Mô hình nhà máy trung hòa carbon của Lego giúp Việt Nam chuyển đổi thành công sang nền kinh tế carbon thấp, bền vững. Ảnh: TL.

 
Phạm Việt Anh Thứ Sáu | 20/01/2023 13:30

Thách thức đa chiều của Bền vững

Có nhiều lý do lạc quan để theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế không phát thải. Nhưng...

Thế kỷ XXI con người đối diện với 2 thách thức mang tính toàn cầu: trái đất ấm lên (biến đổi khí hậu) và bất bình đẳng. Khẩu hiệu “không đau đớn, không thành công“ (no pain, no gain) từ lâu đã được giới kinh tế học chính thống cổ vũ, cho rằng nếu muốn xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, con người phải gánh chịu những nỗi đau kinh tế, chấp nhận sự bất bình đẳng và thậm chí là mất mát về môi trường sinh thái. Nhưng điều đó đã không còn phù hợp. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2022 (COP27) diễn ra tại Ai Cập, các nhà lãnh đạo thế giới đã tiếp tục cam kết thực thi mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới quản trị hài hòa các yếu tố lợi ích vì con người, lợi nhuận và hành tinh (People, Profit, Planet, được gọi tắt là 3P).

Lựa chọn thông minh

Tin vui cho dòng vốn FDI xanh trong tháng 11/2022 là sự kiện Tập đoàn Lego đã khai trương nhà máy hướng tới trung hòa carbon đầu tiên đặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai để ý tới việc để đạt mục tiêu trung hòa carbon, tự chủ được phần lớn nguồn điện sạch, Lego cần đến một nhà máy rộng 44 ha, kích thước tương đương với 62 sân bóng đá, nhưng chỉ tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới.

 

Khi quy đổi sang hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, một nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo mới (năng lượng mặt trời và gió) cần diện tích lớn hơn rất nhiều so với một nhà máy thông thường sử dụng nguồn điện từ năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo cũ như thủy điện và năng lượng hạt nhân có thể tái chế. Năm 2050, dân số Việt Nam dự kiến đạt 110 triệu người, trong đó khoảng 22,3 triệu người trên 65 tuổi (tỉ lệ 20,4% dân số). Tăng trưởng cần năng lượng và cả nhu cầu dân sinh đều bùng nổ, khi đó áp lực cung cấp đủ năng lượng và tạo ra đủ việc làm chất lượng cao nhằm đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, trong khi đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho dân số già là một thách thức lớn. 

Để giải quyết vấn đề này, các nước phát triển cần tiên phong đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ xanh có chi phí thấp hơn, tiệm cận rộng khắp tới tầng lớp người thu nhập thấp trên thế giới. Tuy nhiên, các nước nghèo không dễ dàng chuyển đổi qua năng lượng xanh do thiếu vốn và công nghệ.

Sau 45 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đầu tiên, phát thải vẫn tăng nhanh trong khi tiến triển dễ thấy gần đây nhất, từ COP26 đến nay hầu như không đáng kể. Dù Báo cáo tiến độ SBTi cho biết 2021 là năm đạt kỷ lục về doanh nghiệp đặt mục tiêu cam kết, nhưng Báo cáo Khoảng cách phát thải năm 2022 của Liên Hiệp Quốc chỉ ra tiến độ kể từ COP26 là rất không tương xứng. Do đó, Liên Hiệp Quốc tiếp tục kêu gọi các nước “xem xét lại và tăng cường” những mục tiêu năm 2030. Nhưng vấn đề của các nước phương Nam vẫn là chi phí triển khai, dù COP27 đã nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu, tập trung vào các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Biến đổi khí hậu là có thực và nếu nhân loại không hành động giảm thiểu tác động của nó sẽ phải đón nhận những tác hại khó lường. Dẫu vậy, theo định hướng chung của Liên Hiệp Quốc, mỗi quốc gia có quyền đưa ra lộ trình và chiến lược riêng phù hợp với nhu cầu và ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia. 

 

Chống biến đổi khí hậu là quan trọng, nhưng không phải là vấn đề duy nhất. Không phải tự nhiên mà trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, mục tiêu số 1 là chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức ở mọi nơi và mục tiêu số 2 là chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Nếu không đảm bảo được an ninh lương thực và thu nhập tối thiểu đủ sống thì nhân loại sẽ không thể thoát nghèo và đương nhiên mục tiêu phát triển bền vững sẽ thất bại. Phát triển bền vững là con đường có nhiều thách thức cũng như “cạm bẫy” chi phí khổng lồ mà những quốc gia còn nghèo sẽ không cách nào gánh nổi. Các mô hình dự báo được thực hiện dưới những biến động nhanh, bất trắc và trong khoảng thời gian dài thường sẽ không chính xác.

Có nhiều ước tính phí tổn khác nhau từ các tổ chức uy tín và gần đây nhất McKinsey cho rằng chi phí đầu tư thế giới cần thực hiện để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 sẽ vào khoảng 9.200 tỉ USD một năm, nhiều hơn 3.500 tỉ USD so với những tính toán trước đây. Khoản chi phí lớn từ 6-9% GDP hằng năm được yêu cầu đầu tư cho chính sách khí hậu là rất lớn so với khả năng ngân sách eo hẹp của những quốc gia còn nghèo và đang phát triển.

Do vậy, những nước này một khi cam kết thực thi cần biết lựa chọn chính sách một cách thông minh và có những ưu tiên quan trọng và cấp thiết. Trong đó, công nghệ xanh cung cấp năng lượng với giá thành cạnh tranh là chìa khóa chuyển đổi thành công sang nền kinh tế carbon thấp, bền vững.

Chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng sẽ trải qua tiến trình như thế. Người Mỹ phát minh ra công nghệ năng lượng mặt trời, người Đức tiên phong đưa phát triển năng lượng xanh thành luật mà qua đó thúc đẩy thị trường, người Trung Quốc có công khiến giá thành giảm đi vượt bậc, dù điện mặt trời với những hạn chế kỹ thuật của nó khiến chưa thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Thay vì đối đầu, sự hợp tác của Trung Quốc và Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho thế giới trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang Net Zero, tuần hoàn và bền vững.

“Quốc gia hạng nhất” chống biến đổi khí hậu

 

Thịnh vượng có thể khôi phục môi trường và phục hưng văn hóa. Do đó, con đường đúng đắn nhất và chống biến đổi khí hậu hiệu quả nhất là nhanh chóng đưa quốc gia phát triển, trở thành quốc gia hạng nhất. Trong tiến trình phát triển kinh tế, con người sẽ để lại những hậu quả môi trường là không tránh khỏi và quản trị bền vững nhằm đảm bảo những tổn hại ở mức vừa phải và trong tầm kiểm soát.

“Degrowth” (giảm tăng trưởng) nếu có thể là một trào lưu, một lựa chọn đạo đức và lôi cuốn thì cũng chỉ phù hợp với các quốc gia phát triển phương Bắc, dẫu việc thay đổi hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn cũng như giảm tăng trưởng kinh tế là việc gần như bất khả thi. Nhưng việc có thể làm ngay, có thể giảm tới 1/3 lượng khí thải carbon toàn cầu là phải ngăn chặn được nạn phá rừng và đầu tư khôi phục tài nguyên rừng, cũng như chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp bảo tồn và xen canh cây trồng nhằm lưu trữ carbon hiệu quả và nâng cấp chất lượng nông phẩm. Thế giới cần phải chấm dứt nạn phá rừng và khai thác cạn kiệt tài nguyên biển cũng như có kế hoạch bù đắp cho những tổn hại xã hội.

Chính phủ cần xây dựng chính sách thuế đánh vào hành vi ngoại vi hóa chi phí tiêu cực của doanh nghiệp ra xã hội, trong khi khuyến khích tiêu thụ có trách nhiệm, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Chính sách tài trợ xanh, tài chính xanh cần được triển khai có chiến lược, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nếu Việt Nam không có chiến lược thích ứng trên diện rộng, tác động của biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 400.000 người đến 1 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030 (World Bank, 2022). Việt Nam sẽ cần cải thiện các chương trình để thúc đẩy khu vực tư nhân áp dụng công nghệ sạch hơn và giảm dịch chuyển lao động để bảo vệ những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất do chi phí năng lượng tăng cao và gián đoạn việc làm trong suốt quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Mục tiêu năm 2030 của Việt Nam là giảm phát thải nhà kính từ 9% (thông qua các nguồn lực trong nước) lên tới 27% (với sự hỗ trợ quốc tế) và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng mốc năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp hóa thành công và như vậy sẽ là thách thức kép không nhỏ. Hiện lượng phát thải khí nhà kính Việt Nam chủ yếu từ lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp, cộng lại đóng góp 89% tổng lượng phát thải. Theo Viện Tài nguyên Thế giới - Công cụ Phân tích Khí hậu (WRI CAIT), năng lượng là lĩnh vực phát thải cao nhất, chiếm 66% tổng số phát thải hằng năm, nông nghiệp chiếm 23%. Như vậy, với Việt Nam, giải pháp tập trung vào chuyển đổi năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Việt Nam có thuận lợi cả 3 lĩnh vực gió, mặt trời và thủy điện.

Trong trường hợp điện hạt nhân không phải là lựa chọn do yếu tố chi phí và an ninh, thủy điện nên là nguồn cung ứng chủ lực do có nhiều tiềm năng và cho hiệu suất lớn và ổn định hơn điện gió, năng lượng mặt trời cho đến khi có những công nghệ xanh với chi phí hợp lý thay thế. Mục tiêu năm 2030 ưu tiên nhất của Việt Nam vẫn là giữ nhịp tăng trưởng cao, ổn định nhằm thoát bẫy thu nhập trung bình. Phát triển bền vững không chỉ quan tâm đến những vấn đề công lý và bình đẳng giữa các thế hệ, mà còn ngay chính trong một thế hệ, đặc biệt là với nhóm người yếu thế. Do vậy, tăng trưởng bao trùm chính là con đường quá độ sinh thái hướng tới đích đến phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như một cách khéo léo tránh được “bẫy nghèo năng lượng”.

Năng lượng sạch trở thành bài toán quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: TL.
Năng lượng sạch trở thành bài toán quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: TL.

Lộ trình sinh thái của doanh nghiệp

Tăng trưởng xanh là chìa khóa. Tăng trưởng xanh coi tăng trưởng kinh tế và tính bền vững là tương thích với nhau, trong khi triết lý “Degrowth” được xây dựng trên cơ sở phê bình tăng trưởng là không bền vững. Thế nhưng, các nước còn nghèo không thể thoát nghèo mà không có tăng trưởng kinh tế và sẽ trở nên vô trách nhiệm nếu chỉ biết yêu cầu các quốc gia còn nghèo - là để thoát nghèo thì phải giảm tăng trưởng.

Đó là lý do “Degrowth” chỉ phù hợp với tình trạng của những nước phát triển và các quốc gia còn nghèo vẫn phải tiếp tục tăng trưởng có chất lượng hơn với sự hỗ trợ có trách nhiệm của các nước giàu có. Để trở nên xanh hóa kinh doanh toàn diện, doanh nghiệp phải phấn đấu cho một giải pháp tổng thể và hiệu quả về mặt sinh thái và lộ trình để đạt được hiệu quả sinh thái là loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, thay thế phương thức sản xuất bằng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, truy xuất được nguồn gốc, tái chế và bền; dễ thay thế, sửa chữa.

Cũng tại COP27, Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình trạng doanh nghiệp tẩy xanh (greenwashing) cần phải chấm dứt nếu thế giới hy vọng đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là sắp tới đây doanh nghiệp trục lợi từ quảng cáo xanh có thể đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc và tẩy chay từ phía khách hàng khi họ trở nên thông thái và tiêu thụ có trách nhiệm hơn.

 

Không có lợi nhuận thì sẽ không có doanh nghiệp nào bền vững. Tuy nhiên, để có lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi bền vững một cách sáng suốt, tránh tự rơi vào “bẫy chi phí”. Khái niệm xanh và bền vững thường hay được dùng thay thế cho nhau nhưng chúng có những điểm khác biệt. Để được công nhận kinh doanh xanh, doanh nghiệp phải có được các chứng chỉ theo từng cấp độ, cho tới khi đạt được Net Zero và kinh tế tuần hoàn.

Không có nguồn lực dồi dào như các tập đoàn lớn đầu tư cho ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có mong muốn phát triển bền vững thì cốt yếu là ở sự chủ động cân bằng tốt các yếu tố con người, hành tinh và lợi nhuận và phải phù hợp với nguồn lực nội tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thay đổi từng bước, không nhất thiết phải tham dự ngay vào các cuộc đua chứng chỉ cần đầu tư tốn kém có thể ngoài “khả năng bền vững” kinh doanh. 

Mô hình chiến lược bền vững ESG là phiên bản nâng cấp từ quan điểm CSR truyền thống được kết hợp với triết lý 3P - People, Profit, Planet. Để phát triển bền vững một cách “bền vững”, doanh nghiệp SME nên bắt đầu từ xây dựng tầm nhìn sinh thái và quan trọng nhất là phải thực hành quản trị tốt, trong đó đặt yếu tố phát triển con người làm trọng, tốt từ trong ra ngoài. Cuối cùng và quan trọng nhất, không có minh bạch và trách nhiệm giải trình thì không thể có bền vững thực sự.  

Để chuyển đổi kinh doanh bền vững, doanh nghiệp nên đi từng bước: bắt đầu từ giảm bớt xấu (less bad) rồi đến trung hòa carbon và đích đến là phát triển kinh doanh không phát thải (Net Zero) - động lực chính cho tăng trưởng xanh hướng nền kinh tế carbon thấp, tuần hoàn và xây dựng xã hội bền vững.