Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam lên tới 877 tỷ đồng. Nguồn ảnh: Gaia

 
Thanh Hằng Thứ Tư | 02/10/2024 16:16

Trồng rừng để chủ động ứng phó với thiên tai

Tháng 9/2024, trước ảnh hưởng của bão Yagi, Gaia tích cực triển khai các chương trình xanh kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phục hồi rừng, tái sinh rừng.

Tiêu biểu như chương trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 40ha rừng Cà Mau cùng BAT Việt Nam, chăm sóc 25ha rừng Cà Mau với Vinamilk, trồng rừng Tà Kóu với Ngân hàng Hong Leong Việt Nam, P&G Việt Nam và Central Retail Việt Nam.

Hiện nay, chiến dịch góp cây trồng rừng Phong Điền chống bão của Gaia cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm chia sẻ thông tin về vai trò của rừng trong việc giảm nhiệt thiệt hại, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng vào năm 2050. 

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục thực hiện trồng rừng đầu nguồn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền ,...

Trồng rừng Tà Kóu
Trồng rừng Tà Kóu

“Trong bão tố, chúng ta mới thấy rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của cây xanh”, bà Huyền Đỗ, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết. Trận bão Yagi vừa qua, cây xanh tại các thành phố và khu rừng đã phát huy mạnh mẽ vai trò cản gió bão, khiến năng lượng bão suy yếu trước khi tràn vào thành phố.

Giám đốc Gaia nhận xét những vùng bị sạt lở là những khu vực rừng đã bị khai thác cạn kiệt, chuyển thành rừng sản xuất hoặc thi công các công trình dân sinh. Ngay trong những ngày bão lớn, nhiều người dân sống ở vùng sạt lở đã tránh vào rừng sâu để được an toàn thay vì ở trong chính ngôi nhà của họ. Điều đó cho thấy tác dụng mạnh mẽ của rừng tự nhiên, đa tầng đa tán có thể che chở con người trước thiên tai như thế nào. 

“Do đó, trồng rừng chính là củng cố ngôi nhà chung của con người và cũng để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”, bà Huyền nói thêm.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam  lên tới 877 tỷ đồng. Chỉ riêng cơn bão số 3 (tên gọi là Yagi) và hoàn lưu bão trong tháng 9 gây thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 81.500 tỷ đồng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Biến đổi khí hậu cộng hưởng với hiệu ứng La Nina chính là nguyên nhân đằng sau cho sự dị thường của mùa mưa bão năm 2024. Dự báo trong tương lai, tình hình thiên tai còn có thể diễn biến bất thường hơn nữa, vượt ra khỏi các dự báo và khả năng ngoài mọi sự ứng phó của chúng ta chuẩn bị, tiếp tục gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của. 

Sau những thiên tai trên, các cánh rừng cũng chịu thiệt hại không ít vì rừng đã phần nào che chắn con người trước thiên tai. Trong bão số 3, 121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860,...), và 1 triệu ha rừng bị thiệt hại. Chính lúc này đây, rừng và cây thể hiện vai trò quan trọng trong việc cản gió, hấp thụ bớt năng lượng bão, che chở con người trước sự cuồng nộ của thiên nhiên.

Có thể bạn quan tâm:

Xanh hóa chuỗi cung ứng bắt đầu từ đâu?