Việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…Ảnh: Qúy Hòa
Vì một Việt Nam xanh, các doanh nghiệp gỗ chung tay bảo vệ rừng
►Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
►Đến nay, Việt Nam cũng có đến 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỉ đồng.
Nhiều bất cập ngành gỗ
Mặc dù độ che phủ tiếp tục tăng, diện tích rừng trồng tăng, nhưng chất lượng của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), chia sẻ: "Trong các diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt".
Cũng theo quan điểm của ông Lập, hình ảnh nhiều cây gỗ được trôi theo dòng nước lũ và phủ kín trên mặt các hồ, sông suối là những hình ảnh trực diện mà bão lũ làm lộ thiên thực trạng rằng rừng tự nhiên của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị “rỗng ruột hóa".
Hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng bởi sản phẩm mà các doanh nghiệp sử dụng là gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp. Nhưng, doanh nghiệp có thể có vai trò gián tiếp. Hàng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về khía cạnh xã hội và môi trường từ nhiều năm qua. Ảnh: Qúy Hòa |
Theo công bố mới nhất về hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có 14,6 triệu ha rừng, trong đó bao gồm khoảng 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 4,3 triệu ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ gần 42%. Các diện tích này hiện tại đang được quản lý bởi 7 nhóm chủ rừng khác nhau, bao gồm ban quản lý rừng đặc dụng (2,15 triệu ha), ban quản lý rừng phòng hộ (3,1 triệu ha), hộ gia đình (3 triệu ha), UBND xã (gần 3 triệu ha), tổ chức kinh tế (1,76 triệu ha) và một số đơn vị khác.
Trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước hằng năm ước đạt trên 35 triệu mét khối. Nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng giúp cho độ che phủ rừng tăng theo.
Quỹ vì Việt Nam xanh
Việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đây hầu hết là các thị trường có quy định ngặt nghèo về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý.
Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhận thức được rõ các quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường này, và đã chấp hành nghiêm túc các quy định và yêu cầu này. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, Australia, Canada, NewZeland… Đây hầu hết là các nước có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững.
Từ thực tế trên cho thấy cách nghĩ sự phát triển của ngành gỗ gắn liền với thiên tai, mất rừng, phá hủy nguồn đa dạng sinh học... cần phải được thay đổi. Theo ông Lập, các doanh nghiệp có trách nhiệm làm thay đổi bằng việc ký Cam kết Phát triển ngành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm. Theo đó, sẽ huy động đủ nguồn lực, thông qua việc hình thành Quỹ Vì một Việt Nam Xanh để triển khai các hoạt động đề ra trong cam kết.
Ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, Australia, Canada, NewZeland… Ảnh: Qúy Hòa |
Quỹ “Việt Nam xanh” được thành lập bởi các hiệp hội ngành gỗ: VIFOREST, HAWA, FPA Bình Định, BIFA, DOWA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh hóa; Chi hội Gỗ Dán và Chi hội Dăm gỗ.
Mục tiêu của quỹ là thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế, thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
Các mảng hoạt động ưu tiên của quỹ bao gồm các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Quỹ sẽ thúc đẩy các kết nối giữa các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề gỗ và các doanh nghiệp trong ngành, mở rộng thị trường, thúc đẩy việc chuyển đổi các loại gỗ nguyên liệu từ các loại gỗ quý nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng, sản phẩm gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp.