Rác thải nhựa còn bước chân vào ngành xây dựng, tạo nên những mô hình bền vững.
Nhựa tái chế: Biến nguy cơ thành sản phẩm mới
Xu hướng xanh hóa, sử dụng nhựa tái chế để làm các sản phẩm, vật dụng gia đình, thậm chí là xây dựng nhà ở, công viên đã mở ra nhiều hy vọng mới cho môi trường.
Nhựa tái chế trong thời trang và thiết kế nội thất
Giày thể thao làm từ chai nhựa của các thương hiệu như Nike hay Adidas chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện thời trang bền vững. Thực tế, nhiều loại vật liệu mới thân thiện với môi trường đã được các hãng thời trang nghiên cứu và đưa vào sản xuất như sản xuất giày dép từ Pinatex, một loại nguyên liệu hữu cơ làm bằng lá quả thơm và cotton, thay thế cho da động vật. Ở lĩnh vực thực phẩm, nhà thiết kế Emma Sicher dùng vỏ trái cây, rau củ kết hợp với men vi sinh tạo thành màng bọc thực phẩm có thể phân hủy trong môi trường mà không cần dùng đến nylon.
Bên cạnh thời trang thì ngành công nghiệp làm đẹp và sản xuất đồ nội thất đóng vai trò đáng kể trong việc hủy hoại môi trường. Chính vì thế, bên cạnh việc khuyến khích người tiêu dùng cân nhắc khi mua sắm, nhiều thương hiệu đã có những nỗ lực thiết thực hơn. Năm 2020, nhà bán lẻ lớn nhất nhì nước Mỹ Credo Beauty đã loại bỏ dần các sản phẩm mặt nạ giấy được yêu thích ra khỏi các kệ hàng. Dự kiến đến tháng 6.2021, Credo Beauty sẽ không bán bất kỳ sản phẩm làm đẹp dùng một lần nào nữa, từ mặt nạ, khăn giấy ướt cho đến những gói mẫu thử dùng một lần, dù nhu cầu sử dụng các mặt hàng này tăng đáng kể trong giai đoạn dịch bùng phát. Bà Mia Davis, Giám đốc Trách nhiệm Môi trường và Xã hội, nói với Elle rằng: “Việc giảm thiểu bán các mặt hàng này sẽ hạn chế ít nhất hơn 1.360 tấn rác thải".
Nhiều hãng thiết kế nội thất cũng nỗ lực tìm các vật liệu mới hoặc tìm cách tái chế rác thải nhựa để tạo ra những món đồ trang trí, vật dụng trong gia đình. Chẳng hạn như dòng ghế N02 Recycle của Fritz Hansen được làm từ nhựa gia dụng tái chế. Sau khi bị hỏng, sản phẩm này vẫn có thể tái chế thêm nhiều lần nữa. Hoặc dòng ghế tựa mềm Fredericia Pato do Hee Welling và Gudmundur Ludvik thiết kế được làm từ 100% polypropylene tái chế. Các sản phẩm này đều rất đẹp, phù hợp với không gian ngôi nhà và có công năng không hề thua kém sản phẩm thông thường.
Một ví dụ khác là ScanCom, một công ty từ Đan Mạch cũng đã hiện diện tại Việt Nam. Nhiều năm qua, ScanCom đã tạo ra vô số sản phẩm làm từ nhựa tái chế mà vẫn đảm bảo tính hiện đại và tiện dụng cho ngôi nhà. Sự am hiểu của ScanCom thể hiện rõ qua việc phân loại rác thải và sản phẩm: Duraland được làm từ rác thu nhặt trên đất liền. Duraocean có rác thải thu gom từ đại dương. ScanCom còn cho thấy quyết tâm theo đuổi xu hướng bền vững trong quản lý và thu gom rác bằng cách tận dụng tối đa tái chế, sử dụng nguồn nước trong sản xuất, tận dụng ánh sáng thiên nhiên tại nhà xưởng, trả phí cho các đơn vị thu gom rác thải nhựa và tuyên truyền văn hóa Reduce - Reuse - Recycle - Rethink - Redo.
Nhà tái chế, tại sao không?
Rác thải nhựa còn bước chân vào ngành xây dựng, tạo nên những mô hình bền vững. Người Nhật dùng chúng làm gạch lát đường, còn người Hà Lan dùng rác thải trôi trên sông xây dựng hẳn một công viên.
Tại Việt Nam, từ năm 2011 Tetra Pak bắt đầu nghiên cứu tách lớp nhôm và nylon bên trong hộp sữa và tái sử dụng thành tấm lợp mái nhà. Tháng 2.2020, Tetra Pak thông báo đã hoàn thành sản phẩm tái chế mới nhất từ vỏ hộp sữa giấy là mái lợp và tủ đồ cá nhân. Mái lợp làm từ 120.000 vỏ hộp sữa (hoàn toàn 100% từ nhôm, nhựa) có nhiều ưu điểm so với các loại khác như độ bền cơ lý cao, đốt không cháy, xe chạy qua không bể vỡ, chịu được môi trường mang độ ẩm và nóng cao, độ cách nhiệt tốt vì tác dụng của nhôm có phản quang, khả năng cách âm hữu hiệu, ít bị lão hóa trong môi trường khắc nghiệt. Trong khi đó, chiếc tủ đựng đồ cá nhân (kích thước 1,200x2,175x0,525 m) có tính năng nổi bật như kháng nước, chịu nhiệt cao, chống ẩm mốc, được tái chế từ khoảng 24.000 vỏ hộp sữa, giảm 120-150 kg rác thải ra môi trường. Bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng như màng nhựa polyethylene có thể trở thành nguyên liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn, lại có khả năng giảm khí thải nhà kính vì đã giảm một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Vào tháng 11.2020, Othalo, một startup thiết kế tại Na Uy, đã giới thiệu mẫu nhà do kiến trúc sư Julien De Smedt thiết kế từ 8 tấn rác thải nhựa với nhiều cấu trúc bổ sung. Theo Othalo, với lượng rác thải nhựa khổng lồ như hiện nay, thế giới có thể xây hơn 1 tỉ ngôi nhà. Hãng dự kiến xây những ngôi nhà này vào năm 2022 sau khi hoàn thiện mô hình, thậm chí có thể xây trường học, bệnh viện và các cơ sở tị nạn.
Tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ông Phan Trọng Hoàn cũng đã dùng nhựa tái chế tạo thành ngôi nhà lắp ghép khang trang, hoàn chỉnh, thoáng mát và an toàn. Theo chia sẻ của ông Hoàn, rác thải nhựa được ông thu gom, phân loại và làm sạch theo quy trình tái chế riêng, rồi thêm vào một số chất phụ gia chống cháy, chống ẩm mốc. Các sản phẩm này đều có thể tái chế nhiều lần. Sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, ông Hoàn tiếp tục đăng ký sáng chế với vật liệu xây dựng được làm từ rác thải nhựa, rác thải công nghiệp, rác thải giày da, xỉ than tro từ các nhà máy nhiệt điện và các loại phế phẩm nông nghiệp thay vì chỉ từ nhựa trộn vỏ trấu hoặc nhựa với lõi ngô như ban đầu.
Rõ ràng, giải pháp nhà ở bền vững, giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, với vật liệu xây dựng làm từ nhựa tái chế là hoàn toàn khả thi nếu được tiếp sức và nhân rộng.