Thứ Hai | 17/06/2013 18:24

Vì sao London đang thành "nam châm" của ngành thời trang nam giới?

10 năm trước, không hề có một buổi trình diễn thời trang nam giới tại London. Năm nay, các nhà mốt đang đua nhau tổ chức diễn thời trang nam tại đây.
Mùa trình diễn mới của thời trang nam giới tại London mới bắt đầu cuối tuần trước với cái tên London Collections: Men (viết tắt là LC:M). Sự kiện này khởi động cho các buổi trình diễn thời trang quốc tế mùa mốt Xuân/Hè 2014.

Trình diễn thời trang nam giới của Alexander McQueen tại London, tháng 1/2003.
Trình diễn thời trang nam giới của Alexander McQueen tại London, tháng 1/2003.

LC:M bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái, nhưng giới thời trang không thể chỉ ra tại sao nó lại đột nhiên trở thành sự kiện thời trang được quan tâm hơn bất kì hoạt động thời trang nào khác ở thời điểm hiện tại.

Mùa mốt năm nay, hãng thời trang cao cấp Anh quốc Burberry chuyển buổi trình diễn Prorsum từ Milan đến London, trong khi Dolce & Gabbana đang chuẩn bị buổi trình diễn về nghệ thuật may đo ngay tại cửa hiệu thời trang nam mới của hãng và Jimmy Choo thì đang trưng bày các mẫu giày của chính hãng tại London.

Những tên tuổi lớn khác trong ngành thời trang quốc tế như Alexander McQueen và Tom Ford cũng đang tiến hành các buổi diễn thời trang khác tại đây. Câu hỏi đặt ra là tại sao những hãng thời trang tên tuổi lại quyết định trình diễn catwalk tại London ngay trong thời đại đa phương tiện như hiện nay?

"Đang diễn ra một điều gì đó mang nặng tính thương mại và vô cùng bức thiết ở đây", Dylan Jones, biên tập của tạp chí đàn ông GQ Anh quốc và chủ tịch của sự kiện LC:M, cho hay. "Thời trang nam đang phất mạnh, từ thời trang đường phố, thời trang của những nhà thiết kế trẻ, thời trang hàng hiệu hay thậm chí cả đồ may sẵn. Việc hãng thời trang Rag & Bone chuyển buổi trình diễn của họ từ New York đến London đang tạo "sóng" mạnh trong giới thời trang. Câu chuyện kinh doanh đang trở thành cái đáng nói ở đây".

Thực tế, thủ tướng Anh David Cameron chủ trì bữa tiệc cocktail trong tháng 1 trước, cũng là điềm báo rằng thời trang nam ở London đang nhận được nhiều hỗ trợ lớn và có khả năng vươn rộng ra trong giới thời trang.

Quay trở lại 10 năm trước, mặc dù nước Anh rất nổi tiếng con phố chuyên nhận làm hàng may sẵn (bespoke) có tên Savile Row, nhưng không hề có bất kì buổi diễn thời trang nam nào ở đây.

Kim Jones, hiện tại là nhà thiết kế thời trang nam của hãng Louis Vuitton, từng nỗ lực để đem thời trang nam giới xuất hiện tại Tuần lễ Thời trang London 2003. Kim nói về thời điểm đó rằng "Tôi không thể biến nỗ lực đó thành hiện thực. Tôi bị buộc phải kết hợp với những thiết kế thời trang nữ nếu tôi muốn mang thời trang nam đến với sự kiện đó". Kim sau đó đã bắt tay với một đồng nghiệp khác tên Marios Schwab, anh phối hợp cả đồ nữ giới vào bộ sưu tập nam giới của mình. "Không ai đến London để xem thời trang nam giới cả. Tôi phải mang chúng đến trình diễn ở Paris".

Người đầu tiên bắt tay vào giải quyết vấn đề này là người sáng lập của tổ chức Fashion East, Lulu Kennedy. Fast East là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ, và nhận tài trợ lẫn hợp tác của chuỗi bán lẻ thời trang nam Topman.

Năm 2005, Fast East ra mắt một chuỗi các buổi trình diễn thời trang nam giới có tên MAN. MAN mang tới cho các nhà thiết kế trẻ cơ hội để ra mắt các bộ sưu tập của riêng họ, và thường xuất hiện trên sàn catwalk sau khi kết thúc các phần trình diễn thời trang nữ. Trong vài năm sau đó, đây là dịp duy nhất mà người ta có thể được xem trình diễn thời trang nam giới ở London.

Cho tới năm 2009, một loạt làn sóng mới xuất hiện. Trong mùa mốt năm đó, các buổi trình diễn MAN có sự tham gia của 3 tên tuổi có tiếng nhất London bấy giờ, JW Anderson, James Long và Christopher Shannon. Hội đồng Thời trang Anh Quốc (BFC) đồng ý nhường đất diễn cho thời trang nam giới trong Tuần lễ Thời trang London.

Mọi chuyện còn thay đổi chóng vánh hơn khi 18 tháng trước, Hội đồng thời trang Anh quốc quyết định thay đổi ván bài cũ.

NTK Tom Ford tại một sự kiện thời trang nam giới tại London, 2013.
Buổi trình diễn thời trang LC:M được dự tính diễn sau ngay sau Đại lễ kim cương của Nữ hoàng Anh (diễn ra vào ngày 6/2/2012, lễ chính thức kỷ niệm ngày đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II) và trước kỳ Thế vận hội mùa hè Olympic 2012.

Caroline Rush, chủ tịch của BFC cho biết "Sự kiện trình diễn thời trang nam giới nhanh chóng được quan tâm và ồn ào tới mức chúng tôi đã bắt đầu đàm phán được với những tên tuổi lớn như Alexander McQueen. Chúng tôi nói rằng BFC muốn các bộ sưu tập thời trang dành cho nam giới của hãng Alexander McQueen xuất hiện tại London. Và sự thật diễn ra đúng như vậy. McQueen kí kết hợp đồng. Sau đó không lâu là Tom Ford".

Tất nhiên ngành công nghiệp thời trang nam giới vẫn không nhận được nhiều quan tâm như thời trang nữ giới, các thương hiệu thời trang nam cũng vì thế mà không xuất hiện dày đặc trên sàn diễn thời trang thế giới. Hãng McQueen vẫn trình diễn thời trang nữ giới ở Paris là bởi họ vẫn muốn xuất hiện bên cạnh các tên tuổi khác trong giới thời trang cao cấp.

Mọi thương hiệu tham gia trình diễn thời trang tại London ngay lập tức đã gặt hái được những thành quả khả quan. Ở Milan, các buổi trình diễn của hãng Burberry là một phần của kế hoạch dễ đoán được; Trong khi đó tại London, buổi diễn thời trang mang thương hiệu Burberry có thể trở thành một sự kiện truyền thông lớn, tiếng vang của nó thậm chí còn vượt xa ngoài sàn diễn thời trang. Điều này cũng đúng với các buổi trình diễn thời trang khác của McQueen, Rag & Bone và Jimmy Choo. Tất cả họ đều có điểm chung là ngay lập tức được nâng lên tầm mới.

Xen lẫn giữa thế giới cạnh tranh của các thương hiệu lớn là các thương hiệu trẻ. Những nhà thiết kế trẻ sẽ xuất hiện trong các buổi trình diễn MAN trong tuần này. Trong 29 buổi trình diễn catwalk, sẽ có khoảng 12 buổi diễn đến từ các cựu thành viên của MAN hoặc Fashion East trong năm trước.

Theo Rush, chủ tịch của Hội đồng thời trang Anh Quốc, lý do dẫn tới thành công của LC:M là "phá luật chơi" trong giới thời trang. "Chúng tôi không dập khuôn buổi diễn như những tuần lễ thời trang khác trên thế giới. Chúng tôi không chỉ thay đổi về cách tiếp nhận thời trang hiện nay mà còn thay đổi chính bản thân nghành công nghiệp thời trang".

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện