Phiên livestream bán hàng tại chợ Bến Thành. Ảnh: Quý Hòa
Động lực số & xanh
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp lao dốc thì FPT lại nổi lên thu hút nhà đầu tư nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tiểu thương livestream
Đà đi lên của FPT cho thấy dấu ấn chuyển động của kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số sau nhiều thập kỷ gắn với mô hình tăng trưởng cũ. Đó là 3 động lực tăng trưởng được ví như “cỗ xe tam mã” gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Với 3 động lực này, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất ấn tượng với sự tăng trưởng liên tục ở mức cao, sớm vượt qua mức nghèo đói để vươn lên hàng ngũ những nền kinh tế phát triển ở mức độ trung bình.
Tuy có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng có thể thấy động lực cho sự phát triển của nền kinh tế chủ yếu đến từ giá lao động rẻ, nguồn xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Vốn FDI nhiều là một lợi thế nhưng dàn trải dẫn đến kém hiệu quả, hàm lượng công nghệ và chất xám thấp.
Cú sốc của dịch bệnh và sau đó suy giảm kinh tế càng bộc lộ rõ điểm yếu này. Những lợi thế cạnh tranh của 10 năm trước đây đang dần suy yếu và kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm tốc. “Nếu chúng ta không làm gì thì đây sẽ là thập kỷ mất mát. Cứ 10 năm, tốc độ tăng trưởng chậm lại 1 điểm phần trăm”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nêu vấn đề.
“Cỗ xe tam mã” cần tìm động cơ mới để phá vỡ bế tắc và tăng tốc từ kinh tế số và kinh tế xanh. Đây là 2 xu hướng mà thế giới đang theo đuổi và Việt Nam có thể tạo ra con đường tắt khi bắt kịp những xu hướng này. “Kinh tế số không những giúp tăng được mức đầu tư, góp phần tăng tổng cầu mà còn ảnh hưởng rất sâu rộng và lâu dài đến phần tổng cung của nền kinh tế, giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng một cách bền vững”, Giáo sư - Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc Dân, cho biết.
Bước tăng trưởng nhảy vọt của các sàn thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, Fintech, game, Edutech... cho thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng suất lao động của các doanh nghiệp. Lúc này, ngay cả các tiểu thương ở chợ truyền thống hay bà con nông dân cũng đã biết đưa nông sản lên các trang thương mại điện tử hay livestream để bán hàng. Những đơn hàng trực tuyến ở ngôi chợ lâu đời như Bến Thành là một trong những lý do khiến báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company tin tưởng Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, năm thứ 2 liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.
Công nhân nói về ESG
Tuy nhiên, lực cản của động lực kinh tế số cũng hiện hữu. Đó là khi dự báo năm 2035-2037 Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nếu ngay bây giờ, người dân không được trang bị kiến thức và làm việc trong môi trường số với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì khi bước vào già hóa dân số sẽ thiếu lao động trầm trọng.
Đội ngũ lao động những thanh niên trẻ, khỏe từng mang lại sức hút của dòng vốn FDI vào Việt Nam 30 năm qua đã bước vào tuổi trung niên. Đợt sa thải lao động hàng loạt vừa rồi tại nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã khiến hàng ngàn người thất nghiệp và khó quay trở lại thị trường lao động vì tuổi tác và không đủ kỹ năng.
Tuy nhiên, trong khi cả ngành dệt may cắt giảm mạnh lao động, Tổng Công ty May 10 nhiều năm gần đây đã rốt ráo đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, giảm tiêu dùng điện, xử lý nước thải để tái sử dụng... Doanh nghiệp này đang chạy đua xanh hóa nhằm thỏa mãn yêu cầu xanh của EU, Mỹ và tới đây là những thị trường khác đang siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).
May 10 dồn lực cho các khoản đầu tư này hay nói cách khác nếu không thì họ tự đóng cánh cửa xuất khẩu của mình. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, khẳng định: “Sản xuất đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài, đơn giá xuất khẩu hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn xanh nhờ đó cũng tốt hơn, được các nhà mua hàng để mắt hơn”.
Việt Nam không còn có thể cạnh tranh bằng lao động giá rẻ, nên phải cạnh tranh bằng cách đáp ứng quy trình sản xuất mới của nhà nhập khẩu. Con đường xanh hóa không thể tránh khỏi của dệt may, da giày, đồ gỗ... cũng cho thấy cuộc chơi mới trong thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới.
Ngày càng nhiều quốc gia đã tham gia vào các “liên minh xanh” nhằm chuyển dịch sang nền kinh tế xanh thông qua các cam kết khu vực và toàn cầu. “Trước đây, các quỹ đầu tư trong đó có VinaCapital khi lựa chọn một doanh nghiệp để rót vốn thường chú trọng đến các khía cạnh liên quan đến tăng trưởng như lợi nhuận, dòng tiền, mô hình kinh doanh... Nhưng hiện tại, các quỹ còn đánh giá thêm yếu tố rủi ro về môi trường, xã hội, quản trị”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Tập đoàn VinaCapital, nhấn mạnh.
Ông Việt cho biết hiện tại rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Vì thế, những công nhân của May 10 không chỉ nắm bắt được kỹ thuật sản xuất mới, mà lúc này còn được đào tạo kiến thức về những vấn đề rất mới mẻ đối với họ như tái chế, nguyên liệu xanh... Họ đã bắt đầu nắm bắt các quy trình xử lý các sản phẩm dư thừa thành sợi tái chế, phục vụ sản xuất các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ.