Tại Việt Nam, đầu tư ESG ngày càng được giới đầu tư quan tâm.

 
Minh Đức Thứ Tư | 29/09/2021 13:30

Lực hút dòng vốn ESG

Việc tăng vốn đầu tư nước ngoài sẽ buộc các công ty tập trung nhiều hơn vào yếu tố bền vững ESG.

Để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam cần phát triển thị trường vốn và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố ESG (Môi trường - E; Xã hội - S; Quản trị công ty - G) cũng ngày càng quan trọng với Việt Nam, thị trường cận biên đang bắt đầu bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội.

Thị trường vốn theo tiêu chuẩn ESG

Wai-Shin Chan, Giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Giám đốc Toàn cầu về Nghiên cứu ESG của HSBC, cho rằng: “Các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi cao hơn từ các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải nhiều carbon, họ cần suy nghĩ lại về mô hình và chiến lược kinh doanh; đối với các ngành công nghiệp, cần có những giải pháp giảm thải carbon cải tiến hơn; đối với tất cả phân khúc của nền kinh tế, cần chuẩn bị cho tác động của biến đổi khí hậu”.

Đối với đầu tư ESG, lợi nhuận cần được hiểu theo quan điểm của các bên liên quan - chủ sở hữu công ty, nhân viên, người mua và nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng chịu tác động bởi doanh nghiệp - chứ không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán. Khái niệm này hiện phổ biến tại những thị trường phát triển.

 

Ở Mỹ, mức đầu tư ESG hiện tại là hơn 20% tổng số tài sản được quản lý chuyên nghiệp, lên tới hơn 11.000 tỉ USD. Ở châu Âu, con số này hơn 17.000 tỉ USD. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư tổ chức và nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp tìm cách sử dụng ESG chủ yếu để cạnh tranh lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro và quản trị rủi ro.

ESG cũng tạo ra một làn sóng mới ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo MSCI, 79% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đầu tư vào ESG một cách đáng kể vào năm 2020 nhằm đối phó với những bất ổn của đại dịch COVID-19 và 57% có kế hoạch đưa ESG ở mức độ lớn hơn vào phân tích và quy trình quyết định đầu tư của họ vào cuối năm 2021.

Đại dịch thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo một cuộc khảo sát của BarclayHedge, gần 60% tài sản quỹ phòng hộ được gắn với tiêu chí ESG vào năm 2019, tăng từ 42% vào năm 2018.

Với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào ESG, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ những tiêu chuẩn ESG. World Bank đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất và ước tính rằng biến đổi khí hậu sẽ làm giảm GDP lên tới 3,5% vào năm 2050. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tập trung carbon nhất tại châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên, nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.

Hiệu ứng từ các công ty niêm yết

Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam hằng năm ghi nhận các công ty trong số 1.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên Bộ Chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI). Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) vào năm 2017.

 

Việt Nam phát hành trái phiếu xanh lần đầu vào năm 2019 thông qua Nghị định 163 của Chính phủ. Điều này tạo ra các kênh huy động vốn phục vụ việc bảo vệ môi trường thay vì chỉ dựa vào nguồn tài trợ duy nhất từ ngân hàng. Năm 2020, Việt Nam nhận khoản vay xanh đầu tiên để phát triển nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy được dự báo sẽ giảm lượng khí thải vào khoảng 100.000 tấn mỗi năm.

Theo báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu năm 2017, Việt Nam cần đầu tư 605 tỉ USD cho hạ tầng trong khoảng thời gian 2015-2040, còn thiếu khoảng 102 tỉ USD. Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) dự báo thực hiện chiến lược phát triển xanh tại Việt Nam sẽ cần tới khoảng 30 tỉ USD vào năm 2030.

Tại Việt Nam, đầu tư ESG ngày càng được giới đầu tư quan tâm. Quỹ AFC Vietnam Fund cho biết sẽ bắt đầu áp dụng 8 tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp kể từ năm 2021. Các nhà quản lý quỹ giàu truyền thống như Vietnam Holdings hay Dragon Capital cũng đã sớm tham gia vào sáng kiến “Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm - PRI” của Liên Hiệp Quốc. “Hiện tại, 100% các dự án đầu tư của Dragon Capital phải được phân tích, chấm điểm theo tiêu chí ESG. Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của ESG và thúc đẩy những người có trách nhiệm phải suy nghĩ đến sự bền vững hơn là kinh tế”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dragon Capital, nhận định.

Ảnh: vietnamese.googleblog.com
Ảnh: vietnamese.googleblog.com

Với xu hướng này, để tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn hậu COVID-19, doanh nghiệp phải bắt đầu nghiêm túc thiết lập các tiêu chuẩn ESG cho toàn bộ hệ thống từ khâu sản xuất đến sản phẩm và dịch vụ. HSBC nghiên cứu báo cáo tài chính của các công ty trong danh sách VN30 Index của Việt Nam để tìm hiểu các công ty đã cải thiện như thế nào những chỉ số môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong 5 năm gần nhất. 

Không có nhiều công ty trong báo cáo đủ các chỉ số môi trường. Tuy nhiên, 43% các công ty tại Việt Nam có chính sách giảm khí CO2. Do có những quan ngại về thay đổi khí hậu, các công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm tiêu thụ năng lượng. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng trung bình đã giảm từ 185 kWh xuống 166 kWh.