Các công ty lớn đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc công bố lượng khí thải gián tiếp. Ảnh: SCMP.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 09/05/2024 15:25

Công nghệ ESG: Giải pháp tính toán khí thải cho SME

Không chỉ cung cấp giải pháp tính toán khí thải, công cụ của các startup còn hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu.

Các startup trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang phát triển các công cụ mới cho phép các công ty tính toán lượng khí thải carbon từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng như các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ, để đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về công bố thông tin về khí hậu.

Các công ty lớn đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc công bố lượng khí thải gián tiếp, hay còn gọi là khí thải phạm vi 3, để tuân thủ các yêu cầu báo cáo bền vững cả trong khu vực và toàn cầu.

Tại Hong Kong, các doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sẽ bắt buộc phải báo cáo về khí thải phạm vi 3 cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/1/2026. Điều này được thực hiện theo yêu cầu của sở giao dịch Hong Kong, đơn vị vừa ban hành kết luận về tư vấn tăng cường công bố thông tin liên quan đến khí hậu theo khuôn khổ ESG.

Theo ông Benjamin Soh, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Công nghệ Tài chính ESG Stacs, yêu cầu công bố thông tin về khí thải phạm vi 3 có nghĩa là các SME sẽ phải bắt đầu công bố khí thải của họ nếu muốn hợp tác kinh doanh với các tập đoàn lớn.

“Có nhiều công ty chưa bắt đầu hoặc mới bắt đầu lần đầu. Giá trị của chúng tôi là cung cấp giải pháp để tính toán khí thải dọc theo chuỗi cung ứng”, ông Soh nói.

Công ty ESG Stacs đã phát triển nền tảng ESGpedia, cung cấp dịch vụ miễn phí cho các SME để tính toán lượng khí thải trực tiếp, được gọi là phạm vi 1, và khí thải gián tiếp từ việc mua năng lượng sản xuất, được gọi là phạm vi 2, cũng như các điểm dữ liệu ESG phổ biến khác. Các tập đoàn lớn cần tổng hợp dữ liệu từ SME và các nhà cung cấp khác để báo cáo khí thải phạm vi 3 thông qua ESGpedia và sẽ phải trả một khoản phí để sử dụng dịch vụ này.

“Các điểm dữ liệu từ nhà cung cấp được đưa vào một tập dữ liệu chung, và được chuyển đổi thành một báo cáo ESG hoàn chỉnh”, ông Soh cho biết.

Thành lập năm 2019, Stacs đã có hơn 5 triệu điểm dữ liệu bền vững, hơn 700.000 chứng nhận và thông tin xác nhận về khoảng 150.000 công ty, trong đó có gần 110.000 SME trên nền tảng ESGpedia. Nền tảng này theo dõi dữ liệu bền vững của 7.700 công ty niêm yết ở 6 thị trường ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng với Hong Kong và Đài Loan.

Stacs cũng đã hợp tác với các ngân hàng để cung cấp các sản phẩm tài chính xanh. Vào tháng 11/2022, HSBC Indonesia đã sử dụng ESGpedia để tạo điều kiện cho việc phát hành khoản vay xanh cho khách sạn Citadines Berawa Beach Bali ở Indonesia.

“Khử carbon trong chuỗi cung ứng là một nhiệm vụ quan trọng và nhiều công ty thường không biết chắc chắn mục tiêu nào là thực tế và có thể đạt được. Hơn nữa, có sự thiếu kiểm soát và minh bạch đối với phạm vi 3, với các nhà cung cấp thường có sự khác biệt về địa lý và tổ chức trong các ngành công nghiệp khó giảm thiểu”, ông Frederic Godemel, Phó Chủ tịch Điều hành hệ thống điện và dịch vụ tại Schneider Electric, cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng các SME thường thiếu công cụ cần thiết để thiết lập mục tiêu về khí hậu, đo lường tác động như khí thải carbon, so sánh và công bố tiến trình.

Công ty tư vấn ESG Downundered cũng đang nỗ lực giúp chuỗi cung ứng các SME trở nên bền vững hơn. Được thành lập vào năm 2023 bởi 2 đối tác, một người sở hữu kiến thức và kinh nghiệm về chuỗi cung ứng từ Pháp và một người có kinh nghiệm về chiến lược marketing tại Trung Quốc, startup này đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trở nên trung lập carbon và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

“Châu Á và Trung Quốc là những nơi đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và đại diện cho nhiều doanh nghiệp cần phải giảm khí thải carbon. Mặt khác, châu Âu và đặc biệt là Pháp đã phát triển nhiều phương pháp hiệu quả để đánh giá các doanh nghiệp và giảm bớt ảnh hưởng đối với môi trường”, ông Emmanuel Delplanque, đồng sáng lập của Downundered, cho biết. 

Downundered tiến hành đo lường lượng khí thải nhà kính của các doanh nghiệp để xác định những khu vực có thể giảm bớt khí thải, sau đó hỗ trợ các công ty nâng cấp chuỗi cung ứng để giảm thiểu khí thải trong phạm vi 3. Khách hàng hiện tại của Downundered là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật Pháp Votat và công ty vận tải PKM Logistics. Trong giai đoạn mở rộng tiếp theo, Công ty sẽ tập trung vào việc giảm khí thải cho các doanh nghiệp trong ngành thời trang và hàng tiêu dùng nhanh tại Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động của mình tại Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc từ tháng 8 để phát triển các hoạt động đặc biệt tại Thượng Hải và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Delplanque nói.

Có thể bạn quan tâm:

Nhà máy lắp ráp ô tô Trùng Khánh: Từ biểu tượng phát triển đến hoang tàn

Nguồn SCMP