Ảnh: Jakub Hałun.

 
Phạm Việt Anh Thứ Ba | 28/05/2024 14:00

Kênh đào Phù Nam: Góc nhìn từ phát triển bền vững

Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia cần phải có báo cáo tác động môi trường độc lập từ tổ chức quốc tế và phải được chia sẻ công khai.

Phải nhìn nhận rằng Campuchia đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự án này, cùng với sự hậu thuẫn về tài chính và kỹ thuật của Trung Quốc. Vì lẽ đó, các phản biện giàu tính khoa học cũng như đề xuất quan trọng của cộng đồng chuyên gia là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam. Ảnh hưởng của kênh đào này là vô cùng lớn, không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn chính trị, khoa học và giàu tính liên ngành. Bài viết này chỉ bổ sung góc nhìn nhằm gợi ý phương pháp giải quyết một vấn đề phức tạp, nhạy cảm. 

Có thể thấy, Việt Nam đề nghị phối hợp chia sẻ thông tin về dự án Phù Nam Techo là phù hợp với tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995. Dù vậy, Việt Nam có thể yêu cầu nhiều hơn tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995 - Hiệp định ASEAN năm 1985 về bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Hiệp định ASEAN 1985 về bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên là thỏa thuận chính thức đầu tiên về phát triển bền vững vào năm 1985 có trước Ủy ban Brundtland của Liên Hiệp Quốc về Báo cáo Phát triển Bền vững 2 năm. 

 

Sự xuất hiện của khái niệm “phát triển bền vững” trong các hiệp định quốc tế, như Hiệp định ASEAN 1985 (Tuyên bố chung gần nhất năm 2012), minh họa cho khía cạnh pháp lý của khái niệm “phát triển bền vững” được thể hiện trong các hiệp định quốc tế, xin trích dẫn vài điểm quan trọng:

1. Nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của thế hệ tương lai.

2. Nguyên tắc sử dụng bền vững nêu rõ tài nguyên thiên nhiên phải được khai thác một cách bền vững, thận trọng, hợp lý, khôn ngoan hoặc phù hợp.

3. Nguyên tắc sử dụng công bằng nêu bật tầm quan trọng của việc xem xét nhu cầu của các quốc gia khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự công bằng.

4. Nguyên tắc hội nhập yêu cầu lồng ghép vấn đề môi trường vào các kế hoạch, chương trình, dự án kinh tế và phát triển khác, đồng thời xem xét nhu cầu phát triển khi áp dụng các mục tiêu môi trường.

Một ví dụ về vụ khiếu kiện liên quan phát triển bền vững là dự án Gabcikovo-Nagymaros năm 1997, liên quan Hungary và Slovakia. Khái niệm phát triển bền vững, bất chấp một số tranh cãi nhất định, khẳng định phát triển bền vững là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong trường hợp cụ thể này, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) được yêu cầu đưa ra quyết định dựa trên Hiệp ước năm 1977 về việc xây dựng và vận hành đập Gabcikovo-Nagymaros. Mục đích của hệ thống đập này trên sông Danube là tạo ra điện, tăng cường khả năng đi lại của sông, ngăn lũ lụt, điều tiết việc xả nước, băng và bảo vệ môi trường.

ICJ được yêu cầu đưa ra quyết định phù hợp với các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như các hiệp ước khác mà tòa án cho là có liên quan. Phán quyết được đưa ra bởi một hội đồng gồm 15 Thẩm phán của Tòa án, do Chủ tịch Stephen M. Schwebel đứng đầu, có đoạn 140 (dự án Gabcikovo-Nagymaros [Hungary/Slovakia], 1997, ICJ), đề cập các chủ đề về tác động môi trường, mối đe dọa đối với nhân loại - cả thế hệ hiện tại và tương lai và nguyên tắc phát triển bền vững.

 

Nguyên tắc Johannesburg năm 2002 về vai trò của luật pháp và phát triển bền vững có thể là nguồn thông tin có giá trị cho các vấn đề pháp lý quốc tế thích hợp. Hơn nữa, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu là một khuôn khổ pháp lý quốc tế có tính linh hoạt cao cho sự phát triển bền vững. 

Thỏa thuận môi trường đa phương này được hầu hết các quốc gia áp dụng rộng rãi và việc phê chuẩn nó củng cố việc đưa thuật ngữ “phát triển bền vững” có ý nghĩa pháp lý toàn cầu. Trong khi việc thực thi pháp luật quốc tế có thể thiếu sức mạnh, thì các điều ước quốc tế lại rất quan trọng để giải quyết các vấn đề pháp lý và tạo thuận lợi cho ngoại giao kinh tế. Sự sụp đổ của biển Aral (thuộc Liên Xô cũ) là minh chứng cho thảm họa sinh thái lớn nhất do con người gây ra trong lịch sử. Tệ hơn cả Chernobyl, Bhopal, Minamata, Sương mù sát thủ London (1952) và tất cả những thảm họa khác của thời đại công nghiệp, sự suy tàn chưa từng có của Aral là minh chứng cho sự thiển cận và tàn bạo của con người với con người, thiên nhiên vì động cơ kinh tế ích kỷ. Hàng triệu người sống ở vùng lân cận biển đã bị tổn hại về sức khỏe và sinh kế, đồng thời thiệt hại cho khu vực sẽ tiếp tục kéo dài qua nhiều thế hệ. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), chỉ trong 30 năm (1960-1990), khoảng 70% diện tích và một nửa thể tích biển đã bị mất.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo nếu được sử dụng khai thác thủy vận thì không phải vấn đề lớn với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Campuchia sử dụng kênh lái dòng chảy để dẫn thủy nhập điền (hiện báo cáo tác động chưa công bố), thì nguy cơ không còn nhiều nước cho khu vực hạ nguồn miền Tây của Việt Nam, đặc biệt vào mùa khô, nguy cơ tạo ra khủng hoảng sinh thái và nhân đạo là rất nghiêm trọng. Do đó, vấn đề cần quan tâm là thiết kế xây dựng của các con đập và kênh đào, mà Campuchia phải có nghĩa vụ công bố.

Do liên quan phát triển bền vững và thông qua các báo cáo độc lập mà dự báo được những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường, sinh kế do kênh đào Phù Nam Techo tạo ra có tính xuyên biên giới, Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc “Thận trọng khoa học”, tức “Nguyên tắc phòng ngừa” (Precautionary Principle) khiếu kiện lên ICJ nhằm ngăn chặn thảm họa sinh thái tiềm tàng từ việc vận hành kênh đào Phù Nam Techo.

Theo nhà khoa học khí hậu danh tiếng, Giáo sư Judith Curry, khi có những bất trắc về khoa học liên quan vấn đề môi trường, nguyên tắc phòng ngừa đã trở thành yếu tố ràng buộc của luật pháp và hiệp định quốc tế và được nhiều quốc gia chấp nhận. Nguyên tắc phòng ngừa đã xuất hiện trong các công ước quốc tế về ozon, khí hậu toàn cầu và đa dạng sinh học.

Nguyên tắc phòng ngừa đã được Ủy ban Châu Âu thông qua vào năm 2002, với bối cảnh được cung cấp bởi Báo cáo Bài học muộn từ những cảnh báo sớm năm 2001 của Cơ quan Môi trường châu Âu (Late Lessons from Early Warnings Report 2001).