Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Sanofi Việt Nam.

 
Hoàng Lan Thứ Ba | 24/05/2022 07:30

Kinh tế tuần hoàn từ phế phẩm vỏ trấu

Nhiều hành động đến từ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với nhiều sản phẩm giá trị cao từ vỏ trấu.

Sanofi Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng đến năm 2030, nhà máy sẽ đạt mức trung hòa carbon trong hoạt động sản xuất. Vì thế, công ty đến từ Pháp này khởi động một dự án ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là năng lượng sinh khối từ trấu. Tính khả thi và độc đáo của dự án này đã thuyết phục được Tập đoàn Sanofi tài trợ 1,2 triệu EUR.

Ông Emin Turan, Tổng Giám đốc và Giám đốc Điều hành Ngành hàng Thuốc tổng quát, Sanofi Đông Dương, cho biết: “Biến đổi khí hậu là thử thách lớn cho thế giới cũng như Việt Nam. Thông qua dự án, nhà máy Sanofi Việt Nam sẽ thay thế lò hơi đốt dầu diesel bằng lò hơi đốt sinh khối trấu. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm 2.000-3.000 tấn carbon mỗi năm, giảm 40% chi phí hơi nước và đặc biệt sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng sinh khối trấu trong sản xuất. Chúng tôi coi đây là mục tiêu phải đạt được và thúc đẩy ngành năng lượng sinh khối cho Việt Nam”. 

 

Dự án chuyển đổi năng lượng của Sanofi là ví dụ cho thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp cho mô hình tăng trưởng bền vững tại Việt Nam theo mục tiêu chung. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thuộc nhóm các nền kinh tế phát thải nhiều carbon nhất ở châu Á, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải carbon của toàn bộ nền kinh tế và đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26).

Những cam kết tại COP26 cho thấy sự cấp thiết trong việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch, carbon thấp. Nhờ đóng vai trò kép trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, năng lượng sinh khối được đánh giá là nguồn năng lượng tương lai nếu được phát triển một cách bền vững. 

Số liệu từ Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho thấy Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối. Tính toán đến năm 2035, tổng tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu, gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp, bã mía, rơm rạ, khí sinh học là hơn 9.600 MW. Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng sinh khối trong sản xuất điện lên 1% vào năm 2020, 2,1% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Với ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng 14,68% GDP và 39,35% tổng dân số tham gia vào lực lượng lao động trong năm 2018, Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất năng lượng sinh học, năng lượng sinh khối. Nhiều năm qua, thị trường năng lượng sinh khối sản xuất từ trấu, rơm rạ, bã mía, hay phụ phẩm gỗ... đã khá phát triển tại Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam xuất khẩu viên nén trấu, mùn cưa... sang thị trường Nhật, Hàn Quốc và châu Âu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ liên tục tăng nhanh, từ 14 triệu tấn năm 2017 lên con số 36 triệu tấn vào năm 2030. Theo đó, cần có chiến lược đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế lớn trong tương lai gần, qua đó gia tăng giá trị cho sản xuất nông lâm nghiệp.

Bà Trần Vũ Diễm Hằng, Cố vấn Năng lượng dự án GIZ/BEM, nhận định dù có rất nhiều tiềm năng nhưng loại hình năng lượng này cũng vấp phải nhiều rào cản, từ sự thiếu ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu... đến các cơ chế khuyến khích điện sinh học chưa đủ hấp dẫn. Số nhà máy và tỉ lệ tham gia của điện sinh khối vào hệ thống điện là rất thấp.

Theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất lắp đặt các nhà máy điện sinh khối đến hết năm 2021 là 325 MW, chiếm tỉ lệ 0,42% tổng công suất lắp đặt. Sản lượng điện năm 2021 của loại hình này đạt 321 triệu KWh, chiếm 0,13% sản lượng toàn hệ thống.

 

Việc các doanh nghiệp như Sanofi mạnh dạn chuyển đổi sử dụng năng lượng sinh khối mở ra một hướng đi mới trong việc thúc đẩy thị trường năng lượng này với góc nhìn từ vai trò của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp tự chủ chuyển đổi và tạo ra một thị trường đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, mô hình này hướng đến nền kinh tế tuần hoàn với tác động tới kinh tế theo chuỗi giá trị khi tro trấu được tách và chuyển thành Silica cao cấp và được Sanofi Việt Nam mua lại thay vì nhập khẩu từ châu Âu như hiện nay. Ngoài ra, đã có nhiều sản phẩm ứng dụng trấu cho sản xuất thực phẩm, dược phẩm... có thể mang lại giá trị cao cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. 

“Thử nghiệm của Sanofi trong dự án này nếu thành công sẽ là kết quả đầu vào quan trọng về công nghệ, số liệu khảo nghiệm, thử nghiệm  để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho năng lượng sinh khối tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết.