Qua rồi thời của Louis Vuitton và Chanel?
“Hiện trong tủ của tôi có tới 5 chiếc túi Louis Vuitton. Đi đâu bây giờ cũng thấy hàng LV nhan nhản. Người ta không còn trầm trồ khi thấy bạn mang túi LV nữa. Nhưng với chiếc túi mới này, ai cũng hỏi tôi mua nó ở đâu, sao trông kiểu dáng của nó lạ thế. Mà nó cũng rẻ hơn nhiều so với các nhãn hiệu nổi tiếng lâu đời khác”, Ji-Yoon chia sẻ.
Trường hợp của bà nội trợ Kwak cũng không là ngoại lệ. Thị trường Hàn Quốc, vốn thu về cho ngành công nghiệp thời trang cao cấp hơn 11 tỷ USD và là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản, đã trở thành một đấu trường đầy gian nan cho những tên tuổi lớn, khi những người tiêu dùng trẻ tuổi trở nên “khó chiều”, họ quan tâm tới những nhãn hiệu mới nổi độc đáo hơn là những sản phẩm có uy tín từ lâu xong quá đắt đỏ và ngày càng mất dần chỗ đứng, như Gucci, Louis Vuitton, Ferragamo hay Burberry. Doanh số của các thương hiệu này đang sụt giảm nhanh chóng tại thị trường Hàn Quốc.
“Thị trường dành cho mặt hàng cao cấp tại đây đang trải qua giai đoạn chuyển giao quan trọng. Trong khi một số tên tuổi lớn đang phải đau đầu để bắt kịp với xu thế thời trang mới thì các nhãn hiệu khác như Chanel hay Hermès, với các sản phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống mới, lại rất hút hàng và duy trì được mức tiêu thụ mạnh mẽ”, cô Song Ji-hye, một cộng sự đến từ hãng Bain & Company cho biết.
Louis Vuitton từng là thương hiệu thời trang cao cấp nổi nhất tại Hàn Quốc, và những chiếc túi của hãng này còn được gọi với cái tên “túi 3 giây” (ám chỉ việc người ta sẽ nhận ra túi LV chỉ sau vài tích tắc đồng hồ), bởi sự phổ biến đến mức tràn lan của chúng.
Thế nhưng, thị trường tại quốc gia châu Á này đã trở nên “khó tính” trong những năm gần đây, bởi người tiêu dùng xứ Hàn ngày càng cầu kỳ và tinh tế trong lựa chọn của mình, họ muốn những thiết kế độc đáo, ấn tượng, giúp họ nổi bật trong đám đông.
Những người dùng trẻ tuổi thông thái, bên cạnh đó, cũng rất nhạy cảm với giá tiền, vậy nên số người tìm mua đồ thông qua các kênh mua bán trực tuyến – nơi họ có thể mặc cả thay vì trả đúng theo nhãn giá – cũng không ngừng tăng lên.
Bang Jae-won, trưởng khối bán buôn tại Lotte Department Store cho hay: “Chúng tôi thấy rất nhiều bạn trẻ, động lực mới mạnh mẽ nhất giúp thúc đẩy tiêu thụ cho ngành công nghiệp thời trang cao cấp, đang chuyển hướng quan tâm sang các dòng sản phẩm thời thượng như Givenchy hay Celine thay vì những cái tên quen thuộc như Chanel hay Louis Vuitton. Họ thích kết hợp các sản phẩm, các thương hiệu với nhau, như là mặc đồ của H&M và mang túi Hermès. Hầu hết đều mua hàng online hay mua tại các điểm bán lẻ sản phẩm, nhằm mục đích tiết kiệm chi phí”.
Hàn Quốc hiện vẫn là đất lành cho các món thời trang “xa xỉ phẩm”, mặc cho sự sụt giảm doanh số bán ra cũng như lợi nhuận thu về của những nhãn hiệu cao cấp truyền thống vốn từng thống lĩnh thị trường. Ví dụ, thương hiệu Bally đã rút khỏi Hàn Quốc, trong khi gần đây, hãng Ferragamo đã đóng cửa outlet của mình tại Galleria Department Store. Nhiều tên tuổi khác còn tung ra những đợt giảm giá “trái mùa” trong nỗ lực thúc đẩy doanh số.
Theo thống kê thì trong năm 2013, doanh số bán ra của các sản phẩm Burberry tại Hàn Quốc đã giảm 5,2%, và lợi nhuận vận hành giảm 40% (xuống còn 21 triệu USD). Cả hai thương hiệu Christian Dior và Longchamp cũng phải đối mặt với tình trạng thất thu trên thị trường này vào năm ngoái.
“Thời mà người ta đổ xô vào một sản phẩm thời trang xa xỉ chỉ vì cái logo của nó đã qua rồi. Giờ đây, các nhà thiết kế phải vắt óc nghĩ xem làm cách nào để duy trì hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng mà không làm mất đi tính chuẩn mực của nó, bằng không, họ sẽ không thể trụ lại trên thương trường”, Gemma Yun, một nhà buôn tại Galleria Department Store chia sẻ.
Mặc dù thị trường dành cho các mặt hàng cao cấp tại Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm lại, đây vẫn là mỏ vàng của các thương hiệu, nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí nước này, theo nhận định của nhiều nhà phân tích.
Các tên tuổi như Chanel, Gucci hay Louis Vuitton đều đã tìm cách đưa các sản phẩm của mình lên phim ảnh xứ Hàn nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Ta cũng thấy những chiếc váy Celine lộng lẫy và những đôi giày Jimmy Choo duyên dáng nhanh chóng “cháy hàng” sau khi nữ diễn viên Jun Ji-hyun diện chúng trong serie phim truyền hình ăn khách My love from the Star (Vì sao đưa anh tới).
“Hàn Quốc là thị trường chiến lược của các thương hiệu quốc tế cao cấp, và được xem như là thủ lĩnh tiên phong trong lĩnh vực tiêu thụ thời trang trong khu vực. Các nhà sản xuất tên tuổi cũng nên chú ý hơn tới đối tượng khách du lịch Trung Quốc, những người sẵn sàng mua sắm thả phanh khi tới Hàn Quốc”. Trên đây là nhận định của Aimee Kim, một cộng sự tại hãng tư vấn McKinsey.
Nguồn GAFIN, FT/DVO