Ở nhiều nước, người dân đã thấy những chiếc xe giao hàng xanh của UPS chạy trên đường. Đây là đội xe chạy bằng nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường.

 
Hoàng Hà Thứ Năm | 30/09/2021 08:00

Điểm hẹn của những "đồng tiền xanh"

Không hẹn mà gặp, nhiều sáng kiến sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường đồng loạt ra mắt tại Việt Nam.

HSBC Việt Nam vừa ra mắt một sản phẩm nghe rất lạ tai là  “tiền gửi xanh” dành cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, giải thích rất đơn giản: “Tiền gửi xanh của chúng tôi sẽ cho phép các khách hàng doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi có thể gián tiếp cấp vốn hỗ trợ các dự án có lợi cho môi trường, vì nguồn vốn xanh này sẽ chỉ được dùng vào các khoản đầu tư xanh”.

 

Ở một bức tranh rộng hơn, đây là một phần trong kế hoạch của Tập đoàn HSBC nhằm cung cấp từ 750-1.000 tỉ USD tài trợ và đầu tư bền vững hướng đến quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp.

Tín hiệu lạc quan ở Việt Nam là ngay khi tiền gửi xanh ra mắt đã nhận được sự ủng hỗ của 2 tập đoàn lớn khác là Unilever Việt Nam và FrieslandCampina. Bà Natalia Vega-Lacorte, Giám đốc Quản lý Ngân quỹ tại Unilever, cho biết: “Nhiều khoản tiền gửi xanh đang tập trung ở các thị trường phát triển. Xét về phạm vi hoạt động rộng khắp của Unilever, việc HSBC đưa sản phẩm này đến các thị trường mới nổi rất hữu ích với chúng tôi”.

Có thể thấy, ngoài mục tiêu giúp cho đời sống người dân sung túc hơn, các tập đoàn toàn cầu đều đang hướng tới những mục tiêu khác như khí hậu tốt hơn, thiên nhiên tốt hơn, cải thiện đa dạng sinh học, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn... 

Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành làn sóng mới trong bối cảnh toàn cầu nhận thức được sự nguy hiểm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm với môi trường. Những vấn đề nóng như dịch bệnh, thiên tai, tài nguyên cạn kiệt... lan rộng khắp nơi đòi hỏi chính phủ, doanh nghiệp có những hành động ứng phó kịp thời.

Với Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành con đường bắt buộc nếu muốn tồn tại, vượt qua giai đoạn hiện tại và để đi xa hơn trong tương lai. Bởi vì, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, nhưng hiện chỉ có 2.000 doanh nghiệp (2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam và khoảng 100.000 doanh nghiệp (15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi luôn hành động để mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến tại Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Đồng thời cũng không ngừng thúc đẩy để triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Tham gia sản phẩm ‘tiền gửi xanh’ là một bước đi khác của chúng tôi để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến các hoạt động môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Chúng tôi tin rằng, đây là khoản đầu tư đáng giá cho tương lai".

Những hành động của doanh nghiệp quốc tế cho doanh nghiệp trong nước các bài học hữu ích trong nỗ lực phát triển bền vững. Thực tiễn hoạt động trong bối cảnh COVID-19 cho thấy những doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Đây là lý do khi đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy 120 triệu euro ở Bình Dương, Tetra Pak sẽ lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời trên phần mái của nhà máy. Khoản đầu tư này là nỗ lực của Công ty trong việc hiện thực hóa tham vọng loại bỏ triệt để phát thải khí nhà kính từ toàn bộ hoạt động của Công ty vào năm 2030.

Nhà máy Nestlé tại Hưng Yên
Nhà máy Nestlé tại Hưng Yên ứng dụng "Chuyển đổi số".

Nhà máy Nestlé Bông Sen ứng dụng thành công “Chuyển đổi số” trong khâu vận hành, sản xuất để hướng tới sự bền vững hơn. Cụ thể, theo ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen, sự chuyển đổi này không chỉ tiết kiệm 1/2 lượng giấy sử dụng so với trước đây, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, mà còn giúp cắt giảm tới 60% các hoạt động không mang lại giá trị, nâng cao hiệu quả vận hành.

Cũng trên nền tảng công nghệ, Epson đang theo đuổi chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á chuyển đổi cách thức hoạt động thông qua sản phẩm và giải pháp mang lại năng suất cao và đáp ứng tính bền vững. Sản phẩm mới của Hãng là hệ thống chế tạo giấy PaperLab - sản xuất giấy tại văn phòng, cho phép các doanh nghiệp giảm tác động môi trường bằng cách tái chế giấy đã qua sử dụng.

 

Có những hoạt động đơn giản nhưng cũng mang lại hiệu quả lớn. Chẳng hạn, công ty làm đẹp L’Oréal bắt tay với nền tảng thương mại điện tử Lazada thiết lập quan hệ đối tác về đẹp bền vững trong thương mại điện tử trên toàn khu vực. Tại Việt Nam, trong chương trình, đã có hơn 85.000 kiện hàng xanh của đơn hàng về các sản phẩm chăm sóc làn da và chăm sóc sắc đẹp đã được giao đến khách hàng trên khắp 63 tỉnh, thành.

Trong lĩnh vực giao nhận, UPS dự định sẽ dần sử dụng những phương tiện giao hàng chạy bằng nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường cho đội xe của mình tại Việt Nam. Đây là đội xe chạy bằng nhiên liệu thay thế thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, hãng này đã đầu tư hơn 1 tỉ USD trong thập kỷ qua vào nhiên liệu thay thế, các phương tiện với công nghệ tiên tiến và các trạm tiếp nhiên liệu. Hành động này là cam kết của UPS tạo ra những tác động tích cực đến cuộc sống của 1 tỉ người vào năm 2040 và đạt mục tiêu làm trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với doanh nghiệp, đó là sự chung tay vì mục tiêu chung, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và chiến lược phát triển bền vững hơn của cộng đồng doanh giới. “Việt Nam là một quốc gia có năng lực cạnh tranh cao trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nên việc giới thiệu các công nghệ mang tính bền vững là yếu tố quan trọng giúp thay đổi cuộc chơi”, ông Tsukasa Tsumura, Tổng Giám đốc Epson Việt Nam, cho biết.