Khẩu vị của nhà đầu tư toàn cầu đối với ESG đã lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021. Ảnh: Istockphoto.com

 
Việt Phong Thứ Bảy | 06/07/2024 07:30

Quỹ bền vững: Kẻ khóc, người cười

Trong khi các quỹ cổ phiếu bền vững bị rút ròng trong những tháng đầu năm thì các quỹ trái phiếu bền vững cho thấy điều ngược lại.

Giới đầu tư toàn cầu đã không còn mặn mà với các quỹ cổ phiếu bền vững khi rút ròng 40 tỉ USD khỏi các quỹ này từ đầu năm đến nay, năm đầu tiên chứng kiến dòng vốn chuyển sang âm, theo báo cáo của Barclays.

Dòng vốn rút ròng đánh dấu sự đảo ngược của một ngành đã thu hút hàng ngàn tỉ USD giá trị tài sản trong những năm qua, khi nhà đầu tư phấn khích trước viễn cảnh các quỹ bền vững có thể thay đổi thế giới trở nên tốt hơn trong khi tạo ra mức sinh lời bằng thậm chí cao hơn các quỹ cổ phiếu truyền thống.

Pierre-Yves Gauthier, đồng sáng lập công ty nghiên cứu độc lập AlphaValue (Pháp), đã so sánh các quỹ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) với bong bóng ngành công nghệ đã xì hơi vào năm 2000. “ESG là một dạng dotcom tương tự của 20 năm sau và giờ nó đã qua rồi”, ông nói.

Nhiều quỹ bền vững bị tác động bởi tình hình kinh doanh kém khả quan của các ngành như năng lượng sạch, trong khi các vụ bê bối như tại công ty quản lý tài sản Đức DWS cũng làm giảm hứng thú của nhà đầu tư đối với ngành này. DWS đã chấp thuận trả 19 triệu USD cho cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ trong một vụ điều tra “tẩy xanh” (green washing) sau khi bị cáo buộc đã đưa ra các tuyên bố sai lệch nghiêm trọng.

 

Tài sản tại quỹ ESG lớn nhất nước Mỹ của Tập đoàn BlackRock đã giảm phân nửa từ mức đỉnh vào cuối năm 2021 xuống còn chỉ 12,8 tỉ USD vào tháng 5/2024. Tại Mỹ, Parnassus Core Equity với 28,4 tỉ USD giá trị tài sản là “1 trong 10 quỹ thê thảm nhất về dòng vốn trong 2 năm liên tiếp”, Morning Star nhận xét trong một báo cáo vào tháng 5/2024. Sự thoái chí của nhà đầu tư đối với các quỹ cổ phiếu ESG cũng lan sang châu Âu, vốn là thành trì vững chắc của chiến lược này, với mức rút ròng 1,9 tỉ USD vào tháng 4/2024.

Khẩu vị của nhà đầu tư toàn cầu đối với ESG đã lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, chỉ trước khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, dẫn đến giá khí đốt và nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Trong khi đó, việc ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát đã gây lao đao cho nhóm công ty công nghệ tăng trưởng cao, vốn rất được ưa thích bởi các quỹ ESG hơn là nhóm công ty khí đốt và dầu mỏ.

Trong 12 tháng qua, các quỹ cổ phiếu bền vững toàn cầu chỉ tạo ra mức sinh lời 11% so với 21% của các quỹ cổ phiếu truyền thống, theo một báo cáo vào tháng 5 của JPMorgan. “Tình hình kinh doanh không được khả quan của những quỹ này trong 2 năm qua đã khiến một số nhà đầu tư chùn bước”, Hortense Bioy, Giám đốc Toàn cầu về Nghiên cứu Bền vững tại Morningstar, nhận xét.

 

Tuy nhiên, các quỹ trái phiếu bền vững lại cho thấy những điểm sáng. Trong khi việc rút vốn làm chao đảo các quỹ cổ phiếu ESG thì các quỹ trái phiếu ESG đã có 13 tháng liên tiếp (tính đến hết tháng 4/2024) chứng kiến dòng vốn chảy vào, theo Barclays. Các quỹ trái phiếu ESG đã thu về 22 tỉ USD trong năm nay. 

Giáo sư Todd Cort tại Trường Quản lý Yale nhận xét, cho dù khái niệm ESG có thể sẽ ít được nhắc tới trong tương lai thì những thách thức môi trường và xã hội vẫn luôn còn đó. “Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các rủi ro môi trường sẽ ngày càng tăng và bản thân tôi thực sự không để ý liệu chúng ta có tiếp tục gọi đó là ESG nữa hay không”, ông nói.

Mặt khác, dù tình hình kinh doanh từ đầu năm đến nay không khả quan nhưng xét giai đoạn trước đó, như trong năm 2023 mức sinh lời trung bình của các quỹ bền vững trên toàn cầu, tính cả quỹ cổ phiếu và quỹ thu nhập cố định, là 12,3%, cao hơn mức 11,5% của các quỹ truyền thống. Riêng tại châu Âu - thủ phủ của các quỹ bền vững, con số này là 14,1% so với 12,1%. Theo Morgan Stanley, các quỹ có trụ sở tại châu Âu chiếm tới 87% tổng tài sản bền vững được quản lý trên toàn cầu, trong khi chỉ 10% tại Bắc Mỹ.

Thời vàng son của các quỹ bền vững là vào nửa đầu năm 2020 khi các quỹ bền vững (cả quỹ thu nhập cố định và quỹ cổ phiếu) đạt mức sinh lời lên tới 20,5% so với 17,3% của các quỹ truyền thống. Giai đoạn 5 năm (từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2023), đầu tư 100 USD vào các quỹ bền vững mang về 135 USD so với 125 USD của các quỹ truyền thống. 

Những quỹ cổ phiếu bền vững dù chứng kiến dòng vốn rút ròng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn là con số rất khiêm tốn so với tổng giá trị tài sản được quản lý của toàn ngành (3.400 tỉ USD tại thời điểm tháng 12/2023, theo Morningstar). Ngành bền vững vẫn đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư mong tìm kiếm mức lợi nhuận ổn định và được thúc đẩy bởi niềm tin vào những nỗ lực xanh hóa thế giới từ phía chính phủ các nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. PwC dự báo đầu tư ESG sẽ tăng từ 18.400 tỉ USD năm 2021 lên đến 33.900 tỉ USD vào năm 2026.

“Trong dài hạn, những quỹ ESG được quản lý tốt sẽ cho kết quả kinh doanh tốt”, Shruti Jain, Giám đốc Chiến lược của Arihant Capital Markets Limited, tin tưởng. 

Có thể bạn quan tâm 

Nội khử bền vững, ngoại bù giả xanh

Nguồn Tổng hợp