Từ 14 năm trước, Phúc Sinh đã chạm ngõ khái niệm phát triển bền vững, vốn được rất ít người hoạt động trong lĩnh vực nông sản biết đến lúc bấy giờ. Ảnh: TL.

 
Thanh Hằng Thứ Hai | 10/06/2024 11:14

Hành trình đến ESG của Phúc Sinh

Với ông chủ của Phúc Sinh, để phát triển bền vững cần phải đầu tư, hiển nhiên như để sống cần phải thở.

Sau khi nhận khoản đầu tư từ đối tác chiến lược châu Âu vào cuối năm 2023, Phúc Sinh chính thức bước chân lên con đường ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Cũng như lần họ bắt đầu với phát triển bền vững 14 năm về trước, hành trình theo đuổi ESG lần này xuất phát từ yêu cầu của đối tác, của thị trường. Lần nào cũng vậy, họ nghiêm túc thực hiện bằng tất cả tâm sức và nguồn lực.

Trong lúc ngành nông nghiệp trong nước, đặt biệt là ngành tiêu và cà phê, vẫn còn rất ít doanh nghiệp thực sự làm ESG, Phúc Sinh lại một lần nữa đi trước thị trường một chặng đường rất xa. Tất nhiên, chẳng có con đường nào trải hoa hồng.

Hiểu về chữ S

“Làm ESG khó hơn phát triển bền vững nhiều”, ông Phan Minh Thông, sáng lập kiêm CEO của Phúc Sinh, nói với NCĐT. Ông Thông đang đề cập đến hàng loạt tiêu chí mà Phúc Sinh cần điều chỉnh trong hàng tháng trời khi họ bắt đầu lộ trình ESG vào cuối năm 2022, khi trong quá trình đàm phán kéo dài 18 tháng với đối tác chiến lược, một đối tác rất quan tâm đến những doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững.

Trước khi làm ESG, Phúc Sinh đã làm tốt chữ E (Môi trường) và G (Quản trị). Tuy vậy, khi bắt tay vào ESG, họ mới thấy còn có chữ S (Xã hội) quan trọng nữa, vì thế đã dành nhiều nguồn lực cho việc này.

“Trước đây, chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến phần S, nhưng tập trung cho nông dân hợp tác với Phúc Sinh là chính cùng các hoạt động thiện nguyện”, ông Nguyễn Duy Tâm, Giám đốc Phát triển Bền vững và Đảm bảo Chất lượng tại Phúc Sinh, cho biết. Hằng năm những nông hộ hợp tác với Phúc Sinh đều được đào tạo về kỹ thuật và an toàn. Tập đoàn kinh doanh nông sản này cũng hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cho nông dân và khu vực cộng đồng quanh các dự án.

Khi cùng chuyên gia ESG nước ngoài đánh giá, Phúc Sinh mới nhận ra họ cần quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng đồng bào thiểu số, cách vùng nguyên liệu khoảng 7-10 km. Ngân sách hỗ trợ cộng đồng của Phúc Sinh vì thế cũng tăng gấp đôi, gấp 3 so với chỉ 1 tỉ đồng mỗi năm trước đây. Sự hào hứng của người đứng đầu Phúc Sinh khi nhận thức ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ cộng đồng đã lan truyền đến từng nhân viên trong dự án ESG. “Sau khi duyệt ngân sách, ông ấy thúc làm nhanh”, ông Tâm nói.

“Ban đầu tôi thấy lo lắng lắm, cũng không biết người dân phản hồi thế nào về Công ty, nhưng khi đi rồi thì thấy làm ESG thiết thực và ý nghĩa quá”, ông Tâm kể về hành trình ESG của Phúc Sinh. Những con người ở Phúc Sinh nhận ra rằng ngoài việc họ làm, tuân thủ, thì mọi hoạt động cũng phải không ảnh hưởng đến cộng đồng, đồng thời phải có nhiều hoạt động quan tâm đến người dân.

Những khoản đầu tư

Bắt đầu nổi lên sau đại dịch COVID-19, khái niệm ESG có xuất phát điểm là bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp của quỹ đầu tư. Vì vậy, chỉ khi quan tâm đến việc nhận vốn từ bên ngoài, Tập đoàn được định giá 320 triệu USD mới chạm vào lĩnh vực đòi hỏi thêm nhiều tính toán và chứng nhận này.

“Khoảng 4 năm sau, doanh thu chừng 600 triệu USD, Phúc Sinh sẽ niêm yết ở nước ngoài”, ông chủ Phúc Sinh tính chuyện IPO trong tương lai không xa. “Hy vọng Phúc Sinh sẽ lớn mạnh, trở thành một trong những công ty đầu đàn trong ngành hàng”, ông kỳ vọng.

Thực ra, từ 14 năm trước, Phúc Sinh đã chạm ngõ khái niệm phát triển bền vững, vốn được rất ít người hoạt động trong lĩnh vực nông sản biết đến lúc bấy giờ. Năm 2009, một đối tác Hà Lan yêu cầu sản phẩm tiêu tiệt trùng của Phúc Sinh phải có chứng nhận Rainforest Alliance (RA), tức là Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững. “Chúng tôi không có sự lựa chọn”, vị CEO Phúc Sinh hồi tưởng quyết định phải đạt được chứng nhận RA, khi đối tác khẳng định đó là điều kiện bắt buộc.

Mò mẫm làm, Phúc Sinh phát hiện ra mọi thứ không dễ dàng khi phải làm việc với hàng ngàn nông hộ trong lúc Công ty còn non trẻ. 5 tỉ đồng “bay” mất trong 2 năm. Sau khi kiên trì sửa lỗi và khắc phục vướng mắc, họ thành công trong việc chinh phục chứng nhận RA vào năm 2014, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được chứng nhận. Đến nay, danh mục chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững và chứng nhận chất lượng của Phúc Sinh lên đến hơn 20 loại.

“Nhờ phát triển bền vững mà chúng tôi vượt qua được nhiều hàng rào”, ông Thông kể đến hàng rào an toàn thực phẩm và chống phá rừng. Ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn bền vững khác, nhưng nhờ đã đi trước từ rất lâu, Phúc Sinh tự tin về khả năng hoàn thiện dễ dàng những tiêu chí khắt khe hơn khi đã xây dựng được một nền móng vững chắc.

Mới đây, “ông vua hồ tiêu” gia cố sức mạnh quản trị rủi ro bằng việc khởi động giải pháp SAP Analytics Cloud (SAC) trị giá 10 tỉ đồng vào tháng 6/2023. Tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực nông sản, Phúc Sinh tin SAC là công cụ đáng tin cậy giúp họ đánh giá toàn diện, loại bỏ rủi ro trước khi đầu tư vào những dự án kinh doanh mới trong tương lai. Bằng việc phù hợp với tiêu chuẩn của SAC về báo cáo tài chính và thông lệ kế toán, kết hợp ESG vào quy trình ra quyết định, Phúc Sinh có thể đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên góp phần vào các sáng kiến bền vững, đồng thời đạt được lợi nhuận lâu dài. 

“Những việc chúng tôi làm từ 14 năm trước trong phát triển bền vững vùng trồng, con người... thì giờ là lợi thế giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức lớn trên thế giới, điều mà các công ty không làm phát triển bền vững không thể có được”, ông Thông đúc kết. Với ông chủ của Phúc Sinh, để phát triển cần phải đầu tư, hiển nhiên như để sống cần phải thở.