Chuyên gia cập nhật thông tin về nền kinh tế xanh tại Diễn đàn Kinh tế Xanh “Thích ứng và phát triển hậu COVID-19”. Ảnh: TTXVN.
Kinh tế xanh trong xu thế hồi phục và phát triển hậu đại dịch
Trong thời gian gần đây, các hoạt động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang dần trở nên nhộn nhịp và sôi động. Bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất - kinh doanh sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. “Diễn đàn kinh tế xanh thích ứng và phát triển hậu đại dịch” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức diễn ra vào sáng 22/4 với sự tham gia của các chuyên gia bàn thảo về nắm bắt các xu hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh để đón đầu và phục vụ yêu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn mới.
Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lối thoát sau khủng hoảng mà còn là cơ hội để họ nâng cao sức cạnh tranh, bắt kịp xu thế phát triển của thị trường trong nước và thế giới.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang đi theo xu hướng hạn chế phát thải khí CO2 , hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường. Các tổ chức tài chính, ngân hàng đẩy mạnh cam kết cung cấp nguồn vốn xanh cho các dự án sản xuất, kinh doanh mang yếu tố bền vững. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp du lịch đang tích cực truyền thông về các tour du lịch tuần hoàn, tour du lịch xanh…
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đang đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Họ chú trọng đầu tư về công nghệ, trang thiết bị để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững. Nhiều nhà máy đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… Không ít nhà bán lẻ đã ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần.
Các khách mời, chuyên gia tham gia trao đổi tại diễn đàn (ảnh: TTXVN) |
Trong vai trò của một cơ quan truyền thông báo chí, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thông qua Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 - Thích ứng và phát triển hậu đại dịch mong muốn sẽ tạo ra không gian kết nối các ý tưởng, kinh nghiệm lẫn câu chuyện sẻ chia từ cộng đồng các nhà khoa học, giới chuyên gia và doanh nhân, doanh nghiệp về xu hướng và con đường phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
Diễn đàn tập trung vào ba phiên thảo luận với các chủ đề ở từng phiên gồm:
Phiên 1: KINH TẾ XANH, CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU?
Phiên 2: SẢN XUẤT XANH, LỰA CHỌN ĐỂ THAY ĐỔI
Phiên 3: SỐNG XANH - TIÊU DÙNG XANH
Các phiên thảo luận này tập trung bàn thảo về các vấn đề như: Kinh tế xanh trong xu thế hồi phục và phát triển hậu đại dịch; làm thế nào để chuyển sang con đường tăng trưởng xanh nhưng vẫn giải quyết được bài toán vốn, chi phí đầu tư và doanh thu, lợi nhuận? Làm thế nào để nắm bắt được các xu hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, để đón đầu và phục vụ đúng yêu cầu người tiêu dùng trong giai đoạn mới?
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã có những tham luận, chia sẻ về các phương thức, cách thức và chiến lược để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững.