Theo phần lớn người tiêu dùng, môi trường sống và tương lai của hành tinh mới là điều có nghĩa sâu sắc. Ảnh: TL.
Làm sao để giao nhận bền vững?
Theo một nghiên cứu từ FedEx, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động trong lĩnh vực e-commerce vẫn đang đánh giá rất thấp mức độ quan trọng của tính bền vững. Nhiều nhà bán lẻ (e-tailer) tin rằng, tốc độ giao hàng và giá cả mới là 2 nhân tố chính yếu nhất với người tiêu dùng. Trong đó, 75% SMEs tham gia khảo sát khẳng định khách hàng của họ quan tâm hơn tới việc nhận được đơn hàng càng nhanh càng tốt; 73% cũng nghĩ rằng giá cả quan trọng hơn tính bền vững.
Tuy nhiên, tham gia cuộc khảo sát, người tiêu dùng lại cho thấy một câu chuyện khác.
Ưu tư môi trường sống
Theo phần lớn người tiêu dùng, môi trường sống và tương lai của hành tinh mới là điều có nghĩa sâu sắc và là mối bận tâm hàng đầu. Họ sẽ không chấp nhận thỏa hiệp mà mong muốn đạt được cùng lúc cả tốc độ giao hàng nhanh, giá cả hợp lý lẫn tính bền vững. Bằng chứng, 67% người tiêu dùng cho biết họ yêu thích việc nhận đơn hàng càng nhanh càng tốt nhưng phải đồng thời đảm bảo tính bền vững.
Đi vào từng quốc gia, yếu tố bền vững được quan tâm theo những mức độ khác nhau. Chẳng hạn, người tiêu dùng Úc có xu hướng ưu tiên tính bền vững hơn thời gian giao hàng (58%). Tại Ấn Độ, phần đông người tiêu dùng (76%) lại ưu tiên việc nhận hàng càng sớm càng tốt. Trong khi đó, 64% khách hàng Hồng Kông xem trọng tính bền vững hơn. Riêng Việt Nam đứng đầu trong khu vực AMEA khi 86% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết, sẽ nghiêng hẳn về các công ty có chính sách Môi trường-xã hội- quản trị doanh nghiệp (ESG) tốt.
Trước xu hướng lựa chọn này từ khách hàng, các doanh nghiệp SME cũng nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, lo lắng của phần lớn doanh nghiệp là chi phí liên quan đến đầu tư cho bền vững. Nhiều công ty chưa sẵn sàng cho việc dành ra khoản đầu tư cho bền vững vì chưa nhìn thấy đầu tư ESG sẽ đem lại lợi nhuận. 4/5 doanh nghiệp SME ở Việt Nam vẫn tin rằng, khách hàng của họ sẽ ưa thích được nhận đơn hàng nhanh chóng với chi phí giao vận rẻ hơn sự bền vững đối với e-commerce. Có phải như vậy mà chỉ 29% doanh nghiệp SME trong khu vực là có triển khai ESG?
Nhưng dữ liệu từ nghiên cứu của FedEx chỉ ra, 8/10 người tiêu dùng ở AMEA kỳ vọng các công ty e-commerce sẽ không ngừng theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững. Tại Việt Nam, 9/10 người tiêu dùng thể hiện mong muốn này. Thậm chí, theo báo cáo từ Bain & Company, 90% người tiêu dùng khu vực châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm cao cấp được chứng nhận là có tác động tích cực đến môi trường.
Rõ ràng, việc thiết lập chính sách ESG, đưa các chỉ tiêu vào hoạt động và truyền tải thông điệp về nó là bước cần thiết trong hành trình tiến tới kinh doanh bền vững và chiếm được lòng tin cũng như sự ưa thích từ người tiêu dùng.
Đầu tư cho ESG để góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí phát thải là việc cần thời gian, không thể ngay lập tức có lối tắt. Dù vậy, các SME hoàn toàn có thể thực hiện những bước đi nhỏ mà khi cộng hưởng lại sẽ tạo nên thay đổi lớn lao.
Làm sao để giao nhận bền vững?
Theo McKinsey, khi một doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng, chuỗi cung ứng tạo ra chi phí xã hội và môi trường lớn hơn nhiều so với chi phí cho vận hành nội bộ, đồng thời cũng chiếm hơn 80% lượng khí thải nhà kính. Việc thay đổi các tác động ngược dòng bằng cách giảm bao bì và loại bỏ nhựa sẽ mang lại hiệu quả, nhưng cũng sẽ mất thời gian.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm cả FedEx, đang tìm kiếm các giải pháp để cắt giảm carbon ra khỏi chu kỳ giao hàng. Ảnh: TL. |
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tối ưu hóa và kết nối chuỗi cung ứng hiệu quả đến người tiêu dùng cuối. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm cả FedEx, đang tìm kiếm các giải pháp để cắt giảm carbon ra khỏi chu kỳ giao hàng. Điều này đòi hỏi các công ty phải đầu tư nhiều vào đội phương tiện chạy điện giao hàng, đóng gói bền vững và sử dụng tủ khóa giao hàng nhằm cắt giảm số chuyến.
Quan trọng không kém, công nghệ mở ra cơ hội tích hợp chặt chẽ hơn các giải pháp logistics vào hệ sinh thái thương mại điện tử để cải thiện dịch vụ, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu công việc giấy tờ. Các giải pháp số với nhiều tính năng mới sẽ giúp khách hàng kiểm soát được lô hàng của mình hoặc chuyển hướng các gói hàng khi lịch trình cá nhân phía người nhận có sự thay đổi.
Tính bền vững đã không còn là một lựa chọn phụ trợ để mở rộng kinh doanh thương mại điện tử. Bền vững trở thành một phần cần thiết, không cần bàn cãi trong quá trình đưa ra quyết định. Để nắm lấy lợi thế cạnh tranh trong thời điểm hiện nay, các nhà bán lẻ online cần thỏa mãn sự mong đợi này.
Bài viết của bà Kawal Preet, Chủ tịch khu vực, FedEx Express, châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi
Có thể bạn quan tâm: