Điện gió tại Trà Vinh.
Thay đổi là xu hướng tất yếu cho tăng trưởng tương lai
Thế giới đang thay đổi nhanh hơn chúng ta có thể tưởng tượng, và điều này không chỉ là một thách thức mà còn mang đến cơ hội cho những người sẵn sàng đón nhận. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành hai yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam.
Việt Nam đã và đang chứng kiến một hành trình tăng trưởng tuyệt vời trong những thập kỷ gần đây, từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Với 16 hiệp định thương mại tự do và các mối quan hệ đối tác chiến lược với 8 quốc gia, Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều tổ chức dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mốc 760 tỉ USD vào năm 2030. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC kỳ vọng GDP của Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ở mức 7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan.
Thay đổi là xu hướng tất yếu
Công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc trong hơn một thập kỷ qua. Những bước tiến vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (A.I), học máy, và tự động hóa đã tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề, từ y tế, sản xuất, cho đến ngành ngân hàng.
Chúng ta cũng chưa quên một sự thật rằng chính đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tốc độ của công cuộc chuyển đổi số. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ như công cụ làm việc từ xa, thương mại điện tử và dịch vụ y tế từ xa. Giờ đây, khi đại dịch đã ở lại sau lưng chúng ta, sự phổ biến của số hóa vẫn còn tiếp diễn.
Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn mà còn mở ra cơ hội lớn để tham gia vào sân chơi toàn cầu. Theo McKinsey, trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo sinh là một trong hai xu hướng nổi bật nhất năm 2023. A.I tạo sinh đã chứng kiến một “cơn sốt” trên Google, với số lượt tìm kiếm năm 2023 tăng 700% so với 2022, cùng lượng đăng tuyển nhân sự và đầu tư tăng đáng kể.
Việt Nam với dân số 100 triệu người và tỉ lệ người trong độ tuổi lao động cao, gần 70%, đang trở thành một trong những thị trường công nghệ số phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2023, Việt Nam có tiềm năng trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ hai khu vực vào năm 2030, chỉ sau Indonesia.
Những doanh nghiệp như Sky Mavis, MoMo và VNLife đã vươn mình trở thành những kỳ lân công nghệ nổi bật, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu, và xây dựng năng lực cạnh tranh về công nghệ.
Cơ hội mở ra
Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 4,5 tỉ người trên toàn cầu hiện đang chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong năm quốc gia đứng đầu về khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên đến 3,5% GDP vào năm 2050. Đây là lý do tại sao Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050, một cam kết được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức khổng lồ, nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội không nhỏ cho các quốc gia và doanh nghiệp. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và năng lượng mặt trời. Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn nhờ điều kiện thuận lợi cũng như cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050 của Chính phủ. Đây là cơ hội lớn để thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng, giúp Việt Nam không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh không chỉ đơn thuần là một trách nhiệm xã hội mà còn là một chiến lược kinh doanh mang lại lợi ích to lớn. Bền vững từng là “sân chơi” của các doanh nghiệp FDI bởi họ có xu hướng tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác nơi xu hướng ESG phát triển hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên. Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện.
Các doanh nghiệp có khả năng thích nghi với những yêu cầu về môi trường và giảm phát thải sẽ có cơ hội mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư quốc tế. Ngược lại, những doanh nghiệp không chú trọng đến vấn đề này có thể đối mặt với rủi ro mất lòng tin từ các bên liên quan và phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu.
Thay đổi tốn kém ra sao?
Mặc dù thay đổi là cần thiết, nhưng quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, tổng chi phí cho năng lượng và hệ thống sử dụng đất sẽ cần tăng lên khoảng 3,5 nghìn tỉ USD mỗi năm. Riêng Việt Nam cần khoảng 400 tỉ USD vào năm 2040 để đối phó với biến đổi khí hậu. Đây là một con số không nhỏ, nhưng sự chậm trễ trong việc thay đổi sẽ còn tốn kém hơn.
Đối với chuyển đổi số, chi tiêu toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 4 nghìn tỉ USD vào năm 2027, và Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này để không bị bỏ lại phía sau. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, tính đến năm 2023, khoảng 47% doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu triển khai các bước chuyển đổi số ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là chi phí đầu tư cho các dự án này.
Thế nhưng, thay đổi không phải là lựa chọn mà là điều tất yếu. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã, đang và sẽ là những xu hướng không thể đảo ngược trong tương lai.