Một trong những cách tiếp cận ở đây là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hợp tác và liên kết với các tổ chức xã hội để tránh đầu tư lãng phí và chồng chéo. Ảnh: TL
Liên minh bền vững
Thúc đẩy sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội để cùng thực hiện các mục tiêu bền vững là hướng đi cần thiết nhằm tạo ra nguồn vốn ổn định lâu dài trong bối cảnh Việt Nam sẽ không còn nhận được nhiều ưu tiên từ các tổ chức quốc tế.
Chia sẻ trong buổi tham vấn dự án Win - Win for Vietnam (WWV) do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức vào ngày 10.12.2020, ông Matthieu Penot, Tham tán thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là nước đang phát triển nên tận dụng được nhiều viện trợ từ quốc tế để hỗ trợ các hoạt động bền vững quốc gia. Nhưng với sự phát triển thần kỳ trong thời gian qua, Việt Nam sẽ sớm rời khỏi nhóm nước đang phát triển, đồng nghĩa với nhiều ưu đãi hiện tại sẽ không còn”.
Người Việt đang giàu lên rất nhanh. Tính đến tháng 5.2020, Việt Nam có 458 người với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên tăng 7% so với năm 2019, xếp thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng người giàu trong 10 năm qua. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan về quy mô và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á, theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER).
Tuy nhiên, sự phát triển này đang tạo ra một khoảng cách kinh tế ngày càng lớn, do thiếu vắng một tầng lớp trung lưu bền vững và những doanh nghiệp cỡ vừa chiếm tỉ trọng lớn. Đến nay, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm 93,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Dù không có dịch bệnh, trên 50% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn trên bờ vực phá sản vì thiếu vốn và năng lực quản lý, theo Bộ Tài chính.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và các doanh nghiệp xã hội. Trên 70% các tổ chức xã hội ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ và không tạo ra doanh thu đủ bù đắp chi phí hoạt động trong 3 năm đầu. Nếu chỉ phụ thuộc viện trợ từ nước ngoài, hay vốn nhà nước cho các mục tiêu bền vững thì chưa đủ, Việt Nam phải huy động thêm sự đóng góp từ phía tư nhân, theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Một trong những cách tiếp cận ở đây là thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hợp tác và liên kết với các tổ chức xã hội để tránh đầu tư lãng phí và chồng chéo. Vì các doanh nghiệp nhỏ lẻ tự làm sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức hơn so với việc tận dụng mạng lưới nguồn lực, chương trình đang sẵn có của các tổ chức xã hội và các tổ chức NGO để triển khai các hoạt động Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp (CSR) và Tạo giá trị chung (CSV), ông Matthieu Penot chia sẻ thêm.
Ông Trần Nhật Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, cho rằng: “Các tổ chức xã hội Việt Nam đang thiếu nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng quan tâm đến việc đóng góp vào sự phát triển bền vững thông qua các hoạt động CSR/CSV, nhưng 2 mảnh ghép này vẫn chưa tìm thấy nhau”.
Về vấn đề trên, đại diện bộ phận phát triển bền vững từ các doanh nghiệp lớn Nestlé, Biti’s và gần 40 chuyên gia tham dự trong buổi tham vấn dự án WWV đều quy về 3 lý do khiến doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong nước chưa thể kết nối.
Ảnh: TL |
Thứ nhất, năng lực thực hiện dự án của các tổ chức xã hội ở Việt Nam còn kém, chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Bà Phan Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến y tế (CHIR), đưa dẫn chứng thực tế: “Trong 3 năm qua, CHIR lấy được tài trợ quốc tế nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa huy động được”.
Thứ 2 là mục tiêu của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội không gần với nhau. Thứ 3 là kỹ năng xây dựng chương trình gây quỹ trong nước của các tổ chức xã hội còn hạn chế. Tỉ lệ hồ sơ của các NGO Việt Nam và các tổ chức xã hội xin được tài trợ trong nước vẫn dưới 22%. Những doanh nghiệp lớn thì tự làm, còn doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng, thậm chí còn không biết bắt đầu làm CSR từ đâu.
Để góp phần giải quyết những trăn trở đó, với 600.000 euro, tổng ngân sách của dự án WWV, RED được nhận 300.000 euro, tổ chức Pro NGO! 200.000 euro và 100.000 euro phân bổ cho các quỹ đối tác nhằm triển khai những nghiên cứu, hoạt động đào tạo nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội Việt Nam. Đây được xem là bước chuyển động đầu tiên để CSR/CSV Việt Nam có thể cất cánh.