Gần đây hơn, tre đã thu hút sự chú ý khi có thể lấy lượng lớn carbon ra khỏi bầu khí quyển. Ảnh: inbar.int.

 
Ngọc Ngô Thứ Sáu | 15/01/2021 07:30

Tre đang trở thành một giải pháp bền vững chống biến đổi khí hậu

Cây tre có rất nhiều ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Bà Vikida Yu, Phó Chủ tịch HeQiChang Bamboo Products (Trung Quốc), từng chia sẻ về một trải nghiệm làm thay đổi vận mệnh của Công ty. Bà cho biết HeQiChang trước nay chỉ dùng gỗ để sản xuất container chở hàng nhưng các yêu cầu và chi phí gia tăng đối với gỗ nhập khẩu buộc Công ty phải tìm kiếm lựa chọn khác. Đó là tre. Hiện tại, Công ty sản xuất 4 triệu container bằng tre mỗi năm, tất cả đều là nguyên liệu tre trong nước và phần lớn container được tập đoàn vận tải biển Maersk thu mua. “Tre vượt mọi kỳ vọng. Nó đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta”, bà chia sẻ.

Cây tre có rất nhiều ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Tre có thể sống tốt trên sườn đồi, tăng khả năng bám giữ ở các vùng có địa hình dốc, nghiêng, ngăn xói mòn đất. Hơn nữa, với đặc điểm là vật liệu tự nhiên có khả năng tái tạo, carbon thấp, có độ bền kéo không thua gì thép, tre và các sản phẩm từ tre từ lâu còn là một nguồn thu nhập ổn định cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp trên thế giới.

Gần đây hơn, tre đã thu hút sự chú ý khi có thể lấy lượng lớn carbon ra khỏi bầu khí quyển. Cụ thể, tre có thể giúp hạn chế lượng khí thải theo 2 cách: thông qua việc trồng rừng tre và các sản phẩm bền vững từ tre có thể lưu giữ carbon và thay thế cho gỗ, bê tông và thép.

Tre tăng trưởng rất nhanh, một số loài có thể tăng trưởng 90 cm mỗi ngày với bộ rễ vững chắc. Tre trưởng thành chỉ trong vài năm, nên có thể được thu hoạch thường xuyên. Điều này có nghĩa, tre là nguồn tái tạo rất nhanh, có thể cung cấp sinh khối còn nhiều hơn cả rừng trồng và rừng tự nhiên. Đồng thời, có thể tạo ra một số lượng lớn sản phẩm có độ bền cao, giúp lưu trữ carbon trong suốt vòng đời của sản phẩm, ngoài lượng carbon được trữ trong chính cây tre.

Đặc điểm này khiến tre trở thành một “bể chứa carbon” khổng lồ, một giải pháp tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất. Các nghiên cứu cho thấy trong 30 năm, 1 ha trồng tre và các sản phẩm từ tre có thể lưu trữ lên tới 600 tấn carbon, cao hơn nhiều loại cây khác.

Một nghiên cứu khác được thực hiện trên các sản phẩm tre công nghiệp của châu Âu như tấm lót sàn, xà, dầm... cho thấy các sản phẩm này có chi phí sinh thái rất thấp, thậm chí âm trong suốt vòng đời của chúng, vượt qua các loại cây gỗ cứng được chứng nhận bởi tổ chức Forest Stewardship Council và có thể được sử dụng như sản phẩm thay thế cho thép và xi măng. Do đó, dùng tre để thay thế các vật liệu truyền thống carbon cao là một sáng kiến có ý nghĩa đối với chiến lược xây dựng xanh ở nhiều nước.

Tại Ecuador, chính phủ nước này đã chính thức công nhận tre là loại vật liệu xây dựng phù hợp và được phê chuẩn đưa vào sử dụng trong dự án Housing for All của nước này, dự kiến xây 325.000 ngôi nhà vào năm 2021.

 

Trung Quốc cũng đã gầy dựng được một ngành công nghiệp sôi động từ cây tre. Kể từ lệnh cấm chặt rừng (đối với một số khu rừng) có hiệu lực từ năm 1998, các công ty đã quay sang sử dụng tre như một sản phẩm thay thế cho gỗ. Hiện tre được xử lý để tạo ra những vật liệu thẳng đồng nhất, dùng để sản xuất mọi thứ từ tấm lót sàn cho đến giường ngủ trên các toa tàu, nắp đậy ống cống...

Tại một diễn đàn năm 2017 về sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, một công ty tư nhân đến từ tỉnh Chiết Giang đã trình làng một vật liệu từ tre có độ bền kéo đủ lớn để xây dựng cả các ống thoát nước mưa và vật liệu chống sốc dùng trong toa tàu cao tốc.

Những sản phẩm có sức bền cao này có ý nghĩa quan trọng trong việc công nhận các ưu điểm vượt trội của tre. Nhà nghiên cứu Pablo van der Lugt đánh giá: “Khi sự hứng thú đối với nền kinh tế carbon thấp, có nguồn gốc sinh học ngày càng tăng, chúng ta cũng chứng kiến những cơ hội mới mở ra cho các sản phẩm từ tre để thay thế sản phẩm carbon cao, không có nguồn gốc sinh học. Không chỉ là các giải pháp kiến trúc trong nhà và ngoài trời, tre còn mang đến những ứng dụng mới trong ngành công nghiệp nặng”.

Ngoài năng lực lưu trữ carbon, các tính năng khác của tre có thể khiến cho loại cây này đóng một vai trò quan trọng trong chính sách khí hậu tương lai. Một trong số đó là khả năng chống thoái hóa đất.

Một báo cáo nội bộ của Tổ chức Mây Tre Quốc tế (INBAR) gồm 46 nước thành viên cho thấy các quốc gia đang dự định khôi phục hơn 5 triệu ha đất bị thoái hóa bằng cách trồng tre trong thập niên tới. Chỉ riêng Trung Quốc có kế hoạch trồng 1 triệu ha tre trong giai đoạn 2018-2030. Các tỉnh phía Nam của nước này từ hàng chục năm nay vẫn luôn trồng tre khi độ phủ rừng đã tăng từ khoảng 3,5 triệu ha vào năm 1986 lên gần 7 triệu ha hiện nay.

Những sáng kiến trồng tre này còn được công nhận tại các chương trình bù đắp carbon tự nguyện ở Trung Quốc. Từ năm 2009, chẳng hạn, tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba đã mua bù đắp carbon với khoảng 50 ha tre được trồng tại Lâm An, tỉnh Chiết Giang.

 

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng thừa nhận trồng tre là công nghệ carbon thấp và tiết kiệm năng lượng chủ chốt. Chỉ riêng tại Chiết Giang, khoảng 27.000 ha các khu rừng tre được trồng gần đây đã tạo ra 5,4 triệu tín chỉ carbon được chứng nhận. Thậm chí, các nhà nghiên cứu tại Đại học Zheijang A&F và INBAR đã phát triển một phương pháp giúp cho nông dân và doanh nghiệp dễ dàng hơn trong nhận các tín chỉ carbon cho việc trồng tre.
Một câu hỏi đặt ra là “Tại sao một loại cây với nhiều ưu điểm và công dụng như vậy nhưng lại chưa được ứng dụng rộng rãi?”. Theo INBAR, khó khăn chủ yếu là do thiếu thông tin, vì thế cần đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn tài nguyên tre tại địa phương và các công năng của chúng. Ngoài ra, cần đưa ra bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm tre và vật liệu từ tre. Ecuador, chẳng hạn, đã xuất bản một bộ hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về quản lý bền vững các rừng tre được trồng.

Ảnh: newatlas.com.
Ảnh: newatlas.com.

Chi phí cũng là một vấn đề. Một số sản phẩm tre chưa đủ rẻ để cạnh tranh với các vật liệu có mặt từ lâu trên thị trường. Do đó, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ là rất cần thiết để tre nhanh chóng trở thành sự lựa chọn. Ví dụ, Philippines năm 2010 đã ra chỉ thị yêu cầu phải sử dụng tre cho ít nhất 25% bàn ghế tại các trường công và những đồ nội thất khác.

Tại một số nước, vấn đề khung pháp lý lại cản trở sự phát triển của ngành tre. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, tre gần đây được đưa ra khỏi Đạo luật Rừng của nước này, vì thế đã hạn chế khả năng của người dân trong việc thu hoạch và sử dụng tre.

Tổ chức Nông Lương đánh giá độ phủ tre trên toàn cầu ở mức 35 triệu ha, nhưng theo Trịnh Thanh Long, một chuyên gia về rừng tại INBAR, con số này chưa đầy đủ: “Khi chúng tôi tính cả các quốc gia không cung cấp báo cáo và với số liệu có được mới nhất, con số thực tế có thể xấp xỉ 50 triệu ha”. Phần lớn trong số này lại không được quản lý và kiểm soát, nghĩa là khả năng lưu trữ carbon tương đối thấp.