Bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành ASIF Foundation.
CSR, ESG hay CSV?
Phát triển bền vững là chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm gần đây, đặc biệt sau COVID-19. NCĐT đã trao đổi với bà Lâm Ngọc Thảo, chuyên gia tư vấn độc lập về phát triển kiêm Giám đốc Điều hành Australasia Social Impact Foundation (ASIF Foundation), người có 16 năm trong ngành, xung quanh vấn đề này.
Bên cạnh CSR và ESG, khi nói đến phát triển bền vững còn có một thuật ngữ là CSV. Vậy phân biệt các khái niệm này như thế nào?
CSV, CSR hay ESG đều là những khái niệm chỉ một doanh nghiệp ngoài việc tạo ra lợi nhuận, còn tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội như thế nào. Phát triển bền vững là khái niệm bao trùm, tổng quát nhất trong tất cả các khái niệm hiện nay. Để đạt được phát triển bền vững, cần thỏa mãn 3 yếu tố về lợi nhuận, môi trường và xã hội (mô hình 3P gồm People - con người, Planet - Hành tinh/dịch vụ, Profit - lợi nhuận). CSR, CSV, ESG là những góc nhìn khác nhau về phát triển bền vững, là cách tiếp cận hoặc công cụ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
So với CSR, CSV có đặc điểm gì nổi bật, thưa bà?
Mọi người nói CSV là phiên bản nâng cấp của CSR. CSR có chữ “trách nhiệm” (responsibility), như vậy điều quan trọng trong khái niệm này là trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận, doanh nghiệp cần có trách nhiệm với xã hội, bao gồm làm việc thiện nguyện, hay bất cứ việc gì có thể tạo ra tác động cho xã hội, cho cộng đồng nơi doanh nghiệp đang tồn tại.
Nhưng dần dần, người ta thấy khái niệm CSR xuất hiện những nhược điểm. Khi nói đến trách nhiệm, bỗng họ thấy phát sinh chi phí, một khoản tổn thất phải chi ra vì họ có trách nhiệm phải làm việc gì đó. Thứ 2, CSR trở thành việc nằm ngoài chiến lược kinh doanh, do đó cam kết rất yếu và không được ưu tiên.
Tuy cách làm cũng có thể tương tự, nhưng khi CSV xuất hiện vào năm 2011, người ta coi đó là phiên bản nâng cấp. Việc này có nghĩa là trong một xã hội có nhiều chủ thể, người ta cho rằng mỗi chủ thể như vậy được thừa hưởng, tận hưởng những giá trị chung, kiểu như “khi tôi làm việc tốt cho cộng đồng, chính doanh nghiệp của tôi cũng được thừa hưởng từ giá trị chung đó”, một khái niệm win-win, các bên đều thắng.
Ví dụ, một doanh nghiệp làm về nông nghiệp sạch có những chương trình cho vay tín dụng vi mô cho nông dân, giúp nâng cao kinh tế của nông dân trong chuỗi cung ứng. Như vậy, đời sống của nông dân tốt hơn, việc này đâu đó cũng đóng góp vào nông sản của công ty này mua lại từ họ cũng sẽ có chất lượng tốt hơn. Bằng cách làm đó, họ cho rằng doanh nghiệp cũng có tận hưởng giá trị trong đó, chứ không phải là một loại trách nhiệm.
CSV nghe qua có vẻ tối ưu, ít nhất là khi đặt lên bàn cân với CSR. Nhưng vẫn có những điểm yếu. Thực chất, CSV vẫn đang xem tối đa hóa lợi nhuận là quan trọng. Khác với những khái niệm sau này đi từ doanh nghiệp có trách nhiệm lên doanh nghiệp tạo tác động, ở loại sau cân bằng giữa việc tạo tác động và lợi nhuận.
Có vẻ CSV và ESG có điểm tương đồng. Bà có nhận xét như thế nào về 2 khái niệm này?
