Sự bùng nổ của ngành thời trang nhanh trong nhiều năm qua đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.
Thời trang bền vững: Cần quyết liệt
Một bí mật mà ai cũng biết trong ngành thời trang: quần áo không bán được sẽ được đốt, hoặc đưa đến bãi chôn rác, những túi xách đã qua mùa bị xé rách để không phải bán giảm giá. Nhưng Liên minh châu Âu (EU) đang muốn chấm dứt những hoạt động không bền vững này khi gần đây ban hành lệnh cấm tiêu hủy hàng dệt may, giày dép chưa bán được.
Đây là một phần trong một nỗ lực lớn hơn của EU nhằm siết chặt luật pháp đối với thời trang bền vững, thông qua các chính sách mới về thiết kế sinh thái, tẩy rửa xanh và chất thải ngành dệt sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn trong vài năm tiếp theo. “Đã đến lúc phải chấm dứt mô hình “khai thác tài nguyên - sản xuất - vứt bỏ”, vốn gây hại cho hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta”, bà Alessandra Moretti, thành viên Nghị viện Châu Âu, nói. “Cấm tiêu hủy các mặt hàng dệt và giày dép không bán được sẽ góp phần chuyển hướng trong cách mà các hãng thời trang nhanh sản xuất hàng hóa của họ”, bà nói thêm.
Chuyên gia tư vấn bền vững Philippa Grogan thuộc Eco-Age nhận xét: “Đây là một bí mật dơ bẩn của ngành thời trang từ bấy lâu nay. Lệnh cấm không tự chấm dứt tình trạng sản xuất thừa nhưng sẽ buộc các nhãn hàng phải tổ chức tốt hơn, có trách nhiệm hơn và bớt tham lam hơn”.
Thực vậy, sự bùng nổ của ngành thời trang nhanh trong nhiều năm qua đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường. Theo Liên Hiệp Quốc, ngành thời trang chiếm tới 8-10% lượng khí thải toàn cầu, nhiều hơn cả ngành hàng không và ngành hàng hải cộng lại. Thời trang nhanh gọi là nhanh ở nhiều phương diện: tốc độ sản xuất nhanh, quyết định mua hàng nhanh, tốc độ giao sản phẩm nhanh và tốc độ vứt bỏ cũng rất nhanh khi theo tính toán, cứ mỗi giây có 1 xe tải chở đầy hàng thời trang hoàn toàn sử dụng được đến bãi chôn rác hoặc lò đốt.
Một nhóm nhà báo của Chương trình Truyền hình Đan Mạch Operation X tiết lộ vào năm 2017 rằng H&M (Thụy Điển) đã đốt tới 12 tấn quần áo mỗi năm kể từ năm 2013. Năm 2010 New York Times cũng có một bài viết về hàng đống túi rác chứa đầy quần áo không bán được của H&M được vứt sau một cửa hàng H&M trên Phố 35 ở New York… H&M sau đó đã phát ra thông báo rằng Hãng không còn tiêu hủy quần áo nữa. Trong một báo cáo thường niên Burberry từng tiết lộ đã tiêu hủy lên tới 37 triệu USD hàng hóa không bán được. Louis Vuitton, Coach, Michael Kors và Juicy Couture cũng được cho là có dính vào hành động không bền vững này.
Đốt và xé nhỏ là 2 cách mà các nhãn hàng thời trang thường dùng nhất để tiêu hủy quần áo, theo sau là đưa vào bãi chôn rác. Một số nhãn hàng xuất khẩu hàng tồn sang các quốc gia đang phát triển để tiêu hủy. Một điểm đến thường được chọn để xé nhỏ quần áo bỏ đi là Panipat ở Ấn Độ.
Lý do chính các nhãn hàng chọn cách tiêu hủy là vì việc tái chế không hiệu quả về mặt chi phí. Sự thật rằng hầu hết quần áo không phải dễ tái chế, theo Timo Rissasen, Phó Giáo sư Đại học Công nghệ tại Sydney. Thậm chí một mẫu quần áo đơn giản có thể chứa rất nhiều loại vật liệu, khiến rất khó tái chế. Vận chuyển quần áo đến trung tâm tái chế cũng tốn kém. Vì thế, theo một báo cáo của Bloomberg, chưa tới 1% quần áo đã qua sử dụng được tái chế thành quần áo mới.
