Khảo sát ESG trong ngành Dịch vụ Tài chính tiết lộ các kết quả thú vị phản ánh tính chất chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước trong ngành ngân hàng.

 
Thanh Hằng Thứ Năm | 05/01/2023 11:09

Ngành Dịch vụ Tài chính quan tâm mạnh đến ESG

Tuy quan tâm cao đến ESG, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp tài chính hiểu rõ về dữ liệu ESG.

88% doanh nghiệp trong ngành Dịch vụ Tài chính đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện cam kết ESG, cao hơn so với con số 80% doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam quan tâm. Báo cáo mới nhất của PwC cho biết động lực lớn nhất thúc đẩy họ là nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu. Tuy vậy, chỉ 27%, xấp xỉ 1/3 hiểu rõ về dữ liệu ESG cần thiết để báo cáo ra bên ngoài và đang thực hiện báo cáo ra bên ngoài.

Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, với mức thiệt hại ước tính khoảng 523 tỉ USD, tương đương 14.5% GDP đến năm 2050. Vì vậy, xây dựng nền tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Nền tài chính xanh cũng mở ra những cơ hội mới đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính các doanh nghiệp.

Ngành Dịch vụ Tài chính, nhân tố chủ đạo của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững. Do đó, việc tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược cốt lõi và hoạt động của các tổ chức tài chính là mấu chốt.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết: “Các tổ chức tài chính tại Việt Nam cần tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa mục đích và lợi nhuận, đồng thời nhận ra giá trị của việc đưa ESG vào chiến lược doanh nghiệp.” Việc này sẽ cho phép họ xây dựng nền tảng tăng trưởng bền vững, đồng thời thúc đẩy áp dụng ESG trong các ngành khác thông qua việc cung cấp tài chính bền vững.

Khảo sát ESG trong ngành Dịch vụ Tài chính tiết lộ các kết quả thú vị phản ánh tính chất chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước trong ngành ngân hàng. Phần lớn người được phỏng vấn xếp ưu tiên hàng đầu cho yếu tố Quản trị, tiếp đến là yếu tố Xã hội và Môi trường. PwC phỏng đoán việc này có thể bắt nguồn từ niềm tin của doanh nghiệp rằng quản trị tốt hơn sẽ cho phép ra quyết định hiệu quả hơn ở cả 2 khía cạnh còn lại.

Tuy gần 4/5 doanh nghiệp đã có phân công một bộ phận để khởi động sáng kiến ESG, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc đánh giá dữ liệu ESG và công bố thông tin. Để vượt qua thách thức này, PwC cho biết các tổ chức tài chính có thể cân nhắc 5 phương tiện để tăng tốc trên hành trình thực hành ESG.

Đầu tiên là hiểu rõ về ESG và thống nhất với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, đặc biệt Hội đồng Quản trị phải đi đầu trong việc định hình tầm nhìn chiến lược cho ESG. Tiếp đến, tích hợp các rủi ro ESG vào mọi giai đoạn của khung quản lý rủi ro. Kết hợp các yếu tố ESG vào các mô hình và khung xếp hạng rủi ro để đưa ra các quyết định thẩm định rủi ro tín dụng. Đầu tư vào các chương trình nâng cao kỹ năng cũng quan trọng. Và cuối cùng là xác định các nguồn dữ liệu đáng tin cậy để phản ánh chính xác các rủi ro ESG có liên quan.