Hành động vì Biến đổi Khí hậu Thái Bình Dương (PACT) là trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới
Mới đây, Đại học Monash (Úc) và Đại học Quốc gia Fiji đã chính thức ra mắt Trung tâm nghiên cứu quốc tế mang tên Hành động vì Biến đổi Khí hậu Thái Bình Dương (PACT) nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất của thời đại.
Là trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới, Trung tâm PACT có trụ sở hoạt động chung ở cả 2 trường đại học, sẽ tập trung nghiên cứu các mối liên hệ quan trọng giữa kinh doanh và biến đổi khí hậu, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thực tế cho những cộng đồng đang chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.
Các quốc đảo ở Thái Bình Dương nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đang trải qua tình trạng nhiệt độ cao hơn, lượng mưa biến đổi cùng những thay đổi về tần suất cũng như cường độ của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt.
Dự án hợp tác PACT sẽ giải quyết các tác động của nền kinh tế và kinh doanh lên sự biến đổi khí hậu, với nghiên cứu học thuật hàng đầu được các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm nhằm tài trợ hiệu quả cho các biện pháp giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Ngoài trọng tâm nghiên cứu, Trung tâm PACT sẽ cung cấp các khóa đào tạo chất lượng cao và xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định chính sách địa phương.
Hiệu phó Đại học Monash, Giáo sư Rebekah Brown cho biết: "Việc ra mắt Trung tâm tái khẳng định mối quan hệ sâu sắc và lâu dài mà Đại học Monash đã xây dựng với khu vực Thái Bình Dương trong nhiều năm. Các dự án như Chương trình Muỗi Thế giới và Chương trình RISE đã cải thiện cuộc sống của những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên khắp Thái Bình Dương.
Trung tâm PACT sẽ nâng cao hơn nữa năng lực của chúng ta trong việc tìm kiếm các giải pháp toàn cầu cho những thách thức về biến đổi khí hậu và hơn thế nữa. Chúng tôi rất tự hào được hợp tác với Đại học Quốc gia Fiji và nhận được sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Fiji trong dự án này".
Trung tâm PACT đã khởi động một số dự án nghiên cứu hợp tác, xem xét việc tăng cường khả năng chống chọi và phúc lợi của các cộng đồng trước biến đổi khí hậu, hỗ trợ và cung cấp thông tin giúp triển khai hiệu quả Đạo luật Biến đổi Khí hậu năm 2021 của Fiji và thiết kế các hợp đồng cô lập carbon.
Giáo sư Unaisi Nabobo-Baba, quyền Hiệu phó Đại học Quốc gia Fiji chia sẻ: “Fiji là một trong nhiều quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, sinh kế của nhiều công dân bị ảnh hưởng. Đại học Quốc gia Fiji rất vui mừng được hợp tác với các đối tác lân cận, đơn cử như Đại học Monash (Úc) để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trung tâm nghiên cứu Hành động vì Biến đổi Khí hậu Thái Bình Dương sẽ cho phép các học giả từ cả 2 trường đại học tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu để cung cấp thông tin về chính sách và thực tiễn trong lĩnh vực này. Người dân Thái Bình Dương sẽ được tiếp cận với kiến thức mới giúp giải quyết vô số vấn đề về biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu được thực hiện cho người dân của chúng tôi, bởi người dân của chúng tôi”.
Trường Kinh doanh Monash, khoa lớn thứ 2 của Đại học Monash, được quốc tế công nhận về sự xuất sắc trong nghiên cứu và giáo dục ở Úc, châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới, sẽ giám sát hoạt động của dự án hợp tác này.
Giáo sư Simon Wilkie, Trưởng khoa Kinh doanh và Kinh tế Đại học Monash kiêm Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Monash cho biết: “Phần lớn trọng tâm trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu là tìm hiểu về khoa học đằng sau nó, cố gắng thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu hoặc thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Nhưng điều chúng tôi tập trung vào lại là: Làm thế nào để các nền kinh tế vốn đã bị tổn hại vì biến đổi khí hậu có thể chuyển đổi và tái cấu trúc để trở nên kiên cường hơn, xây dựng lại những gì đã sụp đổ và làm cho nền kinh tế của họ mạnh mẽ hơn?
Với việc Fiji đang mất trung bình 2,5% GDP mỗi năm do thiệt hại về cơ sở hạ tầng, Trung tâm PACT có thể là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Thái Bình Dương thành khu vực có khả năng chống chọi trước biến đổi khí hậu”, Giáo sư Wilkie cho biết.
Lớn lên ở Fiji, Giáo sư Paresh Narayan của Trường Kinh doanh Monash đã trực tiếp trải nghiệm sự biến đổi khí hậu. Chính ông đã nhìn ra việc mang các phương châm của Đại học Monash đến với các cộng đồng đảo Thái Bình Dương.
“Việc Monash đến Fiji và bắt tay với một trường đại học nhỏ vì một chủ đề mang tính toàn cầu cho thấy việc Monash coi biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng ra sao, một thách thức không chỉ với các quốc đảo Thái Bình Dương mà với cả công dân toàn cầu”, Giáo sư Narayan chia sẻ.
Dự án hợp tác PACT sẽ tiếp nối những công việc có ý nghĩa của Đại học Monash tại khu vực Thái Bình Dương. Vào năm 2017, Monash đã thực hiện Chương trình Muỗi Thế giới ở Fiji, sau đó mở rộng sang các địa điểm ở Kiribati, Vanuatu và New Caledonia, cải thiện cuộc sống của cộng đồng nơi đây thông qua việc giảm các bệnh truyền nhiễm do muỗi.
Ngoài ra, Chương trình RISE (Hồi sinh các Khu định cư không chính thức và Môi trường sống), một dự án tạo nước sạch và vệ sinh, hiện đã mở rộng đến 24 khu định cư không chính thức trên khắp Fiji và Indonesia.
Vào tháng 11/2022, Đại học Monash đã bổ nhiệm ông Rex Horoi, nhà lãnh đạo nhân quyền quốc tế, cựu Đại diện Liên Hiệp Quốc kiêm Đại sứ Quần đảo Solomon, vào vai trò Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu ở Thái Bình Dương. Đây được cho là lần đầu tiên một trường Đại học Úc thực hiện việc bổ nhiệm này.
Có thể bạn quan tâm
Thế hệ Z thường tránh các công ty có hoạt động tác động tiêu cực đến môi trường