12 bước để từ nhân viên trở thành doanh nhân
Nếu bạn chán nản với việc đi làm thuê cho người khác và tạo dựng sự nghiệp của riêng mình, dường như chỉ có 2 giai đoạn phải làm: thứ nhất là bỏ việc và tiếp theo là khởi nghiệp một công ty. Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ đơn giản có vậy.
Dưới đây là 12 bước giúp bạn chuyển đổi vị thế từ người làm thuê thành ông chủ của chính mình.
1. Xác định điều bạn muốn làm
Một số người gọi đây là tìm kiếm niềm đam mê, nhưng thực tế nó còn nhiều hơn thế. Hãy nghĩ về kỹ năng, khả năng và kinh nghiệm của bạn. Cân nhắc những gì bạn đang làm nhiều giờ mỗi ngày trong nhiều tuần và nhiều năm.
2. Nghĩ về những gì người khác sẽ trả cho bạn
Một dự án kinh doanh khả thi nếu nó là giao điểm giữa những gì bạn muốn làm và những gì người khác sẽ trả tiền để nhận được. Khi bạn tạo ra sản phẩm mình yêu thích nhưng không ai muốn mua thì đó chưa phải là cơ hội kinh doanh khả thi.
3. Phỏng vấn khách hàng lý tưởng
Tìm một vài người mà bạn nghĩ rằng họ sẽ là khách hàng lý tưởng. Hỏi họ về nhu cầu, nguyện vọng, thậm chí những nỗi sợ hãi lớn nhất của họ có liên quan đến ý tưởng kinh doanh bạn dự định theo đuổi. Những lợi ích từ sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp có phù hợp với nhu cầu thực sự của họ? Hơn nữa, đừng quên ghi chép lại những từ ngữ mà các khách hàng này sử dùng. Chúng rốt cuộc sẽ giúp ích cho chiến lược marketing của bạn.
4. Lập kế hoạch kinh doanh và tiếp thị
Hoạt động tiếp thị ngày nay bao gồm thiết kế nội dung, truyền thông xã hội, gửi email, vv… Hãy chắc chắn rằng bạn biết sử dụng các hình thức tiếp thị này một cách hợp lý để giới thiệu ý tưởng kinh doanh của mình đến với khách hàng.
Đồng thời, đừng quên lập một kế hoạch kinh doanh chi tiết để đưa ý tưởng của bạn trở thành hiện thực. Kế hoạch này đừng nên quá quan trọng về hình thức nhưng cần phải có đủ những điểm cơ bản như cơ cấu hoạt động, sản phẩm, hệ thống phân phối và kế hoạch mở rộng.
5. Xây dựng ý tưởng kinh doanh trên quy mô nhỏ
Nếu có thể, hãy thử nghiệm ý tưởng kinh doanh của bạn trên quy mô nhỏ trong khi bạn vẫn duy trì công việc hàng ngày của mình. Điều này đem đến cho bạn cơ hội kiểm tra ý tưởng, có được những khách hàng đầu tiên và đánh giá khả năng phát triển của dự án trước khi rời bỏ công việc hiện tại.
6. Đánh giá thông tin phản hồi và điều chỉnh
Vận hành hoạt động quy mô nhỏ sẽ giúp bạn xác định phần nào trong ý tưởng của bạn đáng giá và phần nào cần điều chỉnh. Hãy tiếp nhận phản hồi của khách hàng một cách nghiêm túc và tiến hành những thay đổi cần thiết trước khi bắt đầu mở rộng quy mô.
7. Xây dựng đội ngũ cộng sự
Nếu ý tưởng của bạn có vẻ khả thi, hãy tìm kiếm những người muốn cùng bạn tham gia vào đội ngũ lãnh đạo công ty. Tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, bạn có thể cần sự giúp đỡ trong các lĩnh vực như tài chính, marketing, dịch vụ khách hàng và sản xuất.
8. Huy động vốn
Nếu dự án kinh doanh có quy mô nhỏ, bạn có thể sử dụng tiền tiết kiệm để trang trải những chi phí cần thiết trong một vài tháng đầu tiên.
Nếu công ty của bạn có quy mô lớn hơn, bạn cần suy nghĩ về việc huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.
9. Xác định loại hình và cơ cấu doanh nghiệp
Bạn cũng cần quyết định loại hình doanh nghiệp: liên doanh, trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay hợp danh? Tìm hiểu kỹ các quy định liên quan đến các loại hình doanh nghiệp và cẩn thận trong việc xác định vai trò của các thành viên trong đội ngũ lãnh đạo.
10. Rời bỏ công việc hiện tại
Khi sẵn sàng, hãy rời bỏ công việc hiện tại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn được nghỉ ngơi vì còn rất nhiều việc đang chờ bạn phía trước. Bạn cũng nên giữ mối quan hệ tốt đẹp với công ty vì có thể bạn sẽ phải làm việc với sếp và đồng nghiệp cũ trong tương lai.
11. Thiết lập ngân sách hoạt động
Bạn cần phải lập ngân sách hoạt động của công ty, bao gồm cả các khoản như chi phí tiếp thị, tiền lương nhân viên và các chi phí mua sắm khác. Điều quan trọng là đảm bảo bạn không lãng phí tiền bạc vào các chi phí phù phiếm.
12. Mở rộng quy mô kinh doanh tùy theo kế hoạch tiếp thị
Cuối cùng, tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện theo kế hoạch mà mình đã đặt ra. Tất nhiên, kế hoạch đó có thể thay đổi khi bạn gặp phải những trở ngại và vượt qua chúng.
Rõ ràng, trở thành một doanh nhân cần rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, nếu bạn làm theo từng bước trên đây và ý tưởng của bạn vẫn còn tính khả thi, bạn có thể “rời bỏ” cuộc sống của một nhân viên và trở thành một doanh nhân.
Nhật Trường
Nguồn Entrepreneur