 1 công ty sản xuất nước uống đóng chai cho người ăn kiêng (mà tôi tin chắc là Coca-Cola) đã tự nguyện nộp phạt để được in lên vỏ lon rằng sản phẩm chỉ chứa 1 calorie. Bởi họ cho rằng với chỉ số 1 calo "chiều lòng" những người muốn giảm béo ấy, thì doanh thu sẽ cao hơn. Khi ấy, khoản tiền phạt kia có đáng là bao".
Nếu tin đồn trên là thật, hẳn "chiến lược gian lận trong quảng cáo" ấy đã đem lại cho Coca cả tỷ USD. Nhưng, đồng thời nó biến Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thành một cơ quan vô trách nhiệm khi liên tục cho phép Coca đăng quảng cáo sai lệch. Hơn nữa, thậm chí nếu Coca-Cola có thể nộp đầy đủ tiền phạt, thì cũng khó có thể chống chọi với các vụ kiện cáo bởi các bệnh nhân bị béo phì. Bởi vậy, tin đồn trên mãi chỉ là tin đồn.
1. Sự thất bại của New Coke là thủ đoạn để hướng sự chú ý tới Classic Coke
Hãng nước giải khát Coca-Cola thành công đến mức mà nhiều người tin là thất bại của New Coke năm 1985 chỉ để lôi kéo khách hàng quay trở lại với Classic Coke. Họ tin rằng hãng này đã tung ra thị trường New Coke nhằm khiến người tiêu dùng nhớ hương vị của sản phẩm truyền thống. Để rồi khi Classic Coke quay lại thị trường, doanh thu của nó sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, dù suy luận này có hợp lý thế nào chăng nữa, thì sự thực vẫn là do Coca-Cola có chút nhầm lẫn trong tính toán khi tung ra dòng sản phẩm New Coke.
Năm 1982, khi Diet Coke dành cho người ăn kiêng lần đầu tiên được đưa ra thị trường, ngay lập tức sản phẩm này leo lên vị trí số 4 trong danh sách những đồ uống được chuộng nhất tại Mỹ, chỉ sau Coke, Pepsi, và 7-Up.
Khi Pepsi cố gắng leo lên vị trí dẫn đầu, Coca-Cola nhất định không để hãng này có cơ hội trở thành "bá chủ", nên đã đưa ra giải pháp là làm cho Coca có vị giống như Pepsi, bằng cách thay thế Classic Coke bởi New Coke. Quyết định này khiến Coca phải gánh chịu nhiều tổn thất, nên không còn sự lựa chọn nào khác ngoài quay về với công thức cũ chỉ một tuần ngay sau khi New Coke được đưa ra thị trường. Hiển nhiên đây không phải thủ đoạn hay mánh khóe như mọi người vẫn tưởng.
Nguồn Zing/The Richest