Chính các yếu tố tự nhiên đã tạo nên trái táo chứ không phải con người nhưng hầu hết chúng ta vẫn sử dụng chúng miễn phí một cách hiển nhiên. Ảnh: usatoday.com
"Bảng cân đối kế toán" vốn tự nhiên
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vốn tự nhiên là nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới, bao gồm địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống. Như cách con người quan sát quá trình hình thành nên trái táo: cây táo lấy chất dinh dưỡng từ đất, nước, không khí; ánh sáng mặt trời để quang hợp; gió, côn trùng để thụ phấn. Chính các yếu tố tự nhiên đã tạo nên trái táo chứ không phải con người nhưng hầu hết chúng ta vẫn sử dụng chúng miễn phí một cách hiển nhiên.
Thiên nhiên cho chúng ta thực phẩm để tồn tại, cung cấp các dịch vụ sinh thái trị giá 125.000 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: BusinessInsider |
“Thiên nhiên cho chúng ta thực phẩm để tồn tại, cung cấp các dịch vụ sinh thái trị giá 125.000 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà phần lớn doanh nghiệp mới chỉ quan tâm tới nguồn vốn tài chính hay nhân sự, mà quên đi nguồn vốn rất quan trọng này”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, chia sẻ. Hiểu biết hiện tại của chúng ta về “bảng cân đối kế toán vốn tự nhiên” của hành tinh này còn quá ít.
Chúng ta có 7,8 tỉ người sống trên hành tinh, chỉ bằng 0,01% những sinh vật đang sống trên Trái đất này về trọng lượng, nhưng chúng ta đã khiến 83% động vật có vú biến mất, hủy hoại 70% môi trường rừng nguyên sinh. Đây là những con số được công bố tại Hội thảo “Xác định giá trị vốn tự nhiên” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) tổ chức ngày 27.10.2020 tại TP.HCM.
Doanh thu từ hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã được tổ chức Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) công bố gần đây có thể lên đến 23 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo có thể bị thiệt hại lên tới 8.800 tỉ USD, tương đương 9,7% GDP toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ở Việt Nam, tác động của việc mất cân bằng hệ sinh thái và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Thảm họa do thiên tai lũ lụt ngày càng nặng nề về kinh tế cũng như sinh mạng con người. Theo đánh giá của World Bank, khoảng 60% thiệt hại là do bão và nước dâng do bão. Thiệt hại hằng năm do thiên tai đối với đời sống người dân ước vào khoảng 11 tỉ USD, theo sức mua tương đương (PPP). Nếu chậm triển khai hoạt động bảo vệ tài nguyên thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại thêm 4,3 tỉ USD (tương đương 98.900 tỉ đồng) do thiên tai, bão lũ, động đất và hơn 1,2 triệu người rơi vào tình cảnh nghèo đói vào năm 2030 (theo World Bank).
Mặc dù vẫn chưa có cách định giá chắc chắn cho sức khỏe sinh thái, vốn tự nhiên và dịch vụ hệ sinh thái, nhưng theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), 3 điểm mấu chốt để đo lường chi phí kế toán môi trường thường bao gồm các đề xuất về tính mức thâm hụt sinh thái hoặc thâm hụt tự nhiên bên cạnh thâm hụt tài chính và xã hội.
“Khi bạn đầu tư 1 USD vào việc khôi phục thiên nhiên, thì giá trị kinh tế bạn thu lại được sẽ là 9 USD”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc, nhà sáng lập CHANGE, chia sẻ. Nếu có các chiến lược đúng đắn và tầm nhìn xa, doanh nhân sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên, giảm thiểu nguy cơ cho nền kinh tế, đảm bảo tương lai bền vững của đất nước.
“Chính phủ không thể hành động đơn độc mà có thể loại bỏ hiểm họa từ nạn buôn bán động vật hoang dã. Chúng ta cần xã hội dân sự, doanh nghiệp, các nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội, để thiết lập những mối quan hệ hợp tác bền chặt và sâu rộng hơn”, bà Marie C. Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, nhận định.
Tính tới ngày 30.10, bên cạnh 35 doanh nghiệp thành viên đầu tiên của Liên minh Doanh nghiệp vì hoang dã, như Dragon Capital, Tập đoàn Thiên Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy, Tập đoàn Publicis Vietnam, Ngân hàng ACB, Mekong Capital... đã có thêm hơn 60 nhà lãnh đạo, doanh nghiệp mới đã ký vào bản Cam kết vì hoang dã và các nỗ lực nâng cao nhận thức về vốn tự nhiên ở Việt Nam.
Đã đến lúc con người cần phải xác định lại tầm quan trọng, vai trò và giá trị của vốn tự nhiên trong lợi ích kinh tế lâu dài. Đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau từ cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để đảm bảo giảm thiểu các vấn đề suy giảm nguồn vốn quan trọng này trong tương lai