Biến đổi khí hậu là một vấn đề hết sức cấp bách và nghiêm trọng mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt. Ảnh: Đỗ Hương

 
Phạm Việt Anh Thứ Tư | 12/06/2024 14:00

Nội khử bền vững, ngoại bù giả xanh

Nội khử carbon là chìa khóa để các công ty mong muốn tạo ra tác động thực sự trong việc chống biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề hết sức cấp bách và nghiêm trọng mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp và cá nhân đang phải chịu sức ép ngày càng tăng trong việc giảm lượng khí thải carbon. Hiểu được sự khác biệt giữa “nội khử carbon” (Insetting) và “ngoại bù carbon” (Offseting) là điều cần thiết đối với những doanh nghiệp có định hướng bền vững tránh sai đường, lãng phí.

Ngoại bù carbon (bù đắp) là một phương pháp phổ biến, trong đó doanh nghiệp ngoại bù lượng khí thải của mình bằng cách đầu tư vào những dự án môi trường như trồng rừng và mua tín chỉ carbon tự nguyện. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị chỉ trích vì cho phép các doanh nghiệp bỏ qua việc thực hiện những thay đổi triệt để về hoạt động để đảm bảo tính bền vững - giảm dần khí nhà kính theo số tuyệt đối qua thời gian. Nói cách khác, đây là hành vi mua “quyền xả thải” của các doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính.

 

Ngược lại, nội khử carbon đến từ việc công ty đầu tư trực tiếp vào chuỗi cung ứng của riêng mình để giảm lượng khí thải qua việc đổi mới công nghệ nhằm gia tăng hiệu suất hoạt động trên đơn vị năng lượng, giải pháp tăng cường lưu trữ carbon và trong dài hạn, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tuần hoàn, sử dụng vật liệu bền vững. Tùy vào đặc thù ngành, một số hoạt động được đầu tư cho mục tiêu phát thải âm, tuần hoàn không rác thải như: 

• Các công ty thực phẩm và nông nghiệp đang áp dụng các biện pháp tái tạo, làm cho đất canh tác trở nên phong phú hơn, bảo vệ đa dạng sinh học và cô lập carbon.

• Các nhà sản xuất nhôm, xi măng và thép phải hướng đến phát triển các sản phẩm không chứa carbon và loại bỏ carbon khỏi không khí.

• Các công ty sản phẩm tiêu dùng phải hướng chiến lược nâng cao phúc lợi của con người và hành tinh qua sản phẩm được phân phối trên toàn chuỗi giá trị, cung ứng. 
• Các công ty khai thác tài nguyên đóng góp cho trái đất và cải thiện cuộc sống trong cộng đồng bản địa mà họ trong quá trình hoạt động để lại các ngoại tác tiêu cực.

• Các ngân hàng và tổ chức tài chính đầu tư chỉ tài trợ cho công nghệ sạch và đưa đồng vốn hiệu quả hơn tới nhóm yếu thế nhằm giúp thoát nghèo và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.

• Các công ty may mặc, trang sức và đá quý cần tách rời tăng trưởng (decoupling) khỏi việc sử dụng tài nguyên khan hiếm và không tái tạo mới là trọng yếu bền vững cốt lõi (key sustainability materiality) về mặt năng lượng và tài nguyên.

• Các công ty truyền thông, báo chí giúp công chúng tìm ra sự thật và củng cố tiến trình đa dạng dân chủ, công bằng và hội nhập.

• Giới nghiên cứu, chuyên gia chung tay góp sức cung cấp lý thuyết đúng và tư vấn chính sách có tính hữu dụng cao.

Quản lý carbon là cách tiếp cận có hệ thống để nhận định vấn đề và cơ hội, định lượng, giảm thiểu và ngoại bù cho việc phát thải khí nhà kính (GHG). Có rất nhiều chiến lược để quản lý carbon, nhưng một trong những phương pháp hiệu quả nhất là tuân thủ khuôn khổ Tránh-Giảm-Thay thế-Ngoại bù (ARRO) khá phổ biến trên thế giới mà doanh nghiệp có thể tham khảo. Khung lý thuyết này cung cấp một phương pháp có hệ thống để xác định và thực hiện các nỗ lực giảm lượng carbon, từng bước theo thứ tự ưu tiên:

1. Tránh (Avoidance): Biện pháp ưu tiên là ngăn chặn việc tạo ra khí thải ngay từ đầu. Một cách để đạt được điều này là thay đổi mô hình kinh doanh, đổi mới quy trình hoạt động của công ty như giảm thiểu sử dụng năng lượng hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững, tuần hoàn vật liệu, xây dựng chuỗi logistics khép kín (closed loop).

2. Giảm (Reduction): Nếu không thể ngăn chặn lượng khí thải thì giảm thiểu chúng đến mức tối đa có thể bằng cách thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải hoặc sử dụng các vật liệu bền vững hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiêp cần phải chuyển đổi mô hình kinh doanh như biện pháp “Avoidance” được ưu tiên.

3. Thay thế (Replacement): Giai đoạn thứ 3 liên quan đến việc thay thế công nghệ và quy trình phát thải carbon cao bằng các giải pháp thay thế phát thải carbon thấp. Ví dụ, một công ty có thể chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo hoặc từ sử dụng xe diesel sang sử dụng xe điện. Không như những doanh nghiệp có điều kiện làm đúng ngay từ đầu, doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh từ truyền thống sang bền vững sau khi bắt đầu từ giai đoạn 2 (Reduction), đến thời điểm phù hợp cần chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bền vững hơn thông qua đầu tư bền vững. 

4. Ngoại bù (Offsetting): Giai đoạn cuối cùng liên quan đến việc ngoại bù lượng phát thải còn lại bằng cách phân bổ kinh phí cho các sáng kiến giảm thiểu phát thải ở những địa điểm khác. Người ta có thể đạt được điều này bằng cách đạt được tín dụng carbon hoặc ủng hộ những sáng kiến năng lượng tái tạo.

Như thế, dù đầu tư vào các trọng yếu của doanh nghiệp tuy khác nhau nhưng đều có mục tiêu dài hạn là giảm lượng phát thải, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tác động tích cực đến hệ sinh thái, cũng như xây dựng vốn cộng đồng địa phương. Tổ chức Sáng kiến vì mục tiêu bền vững (SBTi) đang bị chỉ trích gay gắt do có chủ trương nới lỏng quy định hành vi ngoại bù carbon thuộc nhóm 3 (scope 3). Rõ ràng, ngoại bù carbon không được khuyến khích và nếu có thể, phải được hạn chế tối đa ngay cả với giai đoạn quá độ bền vững.

Trong khi đó, nội khử carbon là một cách tiếp cận tích hợp và chiến lược “nhúng” tính bền vững vào hoạt động kinh doanh, thúc đẩy cải thiện hiệu suất và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm giảm phát thải theo số tuyệt đối (absolute number) thông lượng tài nguyên và năng lượng. Việc áp dụng chiến lược này là chìa khóa để các công ty mong muốn tạo ra tác động thực sự trong việc chống lại biến đổi khí hậu.