Không thể bỏ qua sự trỗi dậy của phong trào “anti-ESG”. Ảnh: Quý Hòa

 
Tim Evans Thứ Năm | 06/04/2023 07:30

“Luật chơi” ESG cần tiến hóa hơn

ESG tiếp tục tạo ra ảnh hưởng trong việc hoạch định chính sách của chính phủ cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Với Việt Nam, 2022 là một năm bản lề khi Chính phủ nỗ lực thúc đẩy phổ biến các thông lệ liên quan đến ESG (environment, social, governance, nghĩa là môi trường, xã hội, quản trị) và sự quan tâm đến đầu tư bền vững của nhà đầu tư cũng tăng dần lên. 

Dịch chuyển tích cực 

Năm vừa qua chứng kiến giai đoạn Việt Nam bắt tay vào hiện thực hóa cam kết khí hậu đầy tham vọng công bố tại COP26. Sự chuyển dịch hướng tới cân bằng phát thải vào năm 2050, loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040, giảm phát thải khí nhà kính và chấm dứt nạn phát rừng vào năm 2030 đòi hỏi một kế hoạch thay đổi tầm cỡ quốc gia.

 

World Bank ước tính Việt Nam cần huy động khoảng 368 tỉ USD giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để xây dựng một nền kinh tế bền vững hướng đến cân bằng phát thải. Không chỉ vậy, Chính phủ cũng tích cực trong phát triển chính sách và quy định liên quan, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào cam kết quốc gia về ESG.

Khảo sát về mức độ sẵn sàng triển khai ESG tại các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam của PwC cho thấy, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG. Trong đó, chữ G là khía cạnh được ưu tiên nhất trong chiến lược ESG của các doanh nghiệp tại Việt Nam. ESG thường được coi là “sân chơi” của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do họ tuân thủ chính sách, chiến lược của công ty mẹ ở nước ngoài, nơi xu hướng ESG thường đi trước Việt Nam. Đây vẫn luôn là nhóm đi đầu trong phong trào ESG. 

Theo báo cáo của PwC, 57% doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã có cam kết ESG và 27% đang ở giai đoạn lên kế hoạch trong vòng 2-4 năm tiếp theo. Theo quan sát của chúng tôi thông qua quá trình trao đổi trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn, động lực chủ yếu thúc đẩy họ đề ra và thực hiện các cam kết ESG chính là tầm nhìn từ ban lãnh đạo cả ở tập đoàn mẹ lẫn ở Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu và danh tiếng cũng như sức ép từ phía người tiêu dùng.

Vài năm trở lại đây, ESG đã trở nên “quen mặt” hơn với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết. Thậm chí, ngay cả nhóm doanh nghiệp tư nhân, công ty gia đình cũng bắt đầu gia nhập sân chơi này. Theo khảo sát của PwC, 40% nhóm này đã lập kế hoạch và tự đặt ra các cam kết ESG cho mình.

Tất nhiên, hầu hết họ mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu trên hành trình ESG. Phía trước còn rất nhiều việc cần làm để kiện toàn các chương trình ESG của doanh nghiệp. Một trở ngại không nhỏ để ESG có thể phát triển ở Việt Nam là hạn chế về dữ liệu và báo cáo. Trong mắt nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả nhân viên, báo cáo ESG cho thấy những chỉ số quan trọng phản ánh tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp và tác động doanh nghiệp tạo ra cho thế giới này. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo ESG hoặc nếu có thì cũng hạn chế, do bản thân họ cũng chưa hiểu rõ các yêu cầu về dữ liệu ESG.

Có một thách thức khác cho Việt Nam là hạn chế về nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ESG. Đây là một vấn đề trọng yếu cần được giải quyết và cần ưu tiên việc đào tạo kỹ năng và trang bị kiến thức ESG cho nhân viên với công cụ và kinh nghiệm phù hợp nhằm giúp thúc đẩy sáng kiến này xuyên suốt trong toàn nền kinh tế.

 

Những tồn đọng đáng quan tâm

Đối với ESG trên thế giới, mối quan tâm lớn vẫn là những vấn đề tồn đọng trong năm 2022 vốn sẽ tiếp tục nổi cộm trong năm 2023. Các ý kiến về “tẩy xanh” đã gia tăng trong năm 2022 và sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm 2023. Các chính phủ và cơ quan quản lý thị trường tài chính sẽ giám sát chặt chẽ hơn nhà đầu tư (và cả doanh nghiệp) trong vấn đề “tẩy xanh”. 

Họ sẽ ban hành quy định và điều luật mới nhằm đảm bảo những tuyên bố liên quan ESG thật sự đáng tin cậy, người tiêu dùng được bảo vệ và niềm tin vào các thị trường tài chính được duy trì. Trong quá trình đó, những vấn đề khó mang tính nguyên tắc cần được giải quyết sẽ được chú trọng, ví dụ như đưa định nghĩa rõ ràng hơn về bền vững. 

Không thể bỏ qua sự trỗi dậy của phong trào “anti-ESG”. Những ồn ào xung quanh vấn đề này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay. Tất nhiên, phong trào này mới chủ yếu xảy ra ở Mỹ, có thể sẽ lan rộng sang các nước khác. Vì vậy, chúng ta sẽ cần quan sát diễn biến của phong trào này trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, để các sáng kiến quan trọng có cơ hội được phát triển lành mạnh, các quy định cũng cần tiến hóa để bắt kịp xu hướng.

Để thúc đẩy ESG mạnh mẽ hơn, Việt Nam cần tháo gỡ khó khăn do thiếu các quy định rõ ràng và hướng dẫn chi tiết. Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, chắc chắn vẫn còn nhiều việc có thể làm và phải làm nhằm giúp doanh nghiệp kiện toàn chiến lược ESG, ví dụ như làm rõ hơn các quy định về tài chính xanh.

Bản thân các doanh nghiệp cũng nên chủ động hơn trong lĩnh vực ESG, phấn đấu đặt ra mục tiêu cụ thể, có phương pháp đo lường và chứng nhận kết quả minh bạch. Như vậy, họ có thể tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh, đặc biệt là nguồn vốn quốc tế. Về phía những ngân hàng như HSBC, chúng tôi cũng tích cực đưa ra các giải pháp tài chính bền vững, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh.

Rõ ràng, tổ chức nào cũng có vai trò nhất định trong việc đóng góp vào sự thành công của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Nhìn chung, chúng tôi vẫn luôn giữ tâm thế lạc quan khi nhìn vào những gì Việt Nam đã và đang làm trong lĩnh vực ESG. Với sự hưởng ứng mạnh mẽ từ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ tiến những bước vững chắc trên hành trình hướng đến mục tiêu bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam sẽ có 1 triệu ha lúa tăng trưởng xanh