Kể từ năm 2006, Trung Quốc đã là quốc gia có lượng khí thải CO2 hàng năm cao nhất thế giới. Ảnh: World Atlas.

 
Quỳnh Như Thứ Hai | 06/03/2023 11:34

Tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc sẽ hơn châu Âu trước năm 2039

Khí CO2 được sản sinh từ các máy móc sử dụng nhiên liệu trong ngành công nghiệp.

Hàng ngàn năm trước, con người chúng ta tạo nên mọi thứ bằng chính đôi bàn tay của mình cho đến giữa những năm 1700, người dân Anh bắt đầu sử dụng các loại máy móc chạy bằng nhiên liệu để chế tạo vật dụng, sản phẩm. Nguồn nhiên liệu này khi đốt lên sẽ giải phóng một loại khí không màu gọi là carbon dioxide (CO2), ban đầu lượng khí này không nhiều nhưng sau đó mọi thứ đã thay đổi. 

Từ khi có máy móc, con người dần sử dụng chúng nhiều hơn thay vì làm việc bằng tay như lúc trước. Bắt đầu ở Anh, đến châu Âu rồi Mỹ và sau đó lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Mọi người đua nhau phát minh ra các cỗ máy sử dụng nhiên liệu, tạo ra khí thải CO2 và các loại khí khác bay trong bầu khí quyển Trái đất. 

Trung Quốc bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp hóa của đất nước từ nửa sau thế kỷ XX. Điều đáng nói là tốc độ phát triển ngành công nghiệp của quốc gia này tăng một cách nhanh chóng. Theo ước tính, tốc độ tăng trưởng này vượt xa tốc độ của các quốc gia phương Tây. Với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, câu hỏi đặt ra không phải là Trung Quốc thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn quốc gia nào mà là khi nào lượng khí thải từ Trung Quốc sẽ đạt đỉnh cao nhất. 

 

Mặc dù ngành công nghiệp hóa ở phương Tây diễn ra trước, nhưng theo dự đoán, tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc sẽ vượt qua tổng lượng khí thải của châu Âu trước năm 2039 và trước Mỹ vào năm 2050.

Trước khi bước chân vào ngành công nghiệp hóa, Trung Quốc vẫn còn là nền kinh tế đang phát triển với khoảng 65% dân số có mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày. Đến năm 2017, tỉ lệ phần trăm này đã giảm xuống, tuy không nhiều nhưng đây là “nền móng” cho sự phát triển vượt bậc sau đó của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 25 năm với sự phát triển nhanh chóng, 900 triệu người dân Trung Quốc đã thoát nghèo. 

Kể từ năm 2006, Trung Quốc đã là quốc gia có lượng khí thải CO2 hằng năm cao nhất thế giới. Với một đất nước đông dân như Trung Quốc, lượng khí thải bình quân đầu người hằng năm của nước này đã vượt qua mức của châu Âu từ năm 2013 và theo dự đoán, xu hướng này sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.

Hiện nay, Trung Quốc là “nhà máy” sản xuất năng lượng tái tạo dẫn đầu thế giới. Nhưng với khối lượng “tiêu hóa” của mình thì 90% nguồn năng lượng được sử dụng cho các hoạt động công nghiệp hóa là đến từ than đá, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, nhóm nhiên liệu hóa thạch này góp phần làm biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu. Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Global Energy Monitor, Trung Quốc chiếm hơn 50% hoạt động phát triển điện than mới của thế giới. Đây là nguồn nhiên liệu tạo ra khí CO2 nhiều nhất trên mỗi đơn vị điện năng được sản xuất ra. 

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc đang có xu hướng ngược chiều với những nỗ lực hạn chế phát thải của thế giới.

CO2 là một trong những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu. Và ngày nay, như chúng ta đều biết, thời tiết khắc nghiệt không chỉ có tác động tiêu cực đến tự nhiên mà con người, hay cơ sở hạ tầng cũng có thể gặp nguy hiểm. Vào năm ngoái, Pakistan đã trải qua trận lũ kinh hoàng với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 30 tỉ USD. Mưa lũ “quái vật” chuyển biến dữ dội hơn bởi tác động của sự nóng lên trên toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã khiến các sự kiện khí tượng cực đoan như lũ lụt trở nên tồi tệ hơn.

Có thể bạn quan tâm: 

Người giàu trên thế giới đang "đổ tiền" vào bất động sản giá rẻ

Nguồn The Washington Post