Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị “Lãnh đạo kiến tạo tương lai".

 
Mộng Nhi Thứ Sáu | 07/06/2024 18:23

Đâu là chiến lược ESG phù hợp cho doanh nghiệp?

Doanh nghiệp cần lên kế hoạch và chiến lược ESG để tạo ra giá trị hoàn lại thay vì đẩy bản thân vào thế nan giải về tài chính.

Không chỉ là một xu hướng, ESG còn là giá trị cốt lõi, giữ vị thế then chốt trong việc xác định tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tại diễn đàn lãnh đạo 2024 với chủ đề “Lãnh đạo kiến tạo tương lai” do Hội Nữ Doanh Nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức, lãnh đạo của các doanh nghiệp, ngân hàng cũng như quỹ đầu tư đều đồng tình, để doanh nghiệp phát triển và đi đường dài, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất. Câu chuyện tiếp theo là doanh nghiệp sẽ chọn làm gì, phát triển như thế nào để phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng phát triển bền vững đối với doanh nghiệp là một khoản đầu tư, không phải chi phí. Tuy nhiên, nỗi khó của các nhà đầu tư là không phải khoản đầu tư nào cũng tạo ra giá trị hoàn vốn trong ngắn hạn. Đối với phát triển bền vững, giá trị hoàn lại có thể kéo dài theo chu kỳ hàng năm, tạo nên một bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp. “Phát triển bền vững là con đường đẹp và tốt đối với doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, để giải bài toán cơm áo gạo tiền, phát triển bền vững là con đường tốn chi phí và tạo ra gánh nặng tài chính. Doanh nghiệp phải có tính toán, chiến lược có thể tạo ra giá trị hoàn lại, có giá trị hoàn lại mới là phát triển bền vững”, ông Thông nói.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập Do Ventures, cho rằng để phát triển bền vững trở thành con đường bắt buộc chứ không còn là lựa chọn, tại bất cứ quốc gia nào, sự chuyển đổi sẽ được thúc đẩy nhanh khi các quy định được đưa ra ở khu vực công. Trong khi đó, khu vực tư nhân phải có bước chuyển biến ngay từ trong nội tại.

Để thu hút đầy đủ nguồn vốn xanh và thúc đẩy hiệu quả các dự án xanh, cần có các chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhiều dự án trọng điểm, bao gồm phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp và dịch vụ, lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng đang cần nguồn tài chính để triển khai và phát triển, góp phần vào đà tăng trưởng của Việt Nam. Theo bà Vy, những tiêu chí của các Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện Việt Nam chưa có nhiều quy định, nhưng bà Vy cho rằng dần dần sẽ hình thành nên nhiều quy định và tiêu chí về phát triển bền vững trong nước.

Bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s, nhấn mạnh để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và quốc gia, yếu tố then chốt nằm ở vai trò lãnh đạo và khả năng chuyển đổi các giá trị thành những hoạt động thực tiễn một cách có chiến lược. “Việc xây dựng một chiến lược ESG hiệu quả không chỉ đơn giản là đặt ra mục tiêu. Để đạt được thành công lâu dài, chiến lược này cần được xây dựng dựa trên nền tảng giá trị lãnh đạo của tổ chức và được triển khai trên toàn bộ các cấp trong doanh nghiệp”, bà Quyên nói.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ, tùy vào quy mô và đặc thù ngành nghề, mỗi doanh nghiệp sẽ có những ưu tiên khác nhau trong ba trụ cột Environment (môi trường), Social (xã hội) hay Governance (quản trị doanh nghiệp). Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đều đặc biệt chú trọng việc đầu tư con người và thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi. Theo ý kiến của các chủ doanh nghiệp, đầu tư vào nguồn nhân lực là chìa khóa để củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng trước thách thức.