Lưới xanh giải phóng đại dương. Ảnh: TL.
Lưới xanh giải phóng đại dương
Việc lưới cá phân hủy sinh học được nghiên cứu thành công và đi vào thương mại ở Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu nhiều tác động tiêu cực của các tấm lưới cá truyền thống.
Các số liệu gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, mỗi năm có khoảng 500.000 đến 1 triệu tấn thiết bị đánh bắt cá bị bỏ rơi trên đại dương do cố tình hoặc vô ý của ngành đánh bắt cá thương mại. Những tấm lưới cá lưu lạc vô chủ hay còn gọi là lưới ma này hiện đã chiếm 46% diện tích Đảo rác Thái Bình Dương (khoảng 1,6 triệu km2, gấp 5 lần diện tích Việt Nam).
Những loại lưới ma chủ yếu được làm từ các sợi tổng hợp, nylon và các hợp chất nhựa khác. Với tính năng bao phủ rộng, lưới ma không chỉ bắt cá mà chúng cũng vướng vào rùa biển, cá heo, cá heo, chim, cá mập, hải cẩu… và thường dẫn tới cái chết bi thảm cho những sinh vật tội nghiệp vì chúng không thể tự thoát thân.
Theo Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP), có trên 650.000 động vật biển bị giết bởi lưới ma mỗi năm. “Phần khó nhất là nhìn thấy tác hại đối với động vật hoang dã đại dương. Những cái lưới đó cắt vào da thịt và cơ bắp, nó có thể cắt đứt động mạch, làm hoại tử các chi, có thể dẫn đến cái chết từ từ”, Elizabeth Hogan, Giám đốc chiến dịch động vật hoang dã và đại dương của Mỹ cho WAP, chia sẻ.
Nếu lưới ma bị mắc kẹt dưới đáy biển, các sinh vật đại dương nhỏ hơn bắt đầu ăn phần cá chết trong lưới, làm giảm trọng lượng của nó và cho phép lưới nổi lên mặt nước trở lại. Điều này lại tạo ra một chu kỳ hủy diệt mới và tiếp tục lặp đi lặp lại trong hàng trăm năm cùng với vòng đời của tấm lưới đó. Vì vậy, bên cạnh việc thu gom, tái chế lưới cá cũ, việc khuyến khích sáng tạo và sử dụng lưới cá phân hủy sinh học là một giải pháp mang tính cấp bách không kém.
Nhận thấy tầm quan trọng của nhóm sản phẩm này trong việc bảo vệ môi trường biển, Tập đoàn An Phát Holdings đã sớm tham gia học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc, nơi nghề đánh lưới đặc biệt phổ biến với trên 40.000 tấn màng, lưới đánh cá bị bỏ rơi mỗi năm và cũng là nơi đã bắt đầu phát triển và cung cấp ngư cụ có khả năng phân hủy sinh học hàng đầu thế giới.
Sau gần 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, ngày 26.11 vừa qua, tại Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các biển Đông Á năm 2020 và Lễ khởi động Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam, An Phát Holdings đã chính thức ra mắt các ngư cụ xanh như lưới đánh cá, dụng cụ nuôi trồng thủy sản có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn, tạo tiếng vang cho Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển.
“Trong việc phát triển lưới đánh cá, chúng tôi phải cải tiến sản phẩm để làm sao vẫn đảm bảo được tốc độ phân hủy sinh học theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế, vừa có thời gian sử dụng lâu như những lưới đánh cá thông thường, thường rơi vào khoảng 2-3 năm, thì khi ấy ngư dân ở bên Hàn Quốc mới đồng ý chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của An Phát Holdings, chia sẻ.
Vượt qua nhiều thử thách, hiện các ngư cụ phân hủy sinh học của An Phát Holdings đã được thị trường đón nhận và đặc biệt là sản phẩm lưới đánh cá được xuất sang nhiều quốc gia lớn như các nước châu Âu, Mỹ nhưng vẫn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Giá là một thử thách của dòng sản phẩm này ở thị trường nội địa.
Thống kê so sánh 1.261 sản phẩm lưới đánh cá trên sàn thương mại điện tử Lazada cho thấy, giá lưới đánh cá có gắn mác thân thiện môi trường dao động từ 3-6 USD/m2, cao hơn khoảng 30% so với giá thường, nhưng vì thời gian sử dụng ngắn nên khách hàng vẫn tỏ thái độ e ngại đối với các sản phẩm này.
“Để có thể tạo được lợi thế cho sản phẩm, chúng tôi phải làm sao giảm được giá thành của sản phẩm đó xuống và nguồn nguyên liệu chính là yếu tố then chốt. Vì thế, Tập đoàn cũng đã đầu tư vào công ty ở Hàn Quốc để có thể chuyển giao được công nghệ sản xuất nguyên liệu ở bên đó về Việt Nam”, ông Nguyễn Lê Thăng Long chia sẻ thêm.
Vấn đề lưới ma gây nguy hiểm cho động vật biển sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng sự thay đổi sẽ diễn ra. Một bước tiến lớn để biến điều này thành hiện thực là thông qua nâng cao nhận thức của những người trong ngành đánh bắt cá về tầm quan trọng của ngư cụ thân thiện môi trường nếu muốn bảo vệ sinh kế lâu dài.