Ở Malaysia cũng như nhiều thành phố châu Á khác, các kiến trúc sư đang theo đuổi những mô hình đô thị tích hợp. Ảnh: Quý Hòa
Đô thị ESG
Cảnh ngập lụt chưa từng có ở TP.HCM, Đà Lạt hay Đà Nẵng năm qua khiến nhiều người thảng thốt vì bản đồ ngập lụt đã lan rộng từ đồng bằng, ven biển lên đến vùng cao. Thủ phạm là những tòa nhà ồ ạt mọc lên trong quá trình đô thị hóa, vừa gây áp lực lên hạ tầng xã hội, vừa chặn đường thoát nước, thoát lũ...
Nhân tai 3 phần?
Có thể thấy rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua. Tỉ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện đạt khoảng 40% với hơn 860 đô thị. Khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đô thị hóa là xu thế tất yếu nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.
Lời cảnh báo này diễn ra khi quá trình đô thị hóa chịu nhiều tác động rủi ro do biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đó, những áp lực về ô nhiễm môi trường, dân số tăng nhanh gây ra tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng ở những đô thị lớn, rõ nhất là Hà Nội, TP.HCM.
Gamuda mang bài học phát triển đô thị của Malaysia vào Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa |
Trong cơn sốt phát triển theo kinh tế thị trường, cùng với những dự án chung cư, tòa nhà mọc lên là thiên nhiên bị phá hủy, đất nông nghiệp bị lấn chiếm. Bùng nổ đầu cơ nhà đất khiến những nỗi đau này thêm dai dẳng và lan rộng khắp các thành thị trên cả nước. Các thành phố Việt Nam như TP.HCM sẽ sớm trở thành một siêu đô thị trên 10 triệu dân; Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... cũng sẽ nhanh chóng biến thành các quần cư đô thị lớn trong một tương lai không xa. Thế nhưng, các bài toán đô thị vẫn chưa kịp có lời giải tương ứng.
Tại Việt Nam, số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. World Bank đánh giá quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang ở thời điểm mang tính chất bước ngoặt khi phương pháp tiếp cận phát triển đô thị hiện tại đang dần chạm đến giới hạn. Bởi vì, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và hơn 35% khu dân cư đang nằm ở các khu vực ven biển.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho rằng: “Các đô thị nên đầu tư vào kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu để giảm thiểu những thách thức mới như biến đổi khí hậu và để giảm thiểu thiệt hại của các sự kiện có tác động tiêu cực và bảo vệ thành quả phát triển”.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính kiến nghị, phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả... Trong đó, có tái thiết đô thị tại địa phương, chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới...
Lời giải từ doanh nghiệp
Báo cáo của McKinsey & Company khẳng định những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng của các doanh nghiệp bất động sản. Bởi ngành bất động sản và xây dựng là một trong những tác nhân lớn nhất đóng góp vào sự nóng lên của trái đất, chịu trách nhiệm cho 40% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.
Ông Angus Liew, Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam, cho biết khi tiếp quản khu đất cho các dự án Gamuda City và Celadon City, việc đầu tiên Gamuda Land tiến hành là nghiên cứu để tìm phương thức khả thi nhất trong việc cải tạo. Nguyên tắc mà nhà kiến tạo đô thị này xem xét và theo đuổi là bảo tồn môi trường tự nhiên của vùng đất, kế đó là nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng sinh học cho hệ sinh thái. “Một khi khu đô thị có được nền tảng nội tại vững vàng với những yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tốt, tự khắc nơi đó sẽ trở thành điểm sáng thu hút dân cư, chứa đựng triển vọng tăng trưởng lớn lao về lâu dài”, ông Angus Liew nói.
Gamuda mang bài học phát triển đô thị của Malaysia vào Việt Nam. Từ năm 2010, Chính phủ Malaysia đã quyết định đầu tư 55,59 tỉ USD để xây dựng Kuala Lumpur thành 1 trong 20 thành phố đáng để ở nhất và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Trong kế hoạch Great Kuala Lumpur, Malaysia đặc biệt quan tâm đến môi trường sống với mục tiêu thúc đẩy phát triển xanh. Hiện nay, tham quan Malaysia, du khách sẽ thấy những mảng xanh mướt kéo dài từ Kuala Lumpur tới Johor. 3 hòn đảo ở nước này đang được đề xuất trở thành đảo năng lượng xanh, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo...
Ở Malaysia cũng như nhiều thành phố châu Á khác, các kiến trúc sư đang theo đuổi những mô hình đô thị tích hợp. Chẳng hạn, với quy hoạch phù hợp, các thành phố có thể đảm bảo hầu hết tiện nghi và dịch vụ cho cư dân đều nằm trong khoảng cách 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp. Ý tưởng này được gọi là “thành phố 15 phút”. Mặc dù việc triển khai đang ở giai đoạn đầu, các thành phố ở Singapore, Quảng Châu và Thượng Hải cũng đã phác thảo kế hoạch cho các vùng ngoại ô thực hiện mô hình này.
Đô thị bền vững giúp cải thiện phúc lợi cho con người và xã hội, bảo vệ và nuôi dưỡng hệ sinh thái tự nhiên cho các thế hệ tương lai. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng bất động sản tại Việt Nam gắn liền với các giá trị ESG là xu hướng không thể đảo ngược. Do đó, ngay bây giờ, các nhà phát triển dự án cần có chiến lược kinh doanh gắn liền với giá trị dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho xã hội và môi trường. Trong dài hạn, các tòa nhà xanh có thể được xem như khoản đầu tư cho tương lai, khi nhà phát triển và điều hành bất động sản thấy được lợi ích về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chi phí nâng cấp sửa chữa.