Các nhãn hàng tiêu hủy quần áo thay vì bán giảm giá còn là để bảo vệ tính độc quyền và tránh bị hạ thấp giá trị hình ảnh thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhãn hàng xa xỉ. Nhiều hãng cũng e ngại tình trạng “thị trường xám”, tức hàng có thương hiệu bị mua với giá rẻ và được bán lại bởi những người khác. Richemont, công ty mẹ của các nhãn hàng cao cấp như Cartier và Montblanc, từng gây tranh cãi sau khi tiêu hủy hơn 494 triệu USD đồng hồ xa xỉ nhằm ngăn chặn chúng bị bán bởi những nhà kinh doanh trái phép.
Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng cũng ngày càng ý thức được trách nhiệm xã hội của mình. Zerrin, nền tảng bán hàng đầu tiên của Singapore và Đông Nam Á dành cho các nhà thiết kế bền vững và độc lập, cho biết nền tảng này hoạt động chủ yếu theo mô hình ký gửi nên không có gì sót lại qua các đợt bán hàng online và bất kỳ sản phẩm nào chưa bán xong vẫn là tài sản thuộc về các nhãn hàng. “Những năm qua, nhiều nhãn hàng trên nền tảng của chúng tôi đã đưa ra các phương pháp sáng tạo để upcycle (nâng cấp một món đồ cũ thành món đồ mới và phong cách hơn) các bộ sưu tập đã qua mùa, như biến vải thừa thành phụ kiện như mũ, túi xách, trang sức”, Susannah Jaffer, sáng lập và CEO của Zerrin, cho biết.
TELAstory (Philippines) cũng cải biến hàng tồn thành các sản phẩm mới như mũ, túi hàng hóa, hoặc được quyên tặng cho các nạn nhân bị thiên tai như lũ lụt, hỏa hoạn… tại địa phương. “Thậm chí những mảnh vụn vải dệt nhỏ nhất cũng được biến thành các sản phẩm có thể bán được, nhờ hợp tác với các nghệ nhân khắp Philippines”, Hannah Neumann, đồng sáng lập TELAstory, nói.
Theo bà Semun Ho, CEO của Hội đồng Thời trang Singapore, không thể chỉ là nỗ lực từ các hãng thời trang mà người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cho ngành phát triển bền vững. “Đó là lý do chúng tôi đang làm rất nhiều hoạt động giáo dục giới trẻ tại trường học về tính bền vững. Chúng tôi cũng giáo dục người tiêu dùng theo hướng khuyến khích họ gia tăng vòng đời của một sản phẩm hoặc học cách upcycle quần áo”, bà nói.
Đặc biệt, không thể thiếu sự thúc đẩy từ phía chính phủ. Động thái quyết liệt của EU là một ví dụ. Dio Kurazawa, sáng lập The Bear Scouts, cho rằng lệnh cấm tiêu hủy của EU là một cơ hội để các nhãn hàng nâng cao tính linh hoạt của chuỗi cung ứng và từ bỏ mô hình bán buôn mà nhiều người đang dựa vào. “Đây là lúc thúc đẩy những đổi mới, cải tiến như đặt hàng trước và sản xuất theo nhu cầu. Đó là cơ hội cho các nhãn hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán nhu cầu. Công nghệ có thể giúp các thương hiệu trở nên có chủ ý hơn với những gì họ sản xuất ra. Như vậy, ngay từ đầu họ đã hạn chế được tình trạng hàng tồn”, Kurazawa nói.
Philippa Grogan của Eco-Age cũng lạc quan về tương lai của ngành thời trang bền vững. “Quy định mới ban hành đã cho thấy các nhà làm chính sách đã sẵn sàng tạo ra một hệ thống mạnh mẽ hơn”, bà nhận định.