Việt Nam đang ở bước ngoặt của sự phát triển và cần đến một chiến lược phát triển mới trong bối cảnh mới. Ảnh: Thiên Ân
Tầng lớp trung lưu và động lực cho tăng trưởng bền vững
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố dự báo quy mô kinh tế Việt Nam cuối 2020 sẽ vượt Singapore và Malaysia, đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan và Philippines). Trong khi đó, World Bank tính toán, năm 2018 tầng lớp trung lưu có thể chiếm khoảng 16,3% dân số Việt Nam.
Các sự kiện này lập tức dấy lên nhiều tranh luận trái chiều: người Việt có đang thực sự giàu lên với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu hay phải đối mặt những nguy cơ về bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng?
Tầng lớp trung lưu vững mạnh sẽ bảo đảm sức tiêu dùng của thị trường, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và hứa hẹn tạo ra việc làm, từ đó phát triển toàn nền kinh tế nói chung. Chẳng hạn, theo nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tầng lớp trung lưu mở rộng sẽ kéo theo tiêu dùng tăng. Với các thị trường lớn hơn, công nghệ sản xuất sẽ sinh lời nhiều hơn. Việc ứng dụng công nghệ tiếp đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, tăng trưởng và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Nghiên cứu về chiến lược phát triển thương mại và nhu cầu tiêu dùng, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu dân với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Cụ thể, nếu theo quy mô GDP đánh giá lại, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 3.000 USD, năm 2020 đạt khoảng 3.700 USD và dự báo sẽ ở mức từ 7.900 USD vào năm 2030 và trên 25.000 USD vào năm 2045.
Trong 5 năm, nhờ tốc độ tăng trưởng tốt (khoảng 6,8% trong giai đoạn 2016-2019), kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, đầu năm 2020, đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa nhiều quốc gia ra khỏi danh sách các nước có vị thế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đạt được sự tăng trưởng khích lệ nhưng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào những động lực cũ, trong khi chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều. Cùng với đó là chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vấn đề già hóa dân số. Dẫn chứng là chênh lệch giữa 20% nhóm dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất năm 2014 là 9,7 lần thì năm 2018 tăng lên 10 lần.
Như chính World Bank nhận định trong báo cáo của mình: “Mặc dù đã đạt được thành công chưa từng có, hành trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa hoàn thành”. Bởi vì, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của khu vực ASEAN và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao. Việt Nam sẽ mất khoảng 30 năm để đạt được GDP bình quân đầu người hiện nay của Hàn Quốc và 10 năm để đạt được như Trung Quốc.
“Không nên quá chú ý tới tốc độ tăng trưởng GDP, chạy theo những con số có vẻ hoành tráng bên ngoài mà quan trọng là làm thế nào tạo động lực cho nền kinh tế, tăng được mức sống của người dân”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.
Theo chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh, dự báo về sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu không chỉ dựa vào tiêu chí đơn chiều tương đối theo nhu nhập, mà cần nhìn sâu hơn về sự thay đổi đa chiều xã hội liên quan tới dân trí, nguồn gốc của giàu có, mối tương quan giữa giàu có và trình độ... Ngoài ra, dự báo cũng phải chỉ ra việc gia tăng số lượng người giàu có hơn cũng có thể kéo theo mặt bằng giá cả gia tăng (lạm phát). Và với nhiều người, một khi lạm phát có tốc độ tăng nhanh hơn mức tăng của thu nhập sẽ khiến họ nghèo đi.
Một sự phát triển thiếu “xanh” và bao trùm sẽ gia tăng tình trạng phân hóa xã hội, cùng với sự xuất hiện của một tầng lớp triệu phú sống trong những căn nhà triệu USD theo thị giá, nhưng lại vất vả kiếm tiền chợ mỗi ngày, là chưa có sự phát triển bền vững. “Đấy là chưa nói đến chất lượng tài sản, nguồn gốc hình thành nên tài sản của các triệu phú - yếu tố quyết định sự bền vững của thịnh vượng như tài sản ròng thì khác với tài sản bao gồm nợ; triệu phú do thừa kế khác với triệu phú tự thân; giàu có do bất động sản khác với công nghệ; triệu phú làm thuê khác với làm chủ... Khi số liệu chi tiết đến mức này thì mới thấy rõ bản chất của thịnh vượng bền vững hay giàu xổi, khi ấy bức tranh về tương lai mới thực sự rõ ràng”, ông Phạm Việt Anh cho biết.
Không phủ nhận là sự phát triển của tầng lớp trung lưu gắn liền với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam, dự báo ít nhất 54 triệu trong số 108 triệu người Việt Nam sẽ sinh sống tại đô thị vào năm 2035, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị như hiện nay. Nhưng vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị yếu kém với nạn kẹt xe, ô nhiễm, dịch vụ công tư... đều kém phát triển lại có thể dẫn đến xu hướng chất lượng sống ngày càng kém đi. Điều đó ảnh hưởng đa diện tới sự bền vững của thịnh vượng.
Việt Nam đang ở bước ngoặt của sự phát triển và cần đến một chiến lược phát triển mới trong bối cảnh mới. Một nước phát triển đúng nghĩa không chỉ có mức thu nhập cao, mà phải đảm bảo bao trùm các yếu tố kinh tế, văn hóa và môi trường. Chỉ khi đảm bảo được vậy mới có thể hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững.