Ảnh: IKEA đi đầu trong trào Net - Zero

 
Văn Quốc Thứ Năm | 15/10/2020 08:00

Xếp hạng ESG: Tiêu chuẩn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhà đầu tư và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến cách doanh nghiệp tạo ra tác động xã hội, hơn là môi trường và quản trị.

Mục tiêu âm carbon

Đầu năm nay, Microsoft tuyên bố sẽ đạt đến mục tiêu "âm carbon" (loại bỏ lượng khí carbon trong khí quyển nhiều hơn lượng khí công ty này phát thải) vào năm 2030. Unilever gần đây đưa ra những cam kết mới, bao gồm một chuỗi cung ứng “không phá rừng” vào năm 2023 và đạt mục tiêu thải khí net-zero (cân bằng giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển) đối với tất cả sản phẩm của Tập đoàn vào năm 2039. IKEA cũng cam kết đạt net-zero vào năm 2030 và thiết kế sản phẩm theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị), vốn ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Nghiên cứu cho thấy giá cổ phiếu của các công ty có mức xếp hạng ESG cao hơn không chỉ qua mặt những doanh nghiệp khác kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mà còn giảm ít hơn và hồi phục nhanh hơn. Báo cáo phân tích của Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD) cũng cho thấy các doanh nghiệp thành viên của tổ chức này có giá cổ phiếu vượt diễn biến chung của thị trường.

Nhưng các tiêu chí bền vững đang ngày càng tiến hóa. Đáng chú ý nhất là sự chuyển hướng trong mối quan tâm về trách nhiệm xã hội, đặc biệt là cách doanh nghiệp đối xử với nhân viên và nhà cung cấp như trả lương công bằng và đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn.

Số liệu mới nhất từ báo cáo Trust Barometer của Edelman cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hàng mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hàng đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hàng đó nữa; 50% người được khảo sát bởi Edelman cũng tin rằng các doanh nghiệp thường đối xử tồi tệ hoặc không hề đặt con người lên trên lợi nhuận.

Một lý do khiến chữ S (Social) trong ESG bị lu mờ trước các ưu tiên về môi trường (Environmental) và quản trị (Governance) là bởi vì tác động xã hội rất khó đo lường và phạm vi mối quan ngại cũng rộng hơn rất nhiều từ điều kiện làm việc quá kém trong tầng tầng lớp lớp chuỗi cung ứng cho đến việc né thuế.

Ảnh
Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội.

Nay cuộc khủng hoảng COVID-19 đã mang đến cơ hội bóc trần những vấn đề xã hội để thúc đẩy nhanh công cuộc phát triển bền vững. Trên khắp toàn cầu các đợt bùng phát COVID-19 liên tục dính líu đến các doanh nghiệp có điều kiện làm việc tồi tệ nhất như những nhà máy đóng gói thịt ở Wisconsin, các trang trại thu hoạch hoa quả ở Huelva, các xưởng may có điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Leicester...

“COVID-19 đã lột trần mức độ dễ bị tổn thương của các công nhân làm việc tại đáy của chuỗi cung ứng”, Laura Safer Espinoza, cựu thẩm phán bang New York, hiện là Giám đốc Hội đồng Các tiêu chuẩn Thực phẩm công bằng, nhận định.

Theo số liệu năm 2017 của Văn phòng Lao động Quốc tế, trong số 24,9 triệu người bị lao động cưỡng bức, có đến 16 triệu người bị bóc lột sức lao động ở khu vực tư nhân. Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Hult năm 2016 cũng chỉ ra, 77% công ty cho rằng nô lệ hiện đại vẫn tồn tại trong các chuỗi cung ứng của họ. “Thực tế, chúng tôi cho rằng tỉ lệ này xấp xỉ 100%”, Peter Hugh Smith, CEO Quỹ đầu tư CCLA, nhận xét. Smith hiện đứng đầu một sáng kiến nhà đầu tư nhằm gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải xóa bỏ chế độ nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ.

Tiêu chí ESG

Viện Chính sách Chiến lược Úc gần đây ước tính các chuỗi cung ứng tại ít nhất 82 tập đoàn đa quốc gia như Apple và Huawei có dính líu đến các nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức từ cộng đồng thiểu số người Uighur.

 

Hiện ngày càng nhiều tổ chức đầu tư đưa ESG trở thành tiêu chí ưu tiên khi quyết định rót vốn vào một doanh nghiệp. Nhưng cách triển khai ESG còn nhiều bất hợp lý lại là vấn đề đáng lo ngại. Một ví dụ là tháng 7.2020 Boohoo bị cáo buộc có các điều kiện làm việc kém và trả lương nhân viên thấp hơn mức lương tối thiểu, trong khi trước đó vài tuần nhà bán lẻ thời trang trực tuyến này lại được MSCI xếp vào top 15 các doanh nghiệp dựa trên chỉ số đo lường ESG. Boohoo cũng từng lọt vào mắt xanh của nhiều quỹ “bền vững”. Để khắc phục vấn đề này, Giáo sư George Serafeim, Trường Kinh doanh Harvard, khuyến nghị: “Nhà đầu tư cần nhận diện các tổ chức mà chiến lược của họ có thể tạo ra sức ảnh hưởng xã hội, chứ không bởi vì họ đã áp dụng một số chính sách ESG”.

 

Giáo sư Sarah Kaplan tại Trường Quản trị Rotman cho rằng nhà đầu tư nên gây áp lực lên hội đồng quản trị, yêu cầu phải báo cáo giải trình các vấn đề trách nhiệm xã hội và cho nhóm cổ đông nhỏ nhiều cơ hội hơn để nêu vấn đề trước hội đồng quản trị. “Tương tư như bạn có một ủy ban kiểm toán tài chính, bạn cũng cần một ủy ban kiểm toán các số liệu xã hội và thẩm định các con số ấy một cách sát sao giống như khi bạn đọc số liệu tài chính... Nếu không thấy sự cải thiện nào trong vấn đề xã hội, hãy đặt câu hỏi tại sao rồi buộc CEO phải đưa câu hỏi đó xuống ban điều hành để họ giải trình”, bà nói.

Safer Espinoza ít lạc quan hơn. Bà không cho rằng hội đồng quản trị đưa ý định xuống thì sẽ được biến thành hành động ở cấp dưới. “Kinh nghiệm của tôi sau gần 40 năm trong lĩnh vực thi hành luật cho thấy việc tự đưa ra chính sách và tự theo dõi không có tác dụng”, bà nói. Những nhà mua hàng tham gia vào Chương trình Thực phẩm công bằng của bà như Walmart đều đồng ý ngưng mua hàng từ những người trồng cà chua không tuân thủ bộ quy tắc hành xử do Chương trình đặt ra.

Thỏa thuận này được ràng buộc về mặt pháp lý và theo bà, đây là cách duy nhất để nhà đầu tư đảm bảo doanh nghiệp hành xử đúng trong các vấn đề xã hội. “Nhà đầu tư cần thúc giục các tập đoàn lớn ở đỉnh của chuỗi cung ứng ký kết thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý với các tổ chức lao động”, bà nói.

Các quốc gia cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tại Anh, các nỗ lực rà soát những khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội đang tăng lên và 34,3 tỉ bảng Anh đã được đầu tư vào các quỹ đầu tư có trách nhiệm tính đến tháng 7.2020, tăng từ mức 24,1 tỉ bảng Anh vào năm ngoái.

Úc đã đi xa hơn Anh và bang California khi đề ra các quy định yêu cầu doanh nghiệp và nhà đầu tư phải có kế hoạch chi tiết đối với cách họ đánh giá và giải quyết rủi ro nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng của mình. Với hơn 40 triệu người làm việc trong điều kiện như nô lệ thậm chí trước khi có dịch, hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại, đây là một vấn đề phức tạp cần được giải quyết, theo Mans Carlsson, đứng đầu nghiên cứu ESG tại Ausbil Investment Management. “Đây là điểm khởi đầu. Sẽ có nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới nối gót”, ông nói