10 địa điểm có nguy cơ biến mất vì biến đổi khí hậu
→Các đại dương "nghẹt thở" vì nhựa!
Venice, Italy: Venice nổi tiếng với kiến trúc cổ điển, không gian lãng mạn cùng hệ thống kênh đào dày đặc. Tuy nhiên, thành phố tuyệt đẹp này đang phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là khi mực nước biển dâng cao sẽ khiến tình trạng ngập lụt ở Venice trở nên nghiêm trọng. Trong nỗ lực nhằm bảo vệ Venice, các nhà hoạt động xã hội đã đưa ra ý kiến kêu gọi đầu tư vào các cửa cống tiên tiến và các công nghệ khác để ngăn chặn các đợt nước biển dâng.
Rừng Amazon: Rừng nhiệt đới lớn nhất trên trái đất, Amazon chiếm khoảng 40% diện tích của Nam Mỹ. Tại đây, du khách sẽ tìm thấy những con vẹt đuôi dài đỏ tươi và những con ếch phi tiêu độc màu xanh, những con báo đốm và những con lười trong rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt. Tuy nhiên, biến đổi khí hậuđang khiến môi trường nơi đây dần thay đổi. Hạn hán khiến Amazon trở nên khô cằn và dễ xảy ra cháy rừng hơn. NASA đã đưa ra cảnh báo rằng, cây ở Amazon sẽ bắt đầu chết nếu mùa khô của khu vực kéo dài hơn 5-7 tháng. Ảnh: Getty.
Maldives: Nằm ở Ấn Độ Dương, Maldives được tạo thành từ một loạt đảo san hô với nhiệt độ quanh năm dao động trong khoảng 27-29 độ C. Nơi đây là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn và đắt đỏ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với độ cao trung bình là 1.3 m so với mực nước biển, Maldives, quốc gia thấp nhất thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn khi mực nước biển đang ngày càng dâng cao. Ảnh: Four Seasons.
Key West, Florida, Mỹ: Key West nổi tiếng với những tòa nhà màu hồng phấn, điều kiện lặn biển lý tưởng và bầu không khí thoải mái. Tuy nhiên, năm 2017, thành phố đã bị cơn bão Irma tàn phá, và trước đó Key West đã phải đối mặt với việc mực nước biển sẽ tăng khoảng 38 cm trong 30 năm tiếp theo. Thiên tai, lũ lụt liên tục đã khiến Key West phải thực hiện kế hoạch trị giá 1 triệu USD nhằm nâng cao các con đường trước khi chúng nằm dưới mực nước biển. Ảnh: Getty.
Mumbai, Ấn Độ: Là nơi sinh sống của hơn 18 triệu người, Mumbai là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Thành phố sôi động này liên tục mở rộng, phát triển với những tòa nhà chọc trời dọc bờ biển. Thế nhưng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc nước biển dâng cao, đến năm 2050, Mumbai sẽ thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt. Ảnh: Getty.
Dãy Alps: Dãy Alps trải dài qua 8 quốc gia châu Âu, từ lâu đã là địa điểm trượt tuyết nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo của Time, nhiệt độ tăng, và băng tan đã khiến mùa giải của các môn thể thao mùa đông diễn ra ở đây vào năm 2017 bị rút ngắn 38 ngày so với năm 1960. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã dự đoán rằng đến cuối thế kỷ này, bạn sẽ phải leo đến độ cao hơn 3.000 m mới có thể nhìn thấy băng tuyết trên núi. Ảnh: Getty.
Rio de Janeiro, Brazil: Các chuyên gia về khí hậu đã dự đoán rằng Rio de Janeiro sẽ là thành phố Nam Mỹ bị tổn thương nặng nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo cho thấy nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, mực nước biển xung quanh Rio sẽ tăng lên khoảng 81 cm vào năm 2100, đủ để khiến nhiều bãi biển nổi tiếng, sân bay và thậm chí một số khu dân cư nội địa chìm trong biển nước. Ngoài mối lo ngại về lũ lụt, việc nước biển dâng cao cũng sẽ dẫn đến sạt lở đất, thiếu nước, và lây lan bệnh tật. Hiện nay, lãnh đạo thành phố đã hợp tác với NASA để cố gắng tìm ra giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty.
Thung lũng Napa, California, Mỹ: Napa có tới hơn 1.000 nhà sản xuất rượu vang thương mại. Ghé thăm nơi đây, du khách có thể nhâm nhi rượu vang, nho đen Pinot và thưởng ngoạn quang cảnh những vườn nho nằm cạnh núi Saint Helena. Tuy nhiên, giống như thung lũng Rhone ở Pháp, khí hậu dần thay đổi đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc trồng nho và sản xuất rượu vang, khiến “thiên đường” rượu vang ở Napa có nguy cơ biến mất. Ảnh: Wiki Travel.
Alaska: Alaska rộng lớn là địa điểm du lịch mạo hiểm lý tưởng của nhiều du khách trên thế giới. Tuy nhiên, nơi đây đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trái đất ấm lên khiến băng ở Alaska tan chảy dẫn đến sạt lở đất và bờ biển. Ngoài ra, tình trạng thời tiết này còn mang đến một hệ lụy khác đó là cháy rừng. Theo thông tin thống kê, diện tích rừng bị cháy trong 10 năm qua ở Alaska là lớn nhất so với những thập kỷ trước đây, và con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Ảnh: Getty.
Bán đảo Yamal, Nga: Khi băng tan chảy, thời tiết trở nên khó lường, và mùa đông bị rút ngắn lại, khiến cuộc sống và việc chăn thả tuần lộc ở tây bắc Siberia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào mùa đông năm 2013, nhiệt độ ấm bất thường mang mưa đến, sau đó một lớp băng dày đã bao phủ đồng cỏ khiến tuần lộc không thể đào qua băng để tìm thức ăn, dẫn đến hàng chục nghìn con đã chết đói. Các nhà nghiên cứu khí hậu dự đoán rằng loại thời tiết này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn khi trái đất tiếp tục ấm lên và đây là thông tin nguy hiểm đối với những con tuần lộc. Ảnh: Getty.
Nguồn CNN Travel