Saint-Gobain tái khẳng định cam kết trung hòa carbon vào năm 2050
Hội nghị thường niên do Lãnh đạo Cấp cao của Hiệp hội các Doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV tổ chức, quy tụ những nhà quảnlý cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Năm nay, hội nghị mang chủ đề "Build To Last" tập trung bàn thảo xoay quanh các xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt là cơ hội và thách thức để ngành xây dựng đóng góp tích cực vào mục tiêu chung của quốc gia là đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo ông Nguyễn Trường Hải, Tổng giám đốc Saint-Gobain Việt Nam, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, giải pháp mới theo hướng nhẹ, bền vững và thân thiện môi trường là điều tất yếu và nó đang diễn ra. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng yêu cầu về tính bền vững ngày càng cao của các nhà đầu tư cũng như Chính phủ; mà còn góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 một lần nữa được đại diện Saint-Gobain Việt Nam tái khẳng định một cách mạnh mẽ tại sự kiện. Thực tế, việc đạt mức trung hòa carbon không chỉ quan trọng với các doanh nghiệp mà còn với tất cả các quốc gia. Hơn 70 quốc gia, bao gồm Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050.
Với Saint-Gobain, mục tiêu phát triển bền vững được áp dụng trên toàn cầu cũng như ở từng thị trường. Tại Việt Nam, để đạt cam kết không phát thải ròng carbon, Saint-Gobain đã có những giải pháp thiết thực từ khâu nghiên cứu sản phẩm, sản xuất đến chuỗi cung ứng - vận chuyển. Cụ thể, trong khâu phát triển sản phẩm, doanh nghiệp tiếp tục cải tiến vật liệu xây dựng theo hướng nhẹ và bền vững; Nghiên cứu các nguyên vật liệu mới để thay thế nhóm truyền thống; Cải tiến sản phẩm để nhẹ hơn hiệu suất cao hơn.
Về sản xuất, Saint-Gobain Việt Nam đang từng ngày tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu rác thải và năng lượng sử dụng; cũng như ưu tiên sử dụng năng lượng xanh như điện mặt trời trong sản xuất và vận hành. Ngoài ra, doanh nghiệp còn không ngừng mở rộng và tối ưu hóa mô hình D2D (giao hàng tận kho cho khách hàng) để giảm số lượng xe tải sử dụng khi giao hàng, đưa đến giảm lượng khí thải trong lưu thông,gia tăng việc thu hồi các sản phẩm rác thải trong vận chuyển để tái chế hoặc tái sử dụng; tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.