Các diễn giả tham gia Toạ đàm "Điểm cân bằng Kinh tế - Môi trường". Ảnh: Tuyển Phan.
ESG là một hành trình bền vững
Những năm gần đây, phát triển bền vững là xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Xu hướng tích cực này đang được lan tỏa sâu rộng, giúp Việt Nam hướng tới nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu về môi trường cũng các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế, xã hội phát triển thịnh vượng. Theo đó, Việt Nam đã thực hiện các cam kết về Mục tiêu tại Hội nghị COP26, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, về việc giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, nhằm truyền cảm hứng đến nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ sau Hội nghị COP26, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo một khảo sát của PwC Việt Nam, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp cho biết sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Đồng nghĩa với việc số lượng công ty đã thực sự thực hiện ESG còn thấp hơn rất nhiều.
Chủ đề này đã được đề cập trong phiên thảo luận với chủ đề: “Điểm cân bằng Kinh tế - Môi trường” nằm trong khuôn khổ Chương trình Bình chọn TOP 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững tiêu biểu 2023 do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 29/6.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG Công ty quản lý quỹ VinaCapital , chia sẻ trong Toạ đàm "Điểm cân bằng Kinh tế - Môi trường". Ảnh: Tuyển Phan. |
“Số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero còn khá thấp. Nếu như những doanh nghiệp đấy hoàn toàn là doanh nghiệp Việt Nam thì quãng đường từ hiểu được tầm quan trọng của ESG cho đến khi đưa vào kế hoạch để triển khai vẫn còn khá dài”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nhận định trong phiên thảo luận cùng các chuyên gia.
Đứng từ góc độ nhà đầu tư, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG Công ty quản lý quỹ VinaCapital, cho rằng lý do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thực hành ESG được nhiều bởi còn hạn chế về mặt năng lực và kỹ thuật. Thêm vào đó, đôi khi một số doanh nghiệp cảm thấy sợ hãi khi chưa triển khai xu hướng ESG tích hợp vào chiến lược kinh doanh. Hiểu được tầm quan trọng, nhưng bị áp lực vì tốc độ của mình còn chậm đã khiến một vài doanh nghiệp rơi vào tình trạng loay hoay.
ESG là một chặng đường dài, và không ai có thể một bước mà bền vững ngay được. Để thực hiện hoá những sáng kiến ESG trong xu hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đi từng bước theo lộ trình được thiết kế trước.
Theo chia sẻ của ông Công trong phiên thảo luận, một doanh nghiệp không thể trở nên bền vững ngay trong ngày mai được, nhưng có thể làm tốt hơn mỗi ngày bằng cách triển khai những kế hoạch đơn giản trước và những sáng kiến dài hạn sẽ thực hiện một cách lâu dài hơn.
Tương tự ông Công, bà Vân đồng ý với quan điểm ESG là một hành trình dài mà không có điểm kết thúc. Các doanh nghiệp cần hoàn thiện theo thứ tự từ việc nhỏ đến việc lớn trong hành trình này. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh khi thế giới ngày càng phát triển thì những yêu cầu của ESG sẽ ngày càng cao hơn. Bên cạnh việc xây dựng lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp còn phải cập nhật những thay đổi hằng ngày của thị trường để biết vấn đề đang nhận được sự quan tâm hiện nay là gì, vấn đề nào là vấn đề quan trọng cần ưu tiên đối mặt và xử lý.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, trong phiên thảo luận "Điểm cân bằng Kinh tế - Môi trường". Ảnh: Tuyển Phan. |
Cùng chia sẻ tại Tọa đàm, ông Jason Yeo Wee Peng, Giám đốc Phòng Quản lý dự án, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, các chi phí bổ sung phát sinh từ việc theo đuổi các sáng kiến ESG có thể là tác động tức thời đến lợi nhuận của doanh nghiệp và do đó kém hấp dẫn hơn. Nếu chúng ta xem xét từ góc độ dài hạn, các công ty sẽ nhìn ra các giá trị chiến lược để bắt đầu sớm hành trình ESG của mình.
Thực hành ESG là một quá trình chuyển dịch cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ để mỗi ngày trở nên tốt hơn. Và phát triển bền vững là chặng đường dài mà các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải đi trong rất nhiều năm nữa.
Có thể bạn quan tâm:
Lễ vinh danh 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững tiêu biểu 2023