Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch nên được kết nối với các mục tiêu bền vững
►Sau những hành động khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần gắn kết và chủ động, nội khối ASEAN đã có những kết quả đáng ghi nhận về khả năng thích ứng để phòng, chống dịch COVID-19.
Tính tới giữa tháng 10.2020, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong ASEAN hiện nay đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, GDP của các nước trong khu vực ASEAN có thể vẫn giảm 11% vào năm 2100 nếu các vấn đề biến đổi khí hậu không được giải quyết.
Ông Tim Evans – Tổng Giám đốc của ngân hàng HSBC Việt Nam. Nguồn ảnh: nld.com.vn |
Ông Tim Evans – Tổng Giám đốc của ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng “Các quốc gia thành viên ASEAN nên kết nối giữa việc lựa chọn dự án và khung đánh giá rủi ro với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của khu vực và các cam kết về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc”. Nhất là khi Quỹ ASEAN Ứng phó Đại dịch (ASEAN Pandemic Recovery Fund) trị giá 2.800 tỉ USD dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 11 tới.
“Thực hiện được điều này không chỉ sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư cần thiết để bù đắp những thiếu hụt chi tiêu của chính phủ, mà còn xây dựng khả năng phục hồi kinh tế trong tương lai chống lại các loại hình thiên tai và giúp khu vực thoát khỏi lộ trình phát triển phát thải cao”. Cụ thể, theo ông Tim Evans và các nghiên cứu của HSBC, để phát triển cơ sở hạ tầng kết nối chặt chẽ với phát triển bền vững, các tổ chức cần quan tâm 3 bước sau:
Bước thứ nhất, phát triển một ngôn ngữ chung về các dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Bước này có thể được điều chỉnh ngay hiện tại bằng cách các quốc gia thành viên ASEAN nhất trí về các định nghĩa chung cho những hoạt động và đầu tư thực tiễn được đánh giá là "xanh" hoặc "bền vững".
Cố gắng địa phương hóa các tiêu chuẩn xanh hoặc những phân loại đã được các khu vực pháp lý khác như châu Âu thực hiện. Đây là một hình thức dễ tiến hành hơn so với việc xây dựng các tiêu chuẩn riêng.
Nguồn ảnh: asean.org |
Với bước thứ hai, tích hợp môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance -ESG) như một phần của định giá và đánh giá rủi ro. Các nhà đầu tư tổ chức cần quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững có thể mang lại lợi nhuận ổn định và lâu dài. Tương tự, việc thẩm định dự án nên được kết nối với việc xây dựng các định nghĩa xanh và bền vững là hình thức mà các hoạt động này được đánh giá rủi ro.
Chúng bao gồm các rủi ro liên quan đến giai đoạn thiết kế và xây dựng của một dự án, thanh toán sau xây dựng và môi trường chính sách. Những bên tham gia dự án - bao gồm các ngân hàng, những nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và chính phủ - cần phải có một mức độ hiểu biết chung và quy trình đánh giá rủi ro ESG như thế nào.
Cả Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tuyên bố về Chính sách Bảo trợ xã hội của ADB đều là những tiêu chuẩn quốc tế được các tổ chức tài chính tham khảo phổ biến nhất hiện nay. Các chính phủ ASEAN có thể sử dụng những tiêu chuẩn này trong giai đoạn khởi đầu.
Bước thứ ba, xây dựng các giải pháp tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là hiệu quả nhất nhưng cũng cần nhiều thời gian nhất. Mặc dù các bên tham gia dự án có thể mang lại những tiêu chuẩn rủi ro ESG trong phạm vi mong muốn của nhà đầu tư, nhưng điều đó có thể không đủ hấp dẫn để khiến họ vượt qua giới hạn về lợi nhuận để hoạt động đầu tư diễn ra.
Một cách để vượt qua thách thức này là áp dụng cách tiếp cận tài chính hỗn hợp – cách thức mà ở đó những rủi ro này được khối kinh tế tư nhân và nhà nước chia sẻ. Ở hình thức tài chính hỗn hợp các nhà đầu tư được phép tham gia vào các dự án tài trợ của chính phủ, giúp giảm mức độ rủi ro của các dự án cơ sở hạ tầng bền vững.
“Việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững cho Quỹ Ứng phó Đại dịch ASEAN hoàn toàn có ý nghĩa đối với khu vực. Quỹ này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và ngân sách của chính phủ bằng cách thu hút đầu tư tư nhân giữa các ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức”, ông Tim Evans, cho biết thêm.
Mặc dù một số dự án cơ sở hạ tầng ở ASEAN đã được hưởng lợi từ việc sử dụng các công cụ này, nhưng các quốc gia vẫn cần phải nghiên cứu thêm để chuẩn hóa cách tiếp cận.