Sự tăng trưởng bùng nổ của A.I và các trung tâm dữ liệu có thể trở thành động lực mới cho sự mở rộng của kinh tế xanh. Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế xanh đứng thứ 2 về hiệu suất tài chính
Nếu các công ty có doanh thu từ các sản phẩm và dịch vụ giúp giảm phát thải carbon được coi là một nhóm ngành riêng biệt, họ sẽ có hiệu suất tài chính tốt thứ 2 trong tất cả các lĩnh vực cổ phiếu trong thập kỷ qua.
Chỉ có ngành công nghệ, với sự tăng trưởng vượt bậc gần đây nhờ vào những đột phá trong trí tuệ nhân tạo (A.I), vượt qua tổng lợi nhuận 198% do cái gọi là kinh tế xanh tạo ra trong 10 năm qua, theo một báo cáo từ Tập đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSEG). Trong nền kinh tế xanh, các công ty tập trung vào quản lý và hiệu quả năng lượng là những người hoạt động tốt nhất, trong khi năng lượng tái tạo, thành phần "dễ thấy nhất" của kinh tế xanh, lại là "kẻ tụt hậu rõ ràng”, theo LSEG.
Mặc dù chi phí chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng thấp carbon dự kiến vượt quá 100.000 tỉ USD, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, các nhà tài chính cho biết vốn tư nhân chỉ được triển khai nếu lợi nhuận hợp lý. Và mặc dù bùng nổ công nghệ nhờ A.I hiện là tâm điểm của các nhà đầu tư, về lâu dài, chuyển đổi xanh là một "lực lượng khổng lồ" cần được chú ý.
“Đây là cơ hội đầu tư có một không hai về cả quy mô và hiệu suất”, ông Jaakko Kooroshy, Trưởng nhóm nghiên cứu đầu tư bền vững toàn cầu tại LSEG, cho biết.
LSEG định nghĩa kinh tế xanh bằng cách đánh giá mức độ tiếp xúc doanh thu với các hoạt động kinh doanh xanh của hơn 19.000 công ty trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy hơn 4.000 công ty trong số đó tạo ra doanh thu từ các sản phẩm và dịch vụ xanh, bao gồm từ sản xuất điện tái tạo đến khai thác hoặc chế biến các khoáng sản quan trọng cần thiết cho pin và phát triển vật liệu có thể tái chế.
Với định nghĩa này, kinh tế xanh hiện có vốn hóa thị trường 7.200 tỉ USD, đồng thời ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép 14% trong thập kỷ qua. Các công ty có doanh thu xanh chiếm khoảng 8,6% thị trường cổ phiếu niêm yết toàn cầu tính đến tháng 4.
LSEG sử dụng Chỉ số Cơ hội Môi trường Toàn bộ FTSE Russell, một chuẩn mực chọn các công ty có hơn 20% doanh thu xanh và có Microsoft, TSMC và Tesla trong số các cổ phiếu hàng đầu, làm đại diện cho lĩnh vực này. Chỉ số này đã vượt qua chuẩn FTSE Global All Cap 82% kể từ năm 2008, và năm ngoái tăng 32%, cao hơn 10 điểm phần trăm so với All Cap.
“Đóng góp lớn nhất cho sự vượt trội của lĩnh vực xanh là quản lý và hiệu quả năng lượng, với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép 17% trong 5 năm qua. Thiết bị công nghệ thông tin hiệu quả và điện tử hiện đã vượt qua các vật liệu xây dựng xanh trở thành một trong những động lực hàng đầu cho tăng trưởng”, theo bà Lily Dai, Trưởng nhóm nghiên cứu đầu tư bền vững tại LSEG, cho biết.
Thực tế, sự tăng trưởng bùng nổ của A.I và các trung tâm dữ liệu có thể trở thành động lực mới cho sự mở rộng của kinh tế xanh. Không chỉ cần các chip, máy chủ và hệ thống làm mát hiệu quả năng lượng hơn để thúc đẩy sự phát triển của A.I, mà các công ty công nghệ lớn ngày càng quan tâm đến tác động môi trường của công nghệ này và tìm cách sử dụng nhiều năng lượng sạch hơn.
Mặc dù có lý do để lạc quan về sự tăng trưởng doanh thu của các hoạt động xanh, LSEG cũng lưu ý rằng có một số “cơn gió ngược” có thể làm giảm triển vọng. Nổi bật nhất trong số đó là tình trạng dư thừa công suất trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời và các rào cản thương mại liên quan đến thiết bị năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện.
“Chủ nghĩa bảo hộ là con dao 2 lưỡi đối với kinh tế xanh. Một mặt, Đạo luật Giảm Lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải phóng lượng lớn nhu cầu và trợ cấp, là chất xúc tác cho kinh tế xanh. Mặt khác, việc bổ sung ngày càng nhiều ma sát trong thương mại sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chuỗi cung ứng và có khả năng làm chậm quá trình triển khai các công nghệ thấp carbon quan trọng”, ông Kooroshy nói.
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc và sự phát triển của nền kinh tế "tóc bạc"
Nguồn Bloomberg