ESG là khái niệm được ra đời từ năm 2010, được phổ biến từ năm 2020. Dưới góc độ kỹ thuật, ESG là khái niệm dùng cho các quỹ đầu tư, thực chất là một bộ tiêu chí bao gồm 3 yếu tố liên quan đến quản trị (governance), môi trường (environment) và xã hội (social). Mục đích nhà đầu tư tạo ra bộ tiêu chí là tạo cơ sở để ra quyết định đầu tư, giúp họ kiểm soát rủi ro trong việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
Dần dà, công chúng bắt đầu tiếp cận khái niệm này, họ quên luôn khái niệm ban đầu. Với họ, ESG là bất cứ thứ gì liên quan đến việc doanh nghiệp đó trở thành một doanh nghiệp hoạt động và đóng góp vào phát triển bền vững như thế nào. Theo thời gian, ESG trở thành tiêu chí chung của xã hội để đánh giá doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, với môi trường và có phát triển bền vững không.
Có vẻ ESG phổ biến vì có thang đo rõ ràng, còn CSV có thể được đo lường không?
Tất cả khái niệm liên quan đến phát triển bền vững, nhất là về môi trường và xã hội không đơn giản để đo lường. Thực ra ESG cũng không quá rõ ràng. Để các yếu tố xã hội và môi trường được đo lường một cách chính xác, trong nhiều năm qua thế giới đã đưa ra nhiều khung đo lường khác nhau để đánh giá tổ chức đó đã thành công như thế nào trong việc tạo ra tác động về môi trường và xã hội. Mỗi khái niệm như CSR, CSV đều có thể đo lường. ESG do xuất phát từ một bộ tiêu chí nên trông có vẻ cụ thể hơn, nhưng khi đi vào chi tiết không quá cụ thể như mình nghĩ. Vấn đề lớn nhất là lựa chọn khung phân tích để đo lường.
Câu hỏi mà tôi thường nhận được khi làm diễn giả về ESG là “doanh nghiệp của tôi muốn áp dụng ESG, vậy tôi có thể áp dụng khung phân tích nào?”. Có thể giới thiệu cả ngàn khung phân tích liên quan đến việc đo lường tác động về môi trường và xã hội. Nhưng cái khó là xem xét ở từng doanh nghiệp cụ thể, việc tích hợp các khái niệm vào chiến lược kinh doanh của họ như thế nào. Quá trình đo lường tác động đó luôn đi từ đề bài đặt ra là gì, nghĩa là từ việc doanh nghiệp muốn thay đổi điều gì mới đi xuống cách thức doanh nghiệp đó hoạt động để tạo ra sự thay đổi đó và đo lường ở đầu ra như thế nào.
Khung đo lường phổ biến và dễ áp dụng nhất là “Theory of change” (Lý thuyết của sự thay đổi). Việc đo lường đi từ việc bạn muốn thay đổi điều gì, cách bạn thiết kế sự thay đổi bạn muốn tạo ra ban đầu. Sau khi đi một thời gian, quay lại đo lường sự thay đổi đó.
Nếu có một doanh nghiệp nhờ tư vấn, bà sẽ giới thiệu khái niệm nào cho họ?
Mình phải lắng nghe rất nhiều vì việc họ chọn khái niệm nào, áp dụng như thế nào để đảm bảo tính lâu dài và cam kết thì mức độ tích hợp vào chiến lược kinh doanh càng sâu sắc, mức độ cam kết của họ sẽ lâu dài và cao hơn. Rất khó để nói mô hình nào tối ưu. Mình chỉ đưa ra cho họ thấy điểm mạnh, điểm yếu của từng mô hình. CSV còn có thêm điểm mạnh về truyền thông. Nếu doanh nghiệp cảm thấy muốn tạo ra tác động, đem lại giá trị truyền thông và phù hợp với những điều tôi đang làm, họ chọn CSV.
Nhưng có những doanh nghiệp đang đứng trước nhu cầu mở rộng kinh doanh và cần huy động vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có tiềm năng huy động từ những quỹ đầu tư sạch, năng lượng sạch thì họ phải quan tâm các chỉ tiêu mà nhà đầu tư đó yêu cầu là ESG.