Ảnh: alfen.com

 
Văn Quốc Thứ Năm | 12/11/2020 14:00

Đầu tư mạo hiểm xanh đã trở lại

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các dự án xanh đã nhộn nhịp trở lại sau nhiều năm ngủ đông.

“Tiến hóa” của của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm xanh

“Ở một mức độ nào đó, chúng tôi đang xua đuổi nhà đầu tư”, Mateo Jaramillo, đồng sáng lập Form Energy, thừa nhận. Bởi startup này đang nỗ lực giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất của năng lượng tái tạo. Năng lượng gió và mặt trời là nguồn cung không liên tục nên các công ty tiện ích xanh phải trữ năng lượng dư thừa và xả nó khi không có nắng hoặc gió.

Pin lithium-ion loại lớn có thể xả năng lượng lên tới 4 tiếng đồng hồ, nhưng Form Energy, thành lập năm 2017, muốn kéo dài đến nhiều ngày bằng một công nghệ pin hoàn toàn khác và chưa được tiết lộ. Hồi tháng 5, Form Energy tuyên bố một dự án thử nghiệm với Great River Energy, một công ty tiện ích của Mỹ. Nhưng ông Jaramillo cho biết dự kiến đến năm 2025 dự án mới có thể triển khai rộng rãi.

Thời gian chờ đợi quá dài, trong khi công nghệ chưa kiểm chứng là những lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư mạo hiểm bất an. Hầu hết đều muốn thu lãi trong 5-7 năm. Nhưng các nhà đầu tư vào Form Energy lại có sự kiên nhẫn hơn hẳn như quỹ Breakthrough Energy Ventures (BEV) của tỉ phú Bill Gates, Eni Next (chi nhánh đầu tư mạo hiểm của tập đoàn dầu mỏ Ý Eni Group) và The Engine (một quỹ được điều hành bởi Viện Công nghệ Massachusetts).

 

Điều này phản ánh sự “tiến hóa” của của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm xanh, đang sục sôi trở lại sau nhiều năm ngủ đông. Năm 2019, các nhà đầu tư đã rót 360 tỉ USD vào những công nghệ liên quan đến khí hậu so với chỉ 17 tỉ USD năm 2015, theo Cleantech Group. Trong đó, phân nửa chảy vào các startup Bắc Mỹ. Làn sóng đầu tư mạo hiểm sẽ thúc đẩy cải tiến ở khắp các lĩnh vực liên quan đến khí hậu, không chỉ năng lượng và vận tải. “Khi nghĩ về quá trình khử carbon, chúng ta phải nhớ rằng đây là toàn bộ nền kinh tế công nghệ”, Bill Gates nói.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán 25% mức giảm khí thải cần đạt được để đưa khí hậu trái đất trở nên bền vững vào năm 2070 là đến từ các công nghệ trưởng thành như thủy điện; 41% đến từ các công nghệ tương đối mới; công nghệ ở giai đoạn demo hoặc nguyên mẫu (như các con tàu hoặc máy bay chạy bằng pin) mỗi phía chiếm 17%. Đây là cơ hội khổng lồ cho các nhà đầu tư miễn họ kiên nhẫn chờ đợi.

Đầu tư mạo hiểm xanh có một quá khứ chật vật. Cuối thập niên 2000 đã chứng kiến cơn sốt đầu tư mạo hiểm xanh, rồi bong bóng đã xì hơi tại Mỹ và châu Âu. Thời điểm đó, dòng vốn chảy vào những công ty sản xuất sản phẩm vật chất, chủ yếu là tấm pin năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học, vốn mất rất nhiều thời gian, tiền bạc mới tạo ra doanh thu. Kết quả là nhiều công ty đã vỡ nợ. Những nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các công ty này đã lỗ hơn phân nửa trong tổng số 25 tỉ USD đã chi. Vốn bị khô kiệt ngay sau đó.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu xanh

Hiện dòng vốn đầu tư mạo hiểm xanh đang trở lại và lần này tìm đến công nghệ sạch với các lĩnh vực đa dạng hơn. Khoảng phân nửa (xét về giá trị) được rót vào ngành vận tải carbon thấp, lấy cảm hứng từ thành công của hãng xe điện Tesla. Năm 2004, Elon Musk mua 14% cổ phần Tesla với giá 6,5 triệu USD. Nay riêng cổ phần của Musk trị giá 72 tỉ USD.

Không chỉ ngành vận tải, mảng công nghệ nông nghiệp cũng nhận được sự quan tâm như Impossible Foods (nhà máy protein dựa trên cây trồng trị giá 4 tỉ USD), Beyond Meat (đối thủ niêm yết của Beyond Meat hiện trị giá 10 tỉ USD). Form Energy và các nhà phát triển công nghệ lưu trữ lưới điện lớn cũng trong tầm ngắm. Một mảng khác được dòng vốn đầu tư mạo hiểm xanh để mắt là phần mềm về công nghệ sạch.

 

Điều đáng chú ý là các nhà đầu tư mạo hiểm cũng tăng cường bắt tay với chính phủ, doanh nghiệp, các tỉ phú có ý thức môi trường và công ty đầu tư tư nhân để thúc đẩy công nghệ sạch. Năm ngoái, chi phí R&D của chính phủ vào năng lượng xanh trên thế giới đã tăng năm thứ 3 liên tiếp đạt kỷ lục 25,4 tỉ USD, theo IEA.

Về phía doanh nghiệp, họ cũng đang tìm kiếm các công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình khử carbon hoặc cắt giảm chi phí năng lượng. Theo Cleantech Group, các công ty lớn đang tham gia vào khoảng 25% thương vụ, tăng từ mức 16% của năm 2010. Họ cấp vốn trực tiếp hoặc đầu tư thông qua các chi nhánh đầu tư mạo hiểm của mình.

Ví dụ, các tập đoàn dầu mỏ trong đó có ExxonMobil đã lập một quỹ đầu tư sạch. Energy Impact Partners cũng đang thành lập một quỹ đại diện cho hàng chục công ty tiện ích. Năm nay, các công ty phi năng lượng đã công bố 5 tỉ USD đầu tư mạo hiểm vào công nghệ liên quan đến khí hậu. Amazon, chẳng hạn, đã cấp vốn cho 5 công ty, trong đó có startup xe tải điện Rivian và công ty tái chế pin Redword Materials.

Những cá nhân giàu có, các công ty quản lý tài sản gia đình cũng đóng vai trò như chất xúc tác thúc đẩy công nghệ sạch. Các công ty quản lý tài sản gia đình tham gia khoảng 8-10% thương vụ, tăng từ 4% năm 2010. Quỹ BEV 1 tỉ USD của Bill Gates, ra mắt năm 2015, chỉ đầu tư vào các startup có khả năng cắt giảm ít nhất 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Quỹ của Gates có khoảng 20 nhà tài phiệt góp vốn như Jeff Bezos, Jack Ma, Mukesh Ambani, đang hỗ trợ vốn cho 40 doanh nghiệp và sẽ kéo dài trong 20 năm.

Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu xanh cũng khiến các nhà đầu tư mạo hiểm thêm quyết tâm. Trong năm qua, chỉ số năng lượng sạch S&P Global Clean Energy, theo dõi khoảng 30 doanh nghiệp, đã qua mặt chỉ số S&P 500. Liqian Ma, thuộc Cambridge Associates, lưu ý giai đoạn 2004-2018 các khoản đầu tư mạo hiểm xanh trên khắp thế giới đã tạo ra mức sinh lời 20%. Con số này gấp đôi các công ty đầu tư mạo hiểm tiêu biểu và là một sự cải thiện so với giữa thập niên 2000 khi một công ty đầu tư mạo hiểm xanh tính trung bình đã thua lỗ.

Ảnh:  spectrum.ieee.org
Ảnh: spectrum.ieee.org

Varun Sivaram thuộc Đại học Columbia nhận xét, quá trình khử carbon sâu sẽ đồng nghĩa với sự thay đổi các ngành công nghiệp nặng. Điều đó, theo Mike Perry, Giám đốc Công nghệ của Vionx Energy, sẽ cần đến sự góp mặt của các nhà đầu tư mạnh về tài chính. Vionx Energy chuyên sản xuất pin dòng oxy hóa khử và đã gặp khó khăn gọi vốn để xây nhà máy thứ 4. “Nơi đây không dành cho các nhà đầu tư yếu tim”, Perry nói.

Một phần vấn đề, theo Gates, là thiếu vắng nhu cầu cải tiến. Điều này có thể thấy rõ ở các sản phẩm thải khí cao như xi măng (chiếm khoảng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu) và thép (từ 7-9%). Không như phần mềm, vốn rất dễ tạo sự khác biệt so với đối thủ, “thép xanh không có tốt hơn so với thép thông thường. Vì thế, không có thị trường cho cải tiến ban đầu”, Gates nhận xét.

Tuy nhiên, chính phủ có thể đẩy mạnh các sản phẩm xanh như cách Mỹ giao sứ mệnh sản xuất máy tính cho Thung lũng Silicon. Ở khu vực tư nhân, Gates đang có kế hoạch lập một quỹ mà sử dụng các phiên đấu giá để mua công nghệ sạch với giá thấp nhất. Ông cho rằng điều này sẽ kích thích nhu cầu và giảm chi phí. Với những ý tưởng như vậy, cơn sốt mới nhất trong ngành đầu tư mạo hiểm xanh có thể giúp bảo vệ được hành tinh mà tránh được nguy cơ xì hơi lần nữa

(Theo The Economist.com)